+Aa-
    Zalo

    Từ 1/1/2015 có gì mới?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Tăng lương 8\% cho hơn 5 triệu người, tăng mức lương tối thiểu vùng, được phép mang thai hộ… là những quy định quan trọng được áp dụng từ đầu năm 2015.

    (ĐSPL) – Tăng lương 8\% cho hơn 5 triệu người, tăng mức lương tối thiểu vùng, được phép mang thai hộ… là những quy định quan trọng được áp dụng từ đầu năm 2015.

    Từ đầu năm 2015, khoảng hơn 5 triệu người được điều chỉnh tăng lương (Ảnh minh họa).

    Tăng lương 8\% cho hơn 5 triệu người

    Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015.

    Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8\% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống), tính từ ngày 1/1/2015. Số tiền tăng tương ứng sẽ là 90 nghìn đồng/người/tháng.

    Như vậy, có khoảng 5 triệu người sẽ được điều chỉnh tăng lương từ 1/1/2015. Việc điều chỉnh như trên có tác động giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

    Bộ Tài chính tính toán, nhu cầu kinh phí tăng thêm để tăng lương năm 2015 khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.

    Tăng mức lương tối thiểu vùng

    Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

    Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2015 tới đây như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.

    Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-400.000 đồng/tháng.

    Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

    - Không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất.

    - Cao hơn ít nhất 7\% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).

    Khám vượt tuyến không được bảo hiểm thanh toán

    Trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Bộ Y tế đưa ra, từ năm 2015, người bệnh khi vượt tuyến trung ương, quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 40\% chi phí thay vì 30\% như hiện nay nhưng chỉ với điều trị nội trú, khám kê đơn sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả.

    Hiện nay khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức 30, 50 và 70\% chi phí tùy theo loại bệnh viện.

    Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60\% chi phí, chỉ áp dụng với điều trị nội trú. Từ 1/1/2021, mức chi trả sẽ nâng lên 100\% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Với tuyến huyện, mức hưởng trong năm 2015 sẽ là 70\% chi phí khám, chữa bệnh; từ 1/12016 thì sẽ là 100\% chi phí trong cùng địa bàn tỉnh.

    Bên cạnh đó, từ 1/1/2016, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.

    Từ ngày 1/1/2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn đi khám chữa bệnh đúng tuyến được bảo hiểm y tế chi trả 100\%, không phải đồng chi trả 5\% như hiện nay.

    Với đối tượng cận nghèo sẽ được chi trả 95\%, chỉ phải đồng chi trả 5\% thay vì 20\% như trước đây.

    Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng bổ sung quy định thanh toán 100\% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tương đương 7 triệu đồng). Quỹ bảo hiểm y tế cũng chi trả 100\% chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã.

    Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, thông tư nghị định hướng dẫn thực hiện đều bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2015.

    Được phép mang thai hộ

    Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.

    Luật bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con.

    Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Ảnh minh họa).

    Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

    Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi quy định về tuổi kết hôn để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn và bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan. Theo đó, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ phải từ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn.

    Luật bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính thay vì cấm kết hôn như trước đây.

    Luật sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

    Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này là nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con.

    Tăng mức phạt xe quá tải

    Nghị định số 107 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ tăng mức phạt đối với hành vi chở quá tải.

    Cụ thể, theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có 1 khung phạt từ 5-7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60\% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50\% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

    Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành thì hành vi này được tách ra thành 2 khung phạt.

    Ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60\% đến 100\% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50\% đến 100\% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

    Còn ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100\% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).

    Phạt đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu.

    Tương tự, hành vi điều khiểm xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được Nghị định 107/2014/NĐ-CP tách thành 2 khung phạt.

    Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50\% đến 100\%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

    Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100\%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

    Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máychuyên dùng) 3 tháng.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-112015-co-gi-moi-a76111.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan