+Aa-
    Zalo

    Tử tù trẻ nhất lịch sử Canada được minh oan sau 48 năm, được đền bù 6,5 triệu USD

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống.

    Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống.

    Án oan của “tử tù” đi vào lịch sử Nhật

    Sakae Menda lúc còn trẻ. Ảnh: Independent

    Ngày 30/12/1948, một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra với đôi vợ chồng vị linh mục đáng kính ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Nghi phạm được xác định là một tên trộm. kK này bị phát hiện khi đang tìm kiếm đồ quý giá, nên ra tay giết hại hai vợ chồng vị linh mục và làm bị thương hai cô con gái của họ.

    Vài ngày sau đó, một thanh niên 23 tuổi bị bắt tới đồn cảnh sát vì bị tình nghi ăn trộm gạo ở một cửa hàng tạp hóa. Sakae Menda đã bị đưa tới đồn cảnh sát và bị tra khảo về việc ăn trộm gạo, nhưng chỉ hai ngày sau khi bị bắt, cảnh sát thông báo rằng, Sakae Menda có thể chính là thủ phạm của vụ án giết vợ chồng ngài linh mục.

    Sakae Menda sau đó đã bị giam giữ ba tuần để cảnh sát thẩm tra mà không có bất kỳ một luật sư đại diện nào. Trong suốt ba tuần đó, cảnh sát đã dùng tới những nhục hình để Sakae ký vào biên bản nhận tội.

    Những ngày tháng trong phòng biệt giam dành cho tử tù là những ngày tháng đau đớn cùng cực của chàng thanh niên 23 tuổi bởi cả gia đình cậu cũng đã quay lưng khi không hề tin tưởng Sakae Menda.

    Cuộc sống trong căn phòng biệt giam chỉ năm mét vuông là đáng sợ hơn cả cái chết, bởi hằng ngày nó mang đến cho các tù nhân biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc như một cách tra tấn tinh thần kinh khủng nhất.

    Sakae Menda kể: “Hằng ngày, chúng tôi ăn sáng vào khoảng 8h đến 8h30’, sau đó đội thi hành án sẽ đến và đưa bất kỳ ai trong chúng tôi đi ra pháp trường. Lính gác sẽ mở cửa sắt, trái tim bạn sẽ loạn nhịp vì lo sợ, nhưng rồi người bị đưa đi không phải là bạn. Đó là một thứ cảm giác kinh hoàng lặp lại hàng ngày cho đến khi thật sự đến lượt bạn”.

    Trong suốt quãng thời gian gần hai tháng chờ đợi cái chết đến với mình, Sakae Menda không hề bị khuất phục, ông năm lần viết đơn khiếu nại lên các cấp phúc thẩm nhưng đều bị từ chối.

    Mãi đến năm 1979, lá đơn lần thứ sáu được gửi đi thì một luật sư cấp quận mới được cử đến để nói chuyện với Sakae Menda khi đó 54 tuổi. Trong những lần trò chuyện cùng Sakae Menda, vị luật sư này có linh cảm tốt về người đàn ông này.

    Ông Menda khi về già. 

    Không thể làm ngơ, ngày 27/9/1979, tòa thượng thẩm hạt Fukuoka mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Sakae Menda. Lần này tòa chịu nghe tường trình của các nhân chứng cho thấy Menda có chứng cứ ngoại phạm. Đặc biệt có một nhân chứng nữ thú nhận đã khai man do bị ép buộc.

    Ngày 15/7/1983, một phiên tòa nữa, với sự tham dự của 80 thẩm phán, tuyên bố bị cáo Sakae Menda trắng án dựa trên cơ sở bị cáo bị ép cung nhận tội, cơ quan điều tra che giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo mà phía luật sư đưa ra trước khi xử án. Tòa án cũng thừa nhận cảnh sát giấu giếm bằng chứng ngoại phạm của bị cáo.

    Như vậy ông Menda là tử tù oan sai suốt 34 năm, và chỉ được minh oan khi ông đã 54 tuổi. Ông trở thành tử tù đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được minh oan. 

    “Tôi đến gặp những viên cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn tôi, hỏi họ cảm thấy thế nào về những gì họ đã làm. Họ trả lời tỉnh bơ rằng họ chỉ làm công việc của mình - ông Menda đau đớn - Không có gì tàn nhẫn hơn việc nhà chức trách cướp đi mạng sống một người vô tội”.

    Đổi lại cho những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời bị giam cầm sau song sắt, Chính phủ Nhật đã đền bù cho Menda với mức 7000 Yên một ngày trong tù, tổng cộng ông nhận được 90 triệu Yên.

    Menda đã trích một nửa số đó cho chiến dịch xóa bỏ án tử hình ở Nhật và cũng từng dẫn đầu phái đoàn Nhật tham dự Hội nghị thế giới lần thứ nhất chống án tử hình diễn ra tại thành phố Strasbourg (Pháp) do Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu tổ chức năm 2001.

     Dù được minh oan và trả tự do, nhưng ông Sakae Menda vẫn luôn ám ảnh với những ngày tháng chờ đợi cái chết và ám ảnh những câu chuyện của những người bạn tù, rất nhiều người trong số họ vô tội giống như ông, hoặc chí ít họ tin rằng mình không đáng tội chết.

    Tử tù trẻ nhất lịch sử tư pháp Canada

    Canada Steven Murray Truscott.

    Năm 1959, Canada Steven Murray Truscott (14 tuổi) trở thành tử tù trẻ nhất trong lịch sử Canada với cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại bạn cùng lớp. 

