+Aa-
    Zalo

    Từ cậu học trò ham chơi đến vị Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

    • DSPL
    ĐS&PL Trong đợt xét/phong Giáo sư, Phó Giáo sư năm ngoái, anh Nguyễn Hoàng Hiệp đã được công nhận chức danh Giáo sư ở tuổi 36, trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

    Trong đợt xét/phong Giáo sư, Phó Giáo sư năm ngoái, anh Nguyễn Hoàng Hiệp đã được công nhận chức danh Giáo sư ở tuổi 36, trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Anh cho biết, bản thân mình không phải là một người ham học ngay từ nhỏ và sự may mắn đã giúp anh đã nhận ra niềm đam mê bất tận với Toán học.

    Trở thành Giáo sư ở tuổi 36 GS

    Nguyễn Hoàng Hiệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố làm kỹ sư, mẹ làm giáo viên. Thay vì định hướng hoặc ép con phải đi theo nguyện vọng của gia đình, cha mẹ anh luôn khuyến khích cậu con trai đi theo đam mê của mình.

    “Mặc dù mẹ làm giáo viên, nhưng “người thầy” đầu tiên, có ảnh hưởng lớn nhất với tôi lại là bố. Mong tôi chăm chỉ học hành song ông chỉ khích lệ theo kiểu mưa dầm thấm lâu chứ không phải là dạng gây sức ép. Bố mua rất nhiều sách, đủ các lĩnh vực để cho tôi tự tìm tòi, và thật may mắn, tôi tìm thấy bản thân tôi ở một trong những cuốn sách ấy”, GS. Hiệp chia sẻ.

    Hồi học THCS, anh Hiệp không thực sự hứng thú, tập trung trong việc nghe giảng, đến lớp. Một lần, anh lấy đại cuốn sách Số học để đọc, nhưng không ngờ lại bị cuốn hút, say mê quên cả thì giờ. Tình yêu với những con số và ý thức phải học môn Toán một cách cẩn thận trong anh nảy mầm từ lúc ấy.

    Chân dung GS. Nguyễn Hoàng Hiệp.

    Trong suốt 3 năm cấp 3, cậu học trò Nguyễn Hoàng Hiệp luôn cố gắng tìm tòi, khám phá và trau dồi kiến thức từ những cuốn sách Toán học. Cậu sáng tạo ra nhiều phương pháp giải mới, làm giáo viên dạy Toán đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

    Mỗi người chúng ta đều có một “ngưỡng cửa cuộc đời” của riêng mình. Đó là lằn ranh, là giới hạn chứng tỏ ta đã trưởng thành và biết suy nghĩ chín chắn hơn, đồng thời mở ra lối đi trong tương lai cho chính mình. Với người học trò Nguyễn Hoàng Hiệp “ngưỡng cửa” ấy xuất hiện khi cậu làm hồ sơ thi đại học.

    “Vì tôi yêu môn Toán, muốn được làm công tác giảng dạy nên đã quyết định thi vào khoa Toán của đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày đó tôi còn trẻ, cũng không đủ hiểu năng lực nghiên cứu của tôi đến đâu, chỉ nghĩ đơn giản là vào sư phạm để có thể giảng dạy môn này”, GS. Hiệp cho hay.

    Năm ấy, anh Hiệp đã xuất sắc đỗ vào trường đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm rất cao. Kể từ đó, niềm say mê Toán học của cậu sinh viên đất Hải Dương như được chắp thêm đôi cánh...

    Người thầy - người bạn tri kỷ

    Bước chân vào giảng đường đại học, cậu sinh viên Nguyễn Hoàng Hiệp “như cá gặp nước”, được tiếp cận với rất nhiều tài liệu và cuốn sách liên quan đến Toán học. Như một cái duyên trong đời, anh gặp GS. Nguyễn Văn Khuê, người giúp “con cá” ấy bơi ra biển lớn, cũng là “một
    người thầy – người bạn tri kỷ” mà anh không bao giờ quên ơn.

    Nhớ về những người từng giúp đỡ mình, GS. Hiệp muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ: “Muốn giỏi người ta phải tiếp xúc với người giỏi. Càng tiếp xúc nhiều người giỏi trong tất cả các lĩnh vực thì tôi sẽ càng học tập được nhiều, đồng thời tự học, quan sát và rút ra những tri thức cho riêng mình. Ở đây tôi may mắn gặp GS. Nguyễn Văn Khuê, sau là GS. Urban Cefrell, người hướng dẫn tôi làm luận án Tiến sĩ. Và sau này khi chuyển sang viện Toán tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của GS. Ngô Việt Chung, GS. Lê Tuấn Hoa”.

    Trở lại quá trình nghiên cứu khoa học của GS. Nguyễn Hoàng Hiệp, ban đầu khi còn là sinh viên, GS. Hiệp: “Thời ấy thực ra hầu hết mọi người chỉ đọc sách tiếng Việt thôi. Nên khi được đọc sách nước ngoài thì tôi như bước vào một kho tri thức mới. Sau, tôi đọc một số bài báo của GS. Urban Cefrell ở Thụy Điển, thu được một số kết quả, mở ra một số hướng nghiên cứu
    để hoàn thiện công trình gửi cho ông, ông mới đề nghị tôi sang Thụy Điển”.

    “Sau khi sang đó bảo vệ luận án tiến sĩ xong, tôi quay lại trường Sư phạm Hà Nội tiếp tục giảng dạy. Một thời gian sau đó thì tìm được một số vị trí nghiên cứu sau Tiến sĩ ở nước ngoài, như ở Ý, ở Pháp. Trong quá trình đó tôi còn tự đọc tài liệu, tự nghiên cứu và giải quyết một số câu hỏi trong Toán học. Nhờ thế mà công trình nghiên cứu cứ nhiều lên”, GS.Hiệp kể lại.

    GS. Hiệp vốn không quan tâm đến việc đạt tiêu chuẩn Giáo sư ở tuổi 36. “Làm công việc gì quan trọng nhất là đóng góp chuẩn Giáo sư, anh Hiệp cho rằng các quốc gia khác cũng đánh giá trên các phương diện: Đóng góp cho khoa học, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho giảng dạy và căn cứ theo ba mặt này, nếu anh đóng góp cho khoa học quá nhiều mà 2 mặt kia yếu hơn thì vẫn đạt tiêu chuẩn.

    Nếu vì tiền không thể làm khoa học GS

    Hiệp chia sẻ, không riêng môn Toán, đã gọi là nghiên cứu khoa học thì phải tập trung, dành nhiều thời gian mới thấy được sự thú vị. Toán có nhiều ý nghĩa trong việc giải thích hiện tượng trong cuộc sống. Theo anh, toán học không hề khô khan hay xa rời đời sống. Nó là công cụ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và giải thích các hiện tượng gần gũi với chúng ta. Muốn điều khiển một vật nào trong Trái đất cũng đều cần phải sử dụng Toán học.

    Khi PV nhắc đến cuộc sống chật vật của những người làm nghiên cứu, anh Hiệp bảo: “Tôi lấy nghiên cứu làm đam mê chứ không nghĩ đến cái khác. Sau khi học đại học xong tôi thấy lương đi dạy như vậy là đủ rồi nên cũng không mưu cầu nhiều, khi bảo vệ Tiến sĩ ở nước ngoài thì họ cũng có lương cho mình. Số tiền đủ cho tôi làm nghiên cứu”.

    Anh Hiệp cho biết công việc giảng dạy ở trường sư phạm đem lại một mức thu nhập vừa phải so với mặt bằng chung ở Việt Nam và đủ điều kiện để phục vụ việc nghiên cứu của anh. Đồng thời, vị giáo sư trẻ tuổi khẳng định trước khi quyết định làm khoa học thì anh đã xác định “không thể đầy đủ quá về kinh tế”.

    Chia sẻ về trung tâm Unesco (nơi GS. Hiệp vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc), anh cho biết: “Tôi đã đề đạt xin chỉ đạo của Thủ tướng. Trung tâm này sẽ là nơi đào tạo những bạn trẻ có năng khiếu Toán học, đồng thời thu hút những người giỏi ở nước ngoài với mục đích đạt trình độ tiệm cận quốc tế”.

    CÔNG LUÂN 
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 70 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-cau-hoc-tro-ham-choi-den-vi-giao-su-tre-nhat-viet-nam-a232681.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan