+Aa-
    Zalo

    Từ 2018, sa thải lao động nữ mang thai sẽ bị phạt đến 3 năm tù

    • DSPL
    ĐS&PL Từ ngày 1/1/2018 quy định sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị phạt tù đến 3 năm thay vì tối đa là 1 năm theo Bộ Luật Hình sự hiện hành.

    Từ ngày 1/1/2018, sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị phạt tù đến 3 năm thay vì tối đa là 1 năm theo Bộ Luật Hình sự hiện hành.

    Theo tin từ TTXVN, Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017; bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) về “Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật” quy định:

    Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

    -Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

    -Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

    -Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

    -Đối với 2 người trở lên;

    -Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

    -Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

    -Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

    -Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

    Như vậy, quy định với tội danh này tại Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể hơn và tăng nặng hơn quy định hiện hành tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 1999.

    Từ 2018, sa thải lao động nữ mang thai sẽ bị phạt đến 3 năm tù. Ảnh: Dân trí

    Điều 128, Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

    Phản ánh của VnExpress, theo luật định, ép người dưới 16 tuổi làm việc nặng nhọc cũng là phạm pháp. Cụ thể, Điều 296 Luật sửa đổi Bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 đến 60%;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31 đến 60%.

    Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù 3-7 năm

    - Phạm tội 2 lần trở lên;

    - Đối với 2 người trở lên;

    - Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31-60%;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên.

    Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù 5-10 năm.

    - Làm chết 2 người trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.

    Về hiệu lực thi hành của Luật này, trước đó, theo thông tin từ báo Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.

    Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

    (Tổng hợp) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-2018-sa-thai-lao-dong-nu-mang-thai-se-bi-phat-den-3-nam-tu-a203366.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan