+Aa-
    Zalo

    Tự chủ đại học cần “cởi trói” và có lộ trình phù hợp

    • DSPL
    ĐS&PL Câu chuyện “cởi trói” thế nào để có tự chủ đại học thực chất vẫn đang trở thành mối quan tâm của nhiều chuyên gia.
    tu chu dai hoc can coi troi va co lo trinh phu hop dspl
    TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu còn say sưa với thiết chế tập quyền thì sự tồn tại của hội đồng trường không có ý nghĩa gì.

    Còn say sưa thiết chế tập quyền thì hội đồng trường “vô nghĩa”

    Mới đây, trong buổi tọa đàm trực tuyến câu lạc bộ Chủ tịch hội đồng trường các trường đại học, TS. Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, nếu còn say sưa với thiết chế tập quyền thì sự tồn tại của hội đồng trường không có ý nghĩa gì.

    Trao đổi rõ hơn về vấn đề này với PV ĐS&PL, TS. Lê Viết Khuyến cho biết thêm: “Phải kiên quyết từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản thì mới có tự chủ đại học đích thực, phải xác định cụ thể là trao quyền cho hội đồng trường. Bên cạnh đó, cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy - hội đồng trường - ban giám hiệu - cơ quan quản lý Nhà nước”.

    Về phía các cơ sở giáo dục đại học, mỗi đơn vị cũng đều nhận ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất, thậm chí, đã có đề xuất, kiến nghị bộ GD&ĐT tháo gỡ.

    Trao đổi với PV, TS. Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) chỉ ra: “Thực ra, vướng mắc đầu tiên mà mọi người đều thấy chính là vướng mắc từ hệ thống pháp lý, vẫn chưa được đồng bộ. Cụ thể, tự chủ hiện tại mới chỉ có mỗi luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP là quy định rõ về tự chủ, nhưng lại tồn tại bao nhiêu luật khác “giằng” vào, ví dụ như luật Công chức viên chức, rồi luật Đầu tư công, các quy định về công tác cán bộ của các Bộ chủ quản...

    Nói đơn giản, giả sử như khi tự chủ, quy trình bổ nhiệm một đồng chí ở trong trường thì do quy chế tổ chức hoạt động của trường theo quy định, nhưng lại vẫn phải chịu sự chi phối của các quy định của Bộ ngành đó về công tác cán bộ nữa. Cho nên, mọi thứ cứ chồng chéo lên nhau, làm cho hoạt động tự chủ của các trường gặp khá nhiều khó khăn.

    Vướng mắc thứ hai nằm ở mô hình hội đồng trường, cũng chưa được quy định một cách rõ ràng. Ví dụ như hiện nay, chúng ta đều thấy rằng, mối quan hệ giữa Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu rất quan trọng; mối quan hệ đó sẽ xác lập quy trình vận hành trong trường đại học tự chủ. Nhưng mối quan hệ đó thì chưa có căn cứ pháp lý nào, quy định nào cụ thể, rõ ràng”.

    “Bên cạnh đó, cũng cần chú ý thêm, mô hình hội đồng trường rất phổ biến trên thế giới, chúng ta cũng thấy đây sẽ là một mô hình tốt ở Việt Nam nếu có thể chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý một điểm là trên thế giới không có Đảng ủy, tức là chỉ có hội đồng trường xong đến ban giám hiệu. Còn Việt Nam chúng ta lại đang có Đảng ủy, có hội đồng trường và có ban giám hiệu; nếu không thận trọng thì cái chức năng của Đảng ủy và chức năng của hội đồng trường có thể bị trùng vào nhau.

    Vì thế, cần phải có các văn bản pháp lý quy định cụ thể mối quan hệ đó. Đấy cũng là một điểm vướng mắc. Đã tự chủ thì phải phát huy được vai trò của hội đồng trường, nhưng cách phát huy thế nào thì cần có quy định” - vị Hiệu trưởng phân tích thêm.

    Lộ trình không nên “nóng vội”

    Đề cập đến lộ trình thực hiện tự chủ, TS. Hoàng Xuân Hiệp cũng bày tỏ: “Giai đoạn vừa qua, yêu cầu thành lập hội đồng trường rất đúng, nhưng tôi cho rằng, lộ trình hơi gấp gáp. Như vừa rồi, văn bản ban hành sau cùng là Nghị định 99 từ tháng 2/2020 mới có hiệu lực, nhưng yêu cầu đến tháng 8/2020 đã phải củng cố xong hội đồng trường. Theo tôi, như vậy là gấp quá.