    Theo tài liệu của Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario, tối 9/6/ 1959, Truscott chở cô bạn cùng lớp Lynne Harper, 12 tuổi, bằng xe đạp từ trường học tới đường cao tốc gần một căn cứ không quân bên ngoài thị trấn Clinton, tỉnh Ontario.

    Hai ngày sau, cảnh sát địa phương tìm thấy thi thể Harper trong một cánh rừng. Cô bé bị cưỡng hiếp và bị sát hại. Nhà chức trách cho rằng Truscott là người cuối cùng gặp Harper trước khi cô thiệt mạng.

    Khi bị cảnh sát thẩm vấn, cậu khai rằng cô bạn đã xin đi nhờ tới đây để tiếp tục bắt xe đến nhà bà ngoại. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng Truscott là người cuối cùng gặp Harper trước khi cô thiệt mạng.

    Chỉ trong vòng hai ngày, cảnh sát bắt giữ Truscott và buộc cậu tội giết người.

    Tại tòa, Truscott liên tục khẳng định anh chia tay Harper tại ngã tư đường cao tốc rồi đạp xe đi. Môt lúc sau anh ngoái lại thì thấy chiếc xe ô tô Chevrolet 1959 biển ngoại tỉnh dừng lại trước mặt Harper và cô bước lên.

    Tuy nhiên Thẩm phán Justice Ferguson vẫn ra bản án tử hình bằng hình thức treo cổ đối với Truscott. 

    Ngày 20/11/1959, Truscott làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Ontario. Nhờ đó, việc thi hành án tử hình đối với Truscott được hoãn lại đến tháng 2/1960.

    Tháng 1/1960, Tòa phúc thẩm Ontario bác đơn kháng án của Truscott, nhưng sau đó chính quyền trung ương Canada giảm án của Truscott xuống còn chung thân. Tháng 2, Truscott tiếp tục làm đơn kháng cáo nhưng vô hiệu.

    Cuộc sống của Truscott cứ thế trôi đi mãi tới năm 2000, khi Truscott đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Canadian Broadcasting Corporation về trường hợp của mình với mong muốn được minh oan.

    Ngày 28/11/2001, Hiệp hội Bảo vệ những người bị kết án oan (ADWC) quyết định giúp đỡ Truscott và cùng anh gửi đơn khiếu nại yêu cầu Bộ trưởng tư pháp Canada xem xét lại vụ án sát hại nạn nhân Lynne Harper kèm theo hồ sơ phân tích dày 700 trang cho thấy cảnh sát phụ trách điều tra lúc đó đã bỏ qua các nhân chứng và tình tiết quan trọng.

    Tháng 10/2004, Bộ trưởng tư pháp Canada Irwin Cotler yêu cầu Tòa phúc thẩm Ontario xem xét lại vụ án.

    Vào ngày 6/4/2006, hài cốt của Lynne Harper được khai để kiểm tra bằng chứng ADN. Tuy không tìm được những thứ như mong muốn nhưng khoa học cung cấp những lập luận có lợi cho Truscott.

    Qua việc phân tích giòi và ấu trùng thu thập được trên thi thể Harper năm 1959, các bác sĩ pháp y xác định tuyên bố của bác sĩ năm xưa là sai. Harper có thể bị giết từ 12/24 giờ sau đó, thời điểm mà Truscott đang ở trường.

    Hiện trường vụ án.

    Thêm nữa, một nhân chứng cho biết có nhìn thấy Truscott chở Harper trên xe đạp tới đường cao tốc sau tối ngày 9/6/1959, do vậy kết luận của cảnh sát là Truscott giết Harper trước khi tới đường cao tốc hoàn toàn không chính xác.

    Một nhân chứng khác là Bob Lawson, người nông dân sở hữu mảnh đất nơi thi thể Harper được tìm thấy, cho biết phát hiện một chiếc ôtô lạ đỗ gần hàng rào nhà ông trong đêm đó.

    Tất cả những lời khai này đều không được lực lượng cảnh sát Clinton quan tâm đến. Bên cạnh đó, các cảnh sát điều tra vụ Truscott thừa nhận họ hoàn toàn không xem xét khả năng có những kẻ tội phạm tình dục sống ở gần hiện trường vụ án có thể là thủ phạm.

    Theo đó, có đủ bằng chứng để cho thấy cảnh sát Clinton quá vội vã khi kết luận Truscott là hung thủ giết người.

    Ngày 28/8/2007, Tòa phúc thẩm Ontario ra phán quyết xóa án cho ông Truscott. Tòa án mô tả bản án tử hình rồi rút xuống chung thân đối với Truscott là một vụ xét xử đầy oan khuất.

    Sau đó, các công tố viên Ontario tuyên bố không có ý định kháng cáo phán quyết của tòa án và chính thức xin lỗi ông Truscott. Như vậy, mãi 48 năm sau khi bị tuyên án tử hình, thanh danh của ông Truscott mới được gột sạch. 

    Tháng 7/2008, chính quyền Ontario chấp nhận bồi thường cho ông Truscott 6,5 triệu USD. “Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để khép lại một chương khủng khiếp trong cuộc đời của ông Truscott” - một quan chức chính phủ Ontario khẳng định khi đó.

    Mộc Miên (Theo Independent, CBC)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-tu-tre-nhat-lich-su-canada-duoc-minh-oan-sau-48-nam-duoc-den-bu-65-trieu-usd-a322359.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan