Từ hang Sơn Đoòng nhớ đồi Vọng Cảnh


Thứ 6, 07/11/2014 | 13:32


Xung quanh những tranh cãi về việc xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trước đây có những dự án tương tự không vượt qua được áp lực dư luận.

Xung quanh những tranh cãi về việc xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trước đây có những dự án tương tự không vượt qua được áp lực dư luận. Dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh nhìn ra sông Hương- thành phố Huế đã phải dừng thi công năm 2006.

Hồi cuối tháng 10/2014, chính quyền tỉnh Quảng Bình có công bố thông tin về việc cho phép tập đoàn Sungroup (chủ đầu tư các dự án cáp treo Bà Nà hill, vịnh Hạ Long, đỉnh Fanxipang) tiến hành khảo sát xây dựng tuyến cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Dự án này đã vấp phải làn sóng tranh cãi của cộng đồng dân chúng quan tâm đến sự sống còn của kì quan thiên nhiên thế giới- hang Sơn Đoòng- hang động lớn nhất thế giới còn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên.

Chưa nói đến dự án này gây ảnh hưởng hay hậu quả gì đến cảnh quan, địa tầng kiến tạo nơi đây, nhiều người có ý kiến rằng “lãnh đạo làm việc của họ, mình nói gì cũng đâu thay đổi được”. Nhưng thời đại phát triển như ngày hôm nay, khi lãnh đạo là "đầy tớ" của nhân dân, thì những cá nhân, cộng đồng thực hiện quyền công dân chính đáng đã có lần khiến chính quyền phải xem xét lại những quyết định được đưa ra từ bàn giấy của mình.

Vội vã động thổ

Đồi Vọng Cảnh tọa lạc ở một vị trí hết sức tuyệt vời: nằm bên bờ sông Hương và ngay khúc uốn ngoạn mục nhất của dòng sông. Đứng ở đây, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn lên tận thượng nguồn dòng sông với hình ảnh của những ngọn núi Kim Phụng, Kim Kê tạc vào trời xanh. Nhìn về phía tây bắc là dãy núi màu lam trên nền tím của mặt trời hoàng hôn. Sông núi hữu tình như một bức tranh thủy mặc. Vì vậy, người Huế, mà nhất là văn nghệ sĩ (đặc biệt là giới nhiếp ảnh nghệ thuật) gọi đó là nơi đẹp nhất để ngắm nhìn sông Hương, đặc biệt là sông Hương lúc hoàng hôn. Có không biết bao nhiêu là bức ảnh đẹp về Hương Giang được treo trong phòng khách của hàng vạn gia đình đã được chụp từ ngọn đồi Vọng Cảnh này.

Từ hang Sơn Đoòng nhớ đồi Vọng Cảnh

Sông Hương thơ mộng nhìn từ đồi Vọng Cảnh, nơi dự án xây dựng khách sạn bị dư luận phản ứng.

Cuối tháng 12/2004, có thông tin một dự án xây khách sạn rộng 7ha bao gồm toàn bộ đồi Vọng Cảnh và vùng đất xung quanh, xây trên sườn đồi sát bờ sông Hương đang được chuẩn bị những bước cuối cùng để khởi công. Đến tháng 1/2005 dự án vội vã tiến hành động thổ. Có tổng cộng 2 khối nhà khách sạn với 100 phòng nghỉ sẽ được xây dựng, dự báo phá vỡ hoàn toàn cảnh quan môi trường tây nam Huế.

Dù cái hại khi xây khách sạn tại đây là rõ rệt nhưng có rất nhiều quan chức, chuyên gia lúc bấy giờ cho rằng dự án là cơ hội tốt để phát triển kinh tế xã hội nơi này, khi mà ở thời điểm đó Huế rất “khát” các dự án đầu tư nước ngoài.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư dưới 5 triệu USD (4,9 triệu USD), nên việc cấp phép đầu tư sẽ do UBND tỉnh có thẩm quyền quyết định.

UNESCO lên tiếng

Cũng như một đứa con được sinh ra, nhưng nó không hề thuộc quyền sở hữu của chính quyền nơi nó ở để mà họ muốn đưa cho ai chỉnh sửa nhan sắc, cải tổ hay phẫu thuật nó để “phục vụ cho phát triển kinh tế tình nhà”. Thắng cảnh thiên nhiên là báu vật chung không của riêng ai, dù là có ý tốt, làm lợi cho dân cũng phải được công khai lấy ý kiến rộng rãi cho dân được bàn, tối thiểu cũng phải thông qua hội đồng nhân dân tỉnh (đại biểu cho dân) quyết định. Nhưng trên thực tế, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thậm chí không cần lắng nghe những khuyến cáo của các chuyên gia, sự phản đối của người dân suốt năm 2005 đến 2006.

Năm 2004, sông Hương đang được UNESCO đề nghị lập hồ sơ để bổ sung vào danh mục di sản nhân loại. Nếu được cấp danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, đồng nghĩa với việc thu hút vốn đầu tư vào đây là rất lớn để bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, sông Hương nghiễm nhiên có được danh hiệu bảo chứng cho du lịch tỉnh nhà trên toàn quốc tế.

UNESCO đưa ra các khuyến cáo cho thành phố Huế về một loạt những công trình, dự án khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị di sản của quần thể di tích Huế (như dự án nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh, hay xây tượng đài liệt sĩ trên di tích đàn Nam Giao). Nếu không thực hiện theo khuyến cáo, UNESCO sẽ rút tên Huế ra khỏi danh mục di sản, khi đó, Huế như cô Hoa Hậu đang trên đỉnh vinh quang bị tước danh hiệu vì phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Từ hang Sơn Đoòng nhớ đồi Vọng Cảnh

Dự án Life Resort trên đồi Vọng Cảnh dù đã khởi công nhưng vấp phải sự phản đối của cộng đồng.

Và cách hô hoán ồn ào của dư luận đã trực tiếp hay gián tiếp giúp UNESCO bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đển chủ trương giải quyết dự án này qua nhiều cách đến các quan chức ở Huế, dù Vọng Cảnh không nằm trong danh mục bảo vệ di sản của UNESCO. Cuối cùng để dẹp yên dư luận và giữ an toàn danh hiệu, chính Bộ Văn Hoá Thông Tin đã ra công văn đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai dự án nhiều lần liên tiếp, cho đến khi dự án được dừng hoàn toàn.

Dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh không phải là lần đầu tiên và duy nhất bị đình chỉ và dừng thi công do áp lực của dư luận. Chúng ta còn có những bài học về dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 & 6A ở rừng Nam Cát Tiên, Đồng Nai năm 2011, hay dự án mổ xẻ công viên Thống Nhất, Hà Nội năm 2009.

Như vậy, việc phản đối của các cá nhân, cộng đồng quan tâm yêu mến những di sản thiên nhiên của Việt Nam nếu được thực hiện đúng cách, kiên trì sẽ gây được tác động to lớn lên các cấp lãnh đạo, chính quyền nhân dân. Từ đó, các dự án tác động, gây ảnh hưởng không tốt lên môi trường có thể được xem xét lại, cân nhắc cho đúng đắn giữa lợi ích kinh tế và hình ảnh quốc gia. Điều này còn thể hiện được việc thực hiện những quyền và lợi ích chính đáng mà người dân được hưởng, từ đó có thể nâng cao tầm ảnh hưởng tiếng nói của nhân dân đến những vấn đề cấp thiết của xã hội.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-hang-son-doong-nho-doi-vong-canh-a68025.html