+Aa-
    Zalo

    Từ việc trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm GS, PGS: Có đúng luật?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngành giáo dục và giới khoa học cả nước đang “dậy sóng” trước việc trường ĐH Tôn Đức Thắng quyết định tự phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên.

    (ĐSPL) - Ngành giáo dục và giới khoa học cả nước đang “dậy sóng” trước  việc trường ĐH Tôn Đức Thắng quyết định tự phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên.

    Đại diện nhà trường giải thích, việc bổ nhiệm chỉ gói gọn trong phạm vi nội bộ và không vi phạm pháp luật, trong khi nhiều ý kiến nhận định, trường này đã “một mình một chợ” khi tự ý phong GS, PGS - chức danh khoa học cao quý của Nhà nước.

    Thậm chí, một số người lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “lách luật” nếu chức danh này được “trôi nổi” một cách tràn lan. PV báo ĐS&PL ghi nhận ý kiến các đơn vị liên quan và giới chuyên gia xung quanh quyết định này...

    “Một mình  một chợ”?

    Sự việc bắt đầu thu hút sự quan tâm của dư luận khi trường ĐH Tôn Đức Thắng triển khai thực hiện việc phong GS, PGS cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường.

    Trường ĐH Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi tự phong GS, PGS (ảnh Internet).

    Đại diện nhà trường cho rằng, đã tham khảo hoạt động của các trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế của trường. Đối với các giảng viên, nhà khoa học đã được Nhà nước phong GS, PGS rồi, nay nếu đạt các tiêu chí của trường thì có thể sử dụng song song cả hai.

    Trên thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, việc phong GS, PGS do Nhà nước hoặc một tổ chức xã hội tiến hành. Tuy nhiên, càng với các trường đại học có đẳng cấp, có thứ hạng cao trên thế giới, việc xét tuyển GS, PGS càng khó.

    Và điểm chung, để được phong GS, PGS phải đạt được những tiêu chí về khoa học và giáo dục rất cao, được giới học thuật trong nước và quốc tế thừa nhận, xã hội tôn vinh. Thế nên, không phải ngẫu nhiên khi phát kiến của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thổi bùng những tranh cãi trong dư luận và cả giới chuyên gia.

    Để đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan nhất về sự việc này, PV báo ĐS&PL đã liên lạc với Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước và nhận được thông tin từ PGS. TSKH Bùi Mạnh Nhị – Chánh văn phòng Hội đồng. Trao đổi với PV, ông Nhị cho biết, Hội đồng này không có chức năng kiểm tra vấn đề trên mà chức năng kiểm tra là của bộ GD&ĐT.

    Trước đó, trả lời báo chí, ông Nhị cho biết, GS, PGS là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hội đồng rất trân trọng việc tự chủ của các trường đủ điều kiện để thực hiện và chịu trách nhiệm về việc tự chủ, nhưng càng được tự chủ, càng tôn trọng pháp luật, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia.

    Theo tìm hiểu của PV, trường ĐH Tôn Đức Thắng hoạt động theo cơ chế trường đại học công lập tự chủ, hiện trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Liên quan đến việc nhà trường tự phong GS, PGS, được biết, nhà trường đang làm báo cáo gửi lên bộ GD&ĐT và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

    Chiều 23/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Văn Lý – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo này.

    Theo ông Lý, nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ và mọi việc phải thông qua hội đồng nhà trường. “Quan điểm của Tổng liên đoàn là mọi việc phải theo đúng quy định của Nhà nước. Hiện tại, Nhà nước cũng chưa có quy định về việc này”, ông Lý nhấn mạnh.

    Nếu hiệu trưởng chưa phải GS thì làm sao phong được?

    Giới chuyên gia cho rằng, các trường có thể định ra chức danh trong bộ máy của nhà trường nhưng không thể trùng với các chức danh của Nhà nước. Những chức danh cao quý được Nhà nước quy định với tiêu chuẩn cụ thể thì phải tuân thủ không được tự đặt ra các chức danh có tên tương tự để “lập lờ đánh lận con đen”.

    Đặc biệt, không ít ý kiến lo ngại, việc để nhà trường tự phong GS, PGS sẽ dẫn đến hiện tượng “Nước đục thả câu”, thậm chí “lách luật”. Tình huống đặt ra, nếu áp dụng như trường ĐH Tôn Đức Thắng, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, mà không có sự thẩm định chặt chẽ, rất dễ bổ nhiệm “nhầm” một số trường hợp thiếu chất lượng, thậm chí là kém chất lượng vào hệ thống chức danh GS, PGS của Việt Nam.

    Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhấn mạnh, theo xu hướng của quốc tế, giao việc phong GS cho các trường là đúng nhưng ở Việt Nam chưa thực hiện được bởi chưa có quy định của pháp luật.

    Theo PGS. Nhã, ở Việt Nam hiện còn Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước – đơn vị được giao nhiệm vụ xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Hơn nữa, xét về năng lực các trường hiện nay, nếu các trường muốn tự phong thì hiệu trưởng phải là GS và đội ngũ GS của nhà trường phải đông. Nếu hiệu trưởng chưa phải GS thì làm sao phong được GS?

    Cũng liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, GS. VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay mới có một số trường ĐH được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về một số mặt. Tuy nhiên, những mặt tự chủ đó chủ yếu là về tài chính, tuyển sinh... còn vấn đề phong GS hay PGS của trường thì chưa được đề cập đến. Theo GS Hạc, lẽ ra các trường ĐH phải đi đầu gương mẫu, không thể có các hành động, việc làm trái với các quy định của Nhà nước.

    Dù phản đối việc tự phong GS, PGS của trường ĐH Tôn Đức Thắng, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong tương lai, nên giao cho các trường tự chủ trong việc phong GS, PGS để hội nhập với thế giới. Nhưng cũng cần xác định khi GS, PGS được phong theo chức danh của nhà trường thì khi thôi việc ở trường đó đồng nghĩa với việc cũng thôi chức GS luôn. Vì đó là GS có kỳ hạn chứ không phải chức danh cả đời.

    Phương Tây không dùng từ “tiến phong” mà là “bổ nhiệm”

    Theo tiếp cận của PV báo ĐS&PL với những nguồn tư liệu nước ngoài, ở Nhật, một giảng viên đại học chỉ cần có bằng ĐH và giảng dạy liên tục tại một trường 3 năm trở lên là đủ tiêu chuẩn xét công nhận PGS, đủ 5 năm trở lên thì được xét công nhận GS.

    Tại Mỹ, giảng viên không có bằng tiến sỹ, không có trình độ ĐH cũng có thể là GS nếu được Hội đồng GS trong trường công nhận. Tất cả những quyết định phong hàm, bổ nhiệm đều do các cơ sở giáo dục quyết định.

    Theo thông lệ của nhiều nước, đây là chức danh nghề nghiệp để làm việc, tương tự như các chức danh khác như bác sỹ, luật sư... Ở Pháp, Ủy ban Đại học quốc gia phụ trách việc xét duyệt hồ sơ của ứng viên và công nhận đủ hay không đủ chuẩn giáo sư và sau đó, các đại học sẽ quyết định bổ nhiệm giáo sư đó hay không, dựa trên hồ sơ và phỏng vấn. Thông thường, các trường ĐH phương Tây không dùng từ “tiến phong” chức danh giáo sư, mà là “bổ nhiệm” và “đề bạt”.

    “Người trong cuộc” nói gì?

    GS. Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, trường có bộ tiêu chuẩn để xét chức danh nghề nghiệp cao hơn tiêu chuẩn xét học hàm có cùng tên của Hội đồng chức danh GS của Nhà nước về chất, về lượng và đầy đủ hơn, có tiêu chuẩn cứng, tiêu chuẩn mềm.

    Trường tham khảo kỹ từ nước ngoài và có các kỹ sư nước ngoài cố vấn, có hội đồng khoa học và đào tạo thông qua chứ không phải bê nguyên xi từ cách làm các nước. Theo ông Danh, trường sẽ tiếp tục làm công việc mà trường đã chuẩn bị từ trước. Nhà trường sẽ hoàn thiện quy định, biểu mẫu, báo cáo để xét đợt đầu tiên, khoảng đầu năm 2016.

    Với bộ tiêu chuẩn đưa ra, trường không kỳ vọng sẽ có nhiều người được bổ nhiệm ở đợt đầu. Nhưng từng bước giảng viên của trường có mục tiêu để theo đuổi thì số người hội đủ tiêu chuẩn những năm về sau sẽ tăng lên. Trường hy vọng trong vòng vài năm tới, sẽ có đủ đội ngũ nhân lực cho mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu.

    Sáng ngày 23/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Văn Ninh – Trưởng phòng Tổ chức hành chính (ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết, về vấn đề bổ nhiệm chức danh GS, PGS, chúng tôi đã trả lời báo chí rất nhiều và rõ ràng. Thế nhưng hiện nay dư luận vẫn quan tâm và đặt nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề này. Nội dung chúng tôi đã triển khai từ mấy tháng nay nhưng chưa thực hiện được. Chúng tôi tổ chức bổ nhiệm chức danh GS, PGS chứ không phải phong hàm GS, PGS theo học hàm như quy định của Nhà nước. Đây chỉ là tên gọi chức danh nghề nghiệp chứ không liên quan đến học hàm của người được bổ nhiệm. Theo ông Ninh, việc làm này không hề vi phạm quy định của pháp luật.

    Bỏ phiếu “kín” nên khó tránh khỏi...  “cảm tính”?

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS. TS Hà Đình Đức – Giảng viên cao cấp trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, việc xét công nhận chức danh GS, PGS tương đối chặt chẽ, trải qua 3 cấp: Cơ sở; ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước. Hiện nay, trong việc đề nghị chức danh GS, phiếu vẫn được bỏ theo hình thức “kín”. Cũng vì “kín” nên đôi khi không tránh được chuyện bỏ phiếu theo… cảm tính.

    Ở cấp cơ sở, cấp ngành, mọi người gần như đều biết mặt nhau nên chuyện “xuê xoa” là có thể. Đến hội đồng cấp Nhà nước, vì bỏ phiếu theo hình thức “kín” nên đôi khi các thành viên có cảm tình riêng, việc bỏ phiếu cũng khó tránh khỏi nể nang. Thế nên, ngoài các hình thức như hiện hành, theo tôi, cần tham khảo thêm ý kiến của chính sinh viên hoặc cơ sở nơi vị này giảng dạy. Tôi cũng đề xuất chỉ nên phong GS, PGS cho những người làm công tác giảng dạy.       


                                                              Lành Nguyễn

     Xem thêm video: 

    [mecloud]XSvqUiA8eN[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-viec-truong-dh-ton-duc-thang-tu-bo-nhiem-gs-pgs-co-dung-luat-a112407.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.