+Aa-
    Zalo

    Từ 25/8 xử phạt hành vi không phân loại rác sinh hoạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Nhiều nhân viên vệ sinh cũng như người dân bày tỏ sự ủng hộ việc phân loại rác, tuy nhiên cho rằng còn nhiều trở ngại, cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi.

    Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Nghị định này hết sức kịp thời, là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.

    100001606still004

    (Từ ngày 25/8/2022 xử phạt vi phạm hành chính hành vi không phân loại rác sinh hoạt)

    Theo đó, phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Đáng chú ý, hành vi vi phạm của chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị xử phạt như sau: 

    • Thứ nhất, phạt tiền từ 200 – 250 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
    • Thứ hai, phạt tiền từ 250 – 300 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư theo quy định.

    Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung quy định về mức phạt tiền từ 200 – 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như: Không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt; Không có công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Không đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định;…

    Ghi nhận thực tế, việc người dân phân loại rác trước khi đổ vẫn chưa thực sự nhiều hay có thể nói là vẫn thói quen cũ trộn lẫn vào nhau trước khi đổ rác thay vì phân loại theo quy định.

    Qua tìm hiểu, số người ủng hộ việc phân loại rác lại rất đông tuy nhiên nhiều người dân cũng mong muốn có sự hướng dẫn hoặc có quy trình hướng dẫn từ các đơn vị thu gom rác. Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, một người dân cho biết nếu có thể nên thống nhất màu của các túi đựng rác qua đó để phân loại ngay từ ban đầu và có chỉ dẫn cụ thể loại rác hữu cơ hay rác tái chế.

    100015401still002

    (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là rất cần thiết và kịp thời, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn hoặc có quy trình về phân loại rác tới người dân)

    Một nhân viên vệ sinh thu gom rác khu vực quận Cầu Giấy cũng băn khoăn nhiều về tính thực tiễn của việc thực hiện quy định trên. Bởi đến nay khu vực mà nhân viên này phụ trách, người dân vẫn chưa tuân thủ và nắm bắt được quy định về phân loại rác. Cùng với đó cũng chưa có trường hợp nào bị xử phạt về hành vi trên. Theo chia sẻ, nhiều người đi đổ rác vào nhiều khung giờ trong ngày nên việc tuyên truyền hay yêu cầu thực hiện phân loại cũng phức tạp. 

    Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm cho biết, xử phạt vi phạm hành chính về môi trường là cần thiết nhưng điều quan trọng là các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền và có hướng dẫn cụ thể tới từng cá nhân tổ chức để phân loại rác ngay từ ban đầu. 

    Không chỉ khu dân cư mà ngay cả tại các chung cư văn phòng tình trạng phân loại rác cũng gặp khó khăn, vì từ lâu người dân hình thành thói quen đổ chung các rác nên để thay đổi là điều không dễ. 

    100055721still003

    (Không chỉ khu dân cư mà còn các chung cư văn phòng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại rác)

    Do đó, ngoài hướng dẫn tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ gia đình, chúng ta cũng cần đẩy mạnh các chương trình phổ biến, phân loại rác trong các trường học, các khu dân cư, văn phòng. Đặc biệt nên giám sát và  xử lý nghiêm những vi phạm, như vậy khi quy định có hiệu lực người dân sẽ có ý thức trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-258-xu-phat-hanh-vi-khong-phan-loai-rac-sinh-hoa-a548372.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.