    Cứ tưởng tượng, phải bồi dưỡng một người là Hiệu trưởng thì tìm đã khó rồi, bây giờ lại bồi dưỡng một người là Chủ tịch hội đồng trường lại càng khó. Chưa hết, muốn hội đồng trường có hiệu lực thì thành viên tham gia hội đồng trường cũng phải thực sự có năng lực. Như vậy, phải lựa chọn để đảm bảo hội đồng trường có chức năng, nhiệm vụ theo quy định, thì những thành viên đó phải có năng lực.

    Và đương nhiên phải cần thời gian đào tạo, bồi dưỡng có khi đến vài năm hoặc vài nhiệm kỳ, cần có lộ trình hợp lý cho các trường làm. Bây giờ, đùng cái bảo làm ngay, nếu trường nào cố tình làm thì cũng được, nhưng người được chọn ra có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu, cũng không đáp ứng yêu cầu về mặt tự chủ”.

    “Đó chính là một số điểm yếu mà chúng tôi thấy băn khoăn về công tác tự chủ, cũng đều là những ý kiến đã được đề đạt lên trên. Tuy nhiên, để thực hiện được tự chủ cần cả một cơ chế, chứ không phải như người ta nói, tự chủ là phải bỏ cơ quan chủ quản, không phải đơn giản như thế!

    Bởi lẽ, nếu xem cơ quan chủ quản là cơ quan ở trên đầu một trường đại học mà thôi thì cũng không đúng, đó phải là một cơ chế chủ quản thì trường mới hoạt động được. Chẳng hạn, các trường thuộc bộ GD&ĐT thì cơ quan chủ quản là bộ GD&ĐT. Nhưng vấn đề là không chỉ bộ GD&ĐT quản lý trường, còn bộ Tài chính, bộ Nội vụ, bộ Kế hoạch và Đầu tư... với cơ chế ràng buộc nhau... Cho nên, nếu chỉ “gỡ” ở một Bộ thôi thì cũng không giải quyết được vấn đề, đặc biệt, hiện tại, chưa có một cơ chế đồng bộ” - TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.

    Từ thực tiễn với nhiều vướng mắc, câu lạc bộ Chủ tịch hội đồng trường đã nêu ra 7 đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy và phát triển tự chủ đại học.

    Theo đó, trước hết, trong hoàn cảnh hành lang pháp lý chưa thông thoáng, còn chồng chéo, cần ban hành một Nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ, những trường đại học đã thực hiện xây dựng được hội đồng trường; Thứ hai, hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và bộ GD&ĐT cần tác động Chính phủ chia sẻ để các cấp lãnh đạo ở các bộ, các tỉnh hiểu hơn về vai trò, quyền hạn của Hội đồng trường; Thứ ba, cần thực hiện hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Luật 34 và Nghị định 99 về tự chủ đại học; Thứ tư, cần tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản, đảm bảo trao quyền tự chủ cho các trường, phát huy vai trò, quyền lực của hội đồng trường; Thứ năm, trong trường hợp chưa thể ban hành nghị định mới thì nên có thông tư liên tịch khi hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo đang gây khó khăn cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ; Thứ sáu, do vấn đề quản lý đối với các trường cao đẳng chưa được nhất quán nên cần phải có thông tư hướng dẫn và mở rộng cơ chế tự chủ đối với các trường cao đẳng; Thứ bảy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi tư duy nhận thức về vai trò của hội đồng trường đến xã hội, các cấp lãnh đạo và trong từng nội bộ cơ sở.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 4 (88)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-chu-dai-hoc-can-coi-troi-va-co-lo-trinh-phu-hop-a503664.html
    Tự chủ đại học, học phí sẽ tăng mạnh?

    Tự chủ đại học, học phí sẽ tăng mạnh?

    (ĐSPL) – Trong giai đoạn hiện nay, tự chủ đại học đang là vấn đề “nóng” được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tự chủ đại học, học phí sẽ tăng mạnh?

    Tự chủ đại học, học phí sẽ tăng mạnh?

    (ĐSPL) – Trong giai đoạn hiện nay, tự chủ đại học đang là vấn đề “nóng” được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

    Đột phá từ trao quyền tự chủ đại học

    Đột phá từ trao quyền tự chủ đại học

    Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và cần thực hiện ra sao là chủ đề “nóng”, đang được cơ quan quản lý và lãnh đạo các trường đại học quan tâm.