+Aa-
    Zalo

    Tự chủ giáo dục đại học "cởi trói" cho các trường, minh bạch về chất lượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học khi được trao quyền tự chủ phải đảm bảo tự chủ đồng bộ...

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học khi được trao quyền tự chủ phải đảm bảo tự chủ đồng bộ, không chỉ dừng lại ở bộ máy lãnh đạo hay bất kỳ một bộ phận nào, các cơ quan chủ quản không can thiệp sâu vào công tác điều hành.

    "Ở đâu có tự chủ, minh bạch, ở đó vận hành tốt"

    Mới đây, bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (Luật số 34), qua 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.

    Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, đầu tư còn hạn chế, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học sống bằng học phí nhưng giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nếu xét trên toàn hệ thống, giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện thứ bậc rõ nét trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới và khu vực. Sống trong môi trường hội nhập, Việt Nam may mắn được học hỏi, kế thừa, tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn về tự chủ đại học trên trường quốc tế, nhưng vẫn cần xác định bước tiến nhanh bền vững, chắc chắn... Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam cũng "vấp" phải những tồn tại, không ít trường tự chủ hạn chế, nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, xử lý để giáo dục đại học tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế".

    Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ở đâu có tự chủ công khai minh bạch, ở đó vận hành tốt"

    Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý một số nội dung quan trọng cần thống nhất nhận thức trong luật Giáo dục đại học (GDĐH), Nghị định 99. Đó là nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong đại học, trường đại học; điều kiện từ trường đại học sang đại học; nhóm vấn đề về thiết chế hội đồng trường. Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì luật GDĐH và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù; tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của hội đồng trường... cũng cần được các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện triệt để.

    Vị tư lệnh ngành cũng lưu ý thêm, trong thời gian tới đây, cần thống nhất việc phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan: "Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản tập trung vào quản lý Nhà nước, không can thiệp sâu vào công tác điều hành của các cơ sở giáo dục đại học bằng biện pháp hành chính; đề cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công".

    Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vai trò, vị trí của hội đồng trường phải là quyết định các quyết sách lớn chứ không phải chỉ là nơi thông qua, đây là một cuộc cách mạng nâng cao nhận thức, quyết tâm để nâng cao hiệu lực quy chế này.

    "Thứ hai, về việc lựa chọn, ngoài những thành phần tất yếu, thành phần mở rộng cũng rất quan trọng, chọn được những người thực sự am hiểu, tâm huyết, có trách nhiệm tham gia vào hội đồng trường. Và thực sự có hiểu biết, có trách nhiệm quyền hạn của mình, từ đó, bầu ra được một vị Chủ tịch hội đồng trường đủ năng lực, trách nhiệm. Xây dựng một quy chế tổ chức hoạt động hội đồng trường đúng với quy định của luật và căn cứ vào đó để giám sát. Nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường, phải bồi dưỡng nhận thức, am hiểu thì mới đưa ra những quyết sách lớn. Lúc này, quyền quyết định đối với nhà trường không phải Hiệu trưởng hay ban giám hiệu mà phải là hội đồng trường, hoạt động theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, minh bạch, và có sự giám sát. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần quán triệt sâu cho cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị mình để hiểu rõ Luật 34 và Nghị định 99 cũng như quyền, trách nhiệm của đơn vị, của từng cá nhân. Không chỉ tự chủ đến các nhà trường mà phải tự chủ sâu đến từng đơn vị liên quan, đến từng cán bộ viên chức, nhất là các giáo sư. Họ cũng phải có trách nhiệm để từng thành viên trong cơ sở giáo dục đại học thấm nhuần thì mới thành công, chứ không phải tự chủ chỉ dừng lại ở bộ máy lãnh đạo.

    Theo quan sát cũng như thực tế đang rà soát, chỉ đạo, ở đâu có tự chủ công khai minh bạch, ở đó vận hành tốt", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

    Bước đầu "cởi trói" và những kỳ vọng

     Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, thay đổi lớn nhất trong luật Giáo dục đại học sau sửa đổi, bổ sung, đó là thay đổi quyền về quản lý Nhà nước với giáo dục đào tạo, với quyền quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, trao quyền quản trị cho các cơ sở giáo dục đại học theo một tinh thần tự chủ đầy đủ nhất. Các trường bây giờ được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức, tài chính, học thuật,... Như vậy, xóa bỏ cơ chế theo kiểu "xin - cho", hay cấp "giấy phép con"..., tôi cho rằng đây là yếu tố căn bản nhất giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể vươn lên, đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội".

    Đánh giá về sự thay đổi tích cực, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ: "Về cơ bản, tôi cho rằng, Luật GDĐH đã "cởi trói" được những vấn đề quản lý Nhà nước về mặt chuyên môn, đặc biệt là về mặt học thuật, đây là vấn đề lớn nhất để các cơ sở giáo dục đại học có thể tự chủ. Bên cạnh đó, có thể còn những vấn đề khác không nằm trong phạm vi quản lý của chúng tôi, ví dụ, quản lý về mặt tài chính, còn liên quan đến Luật Đầu tư công, luật Cán bộ công chức... tuy nhiên chúng tôi cũng đang kỳ vọng sắp tới, sau khi sửa đổi luật Đầu tư công, luật Cán bộ công chức, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được trao quyền nhiều hơn, để đảm bảo tính tự chủ được phát huy đầy đủ, mạnh mẽ".

    ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, đây là một cuộc cách mạng lớn, những thay đổi có ý nghĩa lớn đối với sức sống của hệ thống giáo dục đại học: "Để thi hành luật, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Thông tư để hướng dẫn thi hành, thực hiện thống nhất trong thực tiễn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng đối tượng chịu sự tác động, sự điều chỉnh... tạo sự nhận thức thống nhất. Luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống. Nhà trường cũng là một môi trường trong xã hội, nên không chỉ chịu sự điều chỉnh, tác động của luật Giáo dục đại học, mà còn có các luật khác cơ sở giáo dục đại học phải triển khai. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học cũng đã có những "tháo gỡ" nhất định đối với các lĩnh vực thuộc hoạt động của nhà trường, cởi mở hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tính tự chủ. Việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền tự chủ chính là tạo điều kiện phát huy nguồn lực phát triển nhà trường, đặc biệt, phát huy tính sáng tạo, qua đó, thúc đẩy những phát minh, kết quả nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học...".

    Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự tin tưởng, năm 2020 là năm bản lề thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 để giai đoạn 2021- 2025, giáo dục đại học có những đột phá.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật số 5

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-chu-giao-duc-dai-hoc-coi-troi-cho-cac-truong-minh-bach-ve-chat-luong-a308600.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan