+Aa-
    Zalo

    Từ vụ sập biệt thự cổ ở Hà Nội: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Lâu nay, công tác cải tạo, duy tu những khu nhà cũ nát, bị xuống cấp trầm trọng trên địa bàn cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

    (ĐSPL) - Lâu nay, công tác cải tạo, duy tu những khu nhà cũ nát, bị xuống cấp trầm trọng trên địa bàn cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

    Theo khảo sát của PV, Hà Nội vẫn còn nhiều khu nhà cũng nằm trong diện “lung lay” giống như ngôi biệt thự cổ vừa sập trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội vừa qua.

    Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hà Nội mà còn là vấn đề gây nhức nhối của TP.HCM. Trong khi người dân hằng ngày vẫn phải đánh đu mạng sống trong những khu nhà cũ nát, thì công tác quản lý, duy tu, rà soát... những công trình nguy hiểm rõ ràng vẫn còn nhiều dấu hỏi. Từ việc sập biệt thự đáng tiếc ở Hà Nội vừa qua, cần phải có những giải pháp để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”?

    “Tử thần” rình rập?

    Mấy ngày qua dư luận đang hết sức quan tâm tới sự cố sập ngôi biệt thự cổ (số 107, đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) khiến 8 người thương vong. Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, cho tới thời điểm hiện tại, trong số 8 nạn nhân của vụ sập nhà thì 2 người đã tử vong, 6 người còn lại được điều trị tại bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội). 6 nạn nhân này hiện đã qua cơn nguy kịch và đang trong quá trình hồi phục.

    Hiện trường vụ sập biệt thự cổ ở Hà Nội trưa ngày 22/9.

    Tuy nhiên theo thông tin chính thức ban đầu từ tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân sập nhà bước đầu được xác định là do tòa nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực. Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP. Hà Nội thông tin với báo chí cho biết, ngôi biệt thự này được người Pháp xây dựng từ năm 1905, cho tới thời điểm bị sập đã có tuổi thọ 110 năm.

    Ngôi nhà được thiết kế thành ba khối, mặt chính cao 2 tầng, khối nhà giữa là hội trường xây theo

    Hà Nội còn hơn 1.100 chung cư cũ nát cần được cải tạo

    Thống kê mới nhất của sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện thành phố còn hơn 1.100 chung cư cũ nát cần được cải tạo, trong đó có 66 công trình ở cấp C (cấp nguy hiểm) và 3 công trình cấp D (cấp đặc biệt nguy hiểm, bắt buộc phải di dời).

    kiến trúc mái vòm (cũng chính là phần bị sập của ngôi biệt thự – PV), khối sau là khu làm việc cũng cao 2 tầng. Từ năm 1955, tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao tiếp quản và sử dụng ngôi nhà. Sau này, tổng công ty tiếp tục giao cho ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 sử dụng với 35 nhân viên làm việc hằng ngày tại đây.

    Rõ ràng, sự cố xảy ra ở căn biệt thự số 107 trên đường Trần Hưng Đạo mới đây giống như một hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của những khu tập thể “hết date” hiện còn khá nhiều trên địa bàn cả nước. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về hiện trạng này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc khảo sát thực tế một số chung cư “hết date” trên địa bàn TP. Hà Nội, TP.HCM.

    Ghi nhận của PV tại khu tập thể H36, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, hàng trăm người dân đang phải sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống tường nhà bị lung lay, trần nhà bong tróc từng mảng, để lộ ra cốt pha với những thanh sắt đã hoen gỉ. Có đoạn người dân còn phải dùng những thanh gỗ lớn chèn ngang, chèn dọc để đỡ trần cho khỏi sập. Trong khi đó các mảng tường bị bong tróc hết chỉ còn trơ lớp tường gạch bên trong.

    Theo chia sẻ của bác Hưng, một cư dân sinh sống ở khu tập thể thì những ngày mưa bão vừa qua, các hộ dân sinh sống ở tầng 2 bị mưa dột khắp phòng, người dân cảm nhận được những đợt rung lắc nhưng không biết làm thế nào. Theo tìm hiểu của PV, khu tập thể này được xây dựng từ năm 1983 để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên công ty Xây lắp Hóa chất xây dựng.

    Cho tới thời điểm hiện tại, khu tập thể xuống cấp tới mức UBND quận Tây Hồ phải tính phương án giải tỏa và nâng cấp chỗ ở cho người dân tại khu tập thể này trong tháng 7/2015. Tuy nhiên tại thời điểm khảo sát vào ngày 23/9 thì người dân nơi đây cho biết, chưa nghe thấy thông tin gì về chuyện “giải cứu” người dân khỏi khu chung cư đang chực chờ “sập đến nơi”.

    Trong khi đó tại địa bàn TP.HCM hiện còn rất nhiều biệt thự, nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, hiện trạng xuống cấp của các biệt thự, nhà cổ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân sống tại đây và khu vực xung quanh. Một người dân sống tại số nhà 97, đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) phản ánh: “Hiện nay, cả khu nhà đang xuống cấp trầm trọng. Kèo mục hết rồi, mùa mưa đến là cát đá rơi từ trần xuống đầy phòng, ẩm mốc khó chịu. Làm đơn sửa chữa thì cũng được nhưng rắc rối dài dòng lắm. Hơn nữa, tôi sửa nhà sẽ ảnh hưởng tới mấy nhà xung quanh, không phải nói muốn sửa là được”.

    Người dân nơm nớp...

    Ghi nhận trên địa bàn cả nước cho thấy, số lượng những khu tập thể, những nhà cổ bị liệt vào danh sách “cực kỳ nguy hiểm” không phải là ít. Ngày 12/5/2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho quận 1 di dời khẩn cấp các hộ gia đình sống tại lô D, chung cư Cô Giang do chung cư này bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ cao. Trong khi đó tại Hà Nội, nhiều công trình cũng bị liệt vào danh sách cực kỳ nguy hiểm là: Chung cư C8 Giảng Võ (Ba Đình), P16A Thụy Khuê (Tây Hồ), Khu tập thể bộ Tư pháp (phố Kim Mã Thượng)...

    Tình trạng xuống cấp ở khu chưng cư H36 (P. Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội).

    Khảo sát thực tế những khu chung cư này, PV dễ dàng nhận thấy sự xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng của nó. Tại chung cư C8 Giảng Võ, hàng trăm chuồng cọp cũ kỹ đua ra, có thể dễ dàng rơi đổ bất cứ lúc nào. Toàn bộ tường ở đây được xây bằng vôi cát, đã lâu năm nên độ kết dính rất kém. Không gian ẩm thấp, tường bong tróc chi chít, cầu thang hở toác bong ra khỏi các mối nối với tường, hàng loạt các cột sắt thép được dựng lên để đỡ.

    Trong nhà có khu trần còn bong tróc hở cả lõi thép bên trong. Theo tìm hiểu, PV được biết, đây là

    TP.HCM  có hơn 500 chung cư xây dựng trước 1975

    Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM thì toàn thành phố có 1.244 chung cư thì hơn 500 chung cư xây dựng trước năm 1975 và gần một nửa số đó là xây dựng khoảng giữa những năm 1960. Các chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chung cư không còn khả năng sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống.

    khu tập thể được thiết kế với 3 đơn nguyên được lắp ghép từ bê tông tấm lớn. Hiện, cả ba đơn nguyên đều bị lún nhưng trầm trọng nhất là đơn nguyên 3 vượt mức cho phép. Các tấm mái ở tầng 4, 5 đã bị tụt ra khỏi gối đỡ tường ngang có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

    Đến khu tập thể P16A phố Thụy Khê, PV chứng kiến, toàn bộ khu dân cư hầu như vắng lặng, chỉ còn số ít người có mặt tại đây. Khu nhà đã cũ kỹ, lún nứt trầm trọng và gần đây việc xây cao ốc Hồ Tây ngay phía sau đã làm cho người dân ở đây lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi. Khảo sát khu vực tầng 1 của khu nhà, phóng viên phát hoảng vì toàn bộ trần nhà đều bị nứt màng nhện chạy dài từ  đầu tường bên trái sang bên phải, có cảm giác như có thể sụt xuống ngay lập tức. Nguy hiểm hơn, hàng ngày máy khoan, máy lu rung của công trình bên cạnh cứ rầm rầm thi công thì việc đổ sập khu nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.

    Tại khu tập thể bộ Tư pháp ở phố Kim Mã Thượng, PV ghi nhận khu này được thiết kế với 3 đơn nguyên. Hơn 50 năm qua, hơn 60 hộ dân đã phải sống trong cảnh nơm nớp sợ hãi. Không chỉ xuống cấp trầm trọng, hai đơn nguyên ở hai đầu đã ngả ra hai phía, tách ra khỏi khối trung tâm chừng 30cm. Theo các hộ dân, khoảng cách này ngày một rộng ra, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bên cạnh những khu chung cư ở mức “báo động đỏ” kể trên, còn nhiều khu chung cư khác như: Thành Công, Tân Mai, Kim Liên, Thanh Xuân, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ... cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn bị sập nhà.

    Bà Trần Thị Chuyên, nhà số 2 tầng 1 Khu tập thể P16A Thụy Khuê cho biết: “Khu chung cư chúng tôi đã sống ở đây mấy chục năm rồi. Nhưng gần đây, việc xây dựng cao ốc Hồ Tây đã làm lún nứt tường nhà, trần nhà, có khu bị lún nghiêng rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng đồng ý chuyển nhưng UBND TP. Hà Nội chưa có phương án cụ thể mà giao cho chủ đầu tư cao ốc Hồ Tây xử lý và vẫn chưa thống nhất phương án đền bù. Hiện tại, vẫn còn 23 hộ sống tại đây nhưng lúc nào cũng nơm nớp sống trong sợ hãi vì căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi ngày ngày máy móc hoạt động rầm rầm, tường nhà, trần nhà run bần bật”.

    Còn tại TP.HCM,  cụm chung cư Ngô Gia Tự (phường 3, Q.10) được xây từ năm 1968 và cũng đang xuống cấp trầm trọng. Anh Nguyễn Hồng Trung (một cư dân hiện đang sinh sống tại đây) cho biết: “Do thời gian sử dụng quá lâu cùng nền móng được xây trên nền ao nên nơi đây đã xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp “chữa cháy” bằng cách xây tường bê tông bao khu vực bếp, nhà vệ sinh để nước khỏi tràn ra khắp nhà, nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi. Hàng trăm người dân sống ở đây lúc nào cũng thấp thỏm phải sống trong tâm trạng lo nhà bị sập”.

    Được biết, từ năm 2002, các ngành chức năng kết luận chất lượng của lô D chung cư Ngô Gia Tự chỉ còn khoảng 50\%. UBND TP.HCM đã nhiều lần cho gia cố, sửa chữa nhưng qua vài trận mưa, chung cư tiếp tục bị lún sụt, nứt tường. Tuy nhiên do chưa thống nhất về bồi thường, tái định cư... nên tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

    TP.HCM: Tử thần không chỉ núp sau những dãy nhà “hết date”

    Ngoài những nguy hiểm rình rập đến từ những biệt thự cổ, nhà cổ đang xuống cấp, người dân TP.HCM còn phải đối mặt với những nguy hiểm đến từ những thủy đài cũng ở trong tình trạng “hết hạn sử dụng”. Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều thủy đài được xây dựng thời Pháp đang bị xuống cấp trầm trọng. Nguy hiểm nhất là thủy đài ở khu vực đường Tô Ký thuộc Q.12 (TP.HCM).

    Thủy đài này rất đồ sộ, nặng hàng chục tấn, cao ngang tòa nhà 5 tầng, xung quanh có nhiều người dân sinh sống. Nhiều vị trí của thủy đài đã bị bong tróc bê tông, lộ cả sắt thép ra ngoài. Hiện nay, trên địa bàn T.HCM có hơn 100 thủy đài lớn nhỏ, hầu hết không còn sử dụng vào mục đích chứa nước, điều hòa áp lực nước.

    Thủy đài đã xuống cấp ở Q.12.

    “Cách đây khoảng 7-8 năm, sau khi xảy ra một số vụ ngã đổ thủy đài ở Q. Gò Vấp, Q.11, sở Xây dựng TP.HCM có khảo sát, ghi nhận nhiều thủy đài đã bị hư hỏng nặng cần phải đập bỏ. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có một vài thủy đài nhỏ được tháo dỡ, còn lại vẫn để vậy cho đến hiện nay. Trong đó, đáng lưu ý là có đến 8 cái thủy đài nấm khổng lồ do Mỹ xây dựng đến nay vẫn chưa một lần được đưa vào sử dụng”, một cán bộ trong lĩnh vực cấp thoát nước, sở GTVT TP.HCM cho hay.

    Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Gia Định, cho biết hiện nay ngoài thủy đài lớn ở đường Hồ Văn Huê, chi nhánh còn quản lý 2 thủy đài loại nhỏ (mỗi cái chứa khoảng 50m3 nước) ở cư xá Thanh Đa nhưng cả 3 thủy đài này vẫn chưa được sử dụng vào mục đích chứa và bơm nước.

    Thông tin thêm về kế hoạch trùng tu, sửa chữa những biệt thự cổ trong thời gian sắp tới tại TP.HCM, ông Trương Kim Quân, Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM (sở Văn hóa Thể Thao TP.HCM) cho biết: “Tôi được biết sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM hiện đang thực hiện một chương trình bảo tồn nhà cổ và chờ UBND TP.HCM duyệt. Chương trình có sự giúp đỡ của các chuyên gia của Pháp. Theo chương trình này, những biệt thự, nhà cổ không đồng ý vào diện quản lý di tích thì được phân loại để bảo tồn. Nếu nhà nào cần sửa chữa thì chỉ cần xem nhà mình thuộc loại nào và làm theo quy định”.

    Biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học bị biến dạng do sự cơi nới của người dân. Đây là biệt thự được xây trước năm 1954, thuộc diện được bảo tồn nhóm 2 (gồm biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Khi cải tạo, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ).

     P.Thiệu – Đ.Kế – Q.Sơn – PVMN 

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] sICqwoVDoM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-sap-biet-thu-co-o-ha-noi-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-a112920.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.