+Aa-
    Zalo

    Từ vụ TP.HCM đền bù 2 tỉ đồng/ngày: Ngân sách phải "đền oan"?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) -Một nhà thầu vừa lên tiếng đòi UBND TP.HCM đền bù thiệt hại 2 tỉ đồng/ngày cho dự án đường sắt đô thị ở thành phố này (dự án đã chậm tiến độ 30 tháng).

    (ĐSPL) -Mới đây, dư luận lại rúng động trước thông tin một nhà thầu vừa lên tiếng đòi UBND TP.HCM đền bù thiệt hại 2 tỉ đồng/ngày cho dự án đường sắt đô thị ở thành phố này (dự án đã chậm tiến độ 30 tháng).

    Trước đó, đã có vụ hỗ trợ 155 tỉ đồng cho nhà đầu tư trong dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) đình đám năm 2013, dự án tàu điện Hà Nội chậm tiến độ bị đòi đền bù 3 triệu USD... Nghịch lý nằm ở chỗ, trong khi nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng là do lỗi chủ đầu tư thì việc đền bù, bồi thường số tiền khổng lồ lại thuộc về ngân sách Nhà nước.

    Dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM bị nhà thầu yêu cầu đền bù 2 tỉ đồng/ngày.

    Nghịch lý lấy ngân sách bồi thường dự án chậm tiến độ

    Mới đây, hai nhà thầu liên danh là Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 6 đã chính thức khiếu nại yêu cầu đền bù thiệt hại ở dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM. Được biết, dự án này đã chậm trễ 30 tháng trong việc giải phóng mặt bằng. Điều khiến dư luận sửng sốt chính là mức đến bù mà nhà thầu liên danh kia đưa ra: 2 tỉ đồng/ngày. Chỉ cần làm phép tính nhân đơn giản cũng thấy số tiền mà chủ đầu tư phải đền bù khủng khiếp như thế nào.

    Về khiếu nại của nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco 6, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã lên tiếng thừa nhận, số tiền đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày nằm trong điều khoản của hợp đồng đã ký kết khi thực hiện dự án. "Việc này giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải có những buổi gặp nhau để thương thảo và hiện đang bắt đầu nhóm họp, có thể sẽ còn có nhiều cuộc họp tiếp theo sau Tết Nguyên đán", vị này cho hay. Theo các chuyên gia ngành giao thông, là đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu nên về nguyên tắc, UBND TP.HCM phải lo trả khoản tiền đền bù này. Tuy nhiên, đây là dự án vay vốn ODA nên nếu lấy tiền từ nguồn vốn ODA của dự án để trả thì đó cũng là nguồn ngân sách quốc gia.

    Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra phẫn nộ về vụ ngân sách phải hỗ trợ 155 tỉ đồng cho nhà thầu Nhật Bản vì chủ đầu tư giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội). Do giải phóng mặt bằng chậm gây thiệt hại, nhà thầu gửi đơn kiện đến cơ quan trọng tài quốc tế và đòi mức bồi thường gần 400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn xác định mức độ thiệt hại của Tokyu là 168 tỉ đồng. Cuối cùng, nhà thầu cam kết ngừng việc kiện tụng và thống nhất nhận khoản hỗ trợ 155 tỉ đồng.

    Khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó TGĐ ban Quản lý dự án (BQLDA) 85, đại diện cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân xác nhận: "Khoản tiền 155 tỉ đồng này được gọi là "bổ sung chi phí", nhưng có thể hiểu nôm na là tiền đền bù cho nhà thầu vì chậm giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian, phát sinh chi phí. Số tiền này sẽ được cộng thêm vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án cầu Nhật Tân. Là người quản lý, chúng tôi thấy xót xa khi ngân sách Nhà nước mất một khoản tiền không nhỏ".

    Phải có người chịu trách nhiệm về khoản ngân sách bị thất thoát

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS.Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), một chuyên gia có 30 năm nghiên cứu công trình giao thông của nhiều nước trên thế giới cho rằng: "Chậm trễ, ỳ ạch trong việc giải phóng mặt bằng là câu chuyện dường như đã trở thành "bệnh" của các nhà thầu, chủ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, chậm đến mức phải bồi thường, hỗ trợ cho nhà thầu nước ngoài hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng là vấn đề lớn, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc.

    Theo tôi được biết, mới đây nhà thầu thi công đường sắt đô thị TP.HCM đang đòi đền bù 2 tỉ đồng/ngày do chủ đầu tư chậm giải phóng mặt bằng. Vậy với 30 tháng chậm trễ tương đương với 900 ngày thì số tiền đền bù sẽ là bao nhiêu? Mà chậm giải phóng mặt bằng ở đây chỉ duy nhất đối với một doanh nghiệp không đồng ý chuyển đi. Nếu như chủ đầu tư giải quyết sớm hơn thì số tiền đền bù đất cho doanh nghiệp kia cũng chỉ vài chục tỉ đồng".

    Cũng theo vị này, thông thường, khi để chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng, cả chủ đầu tư và nhà thầu liền lên tiếng đổ lỗi cho dân. Tuy nhiên, TS. Thủy cho đó là điều không thỏa đáng và không hợp lý. Bởi về giá đền bù, người dân phản ánh là quá thấp, không đủ cho họ tái định cư, ổn định cuộc sống. Nếu thực hiện việc giải phóng mặt bằng và áp giá đền bù thỏa đáng, chắc chắn người dân sẽ bàn giao mặt bằng sớm hơn.

    "Ngân sách là tiền của dân, do người dân đóng góp. Hơn nữa, ngân sách Nhà nước không phải là "nồi cơm Thạch Sanh" có thể đền bù, hỗ trợ cho những dự án mà phần trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Theo tôi, trong các vụ việc trên, phải làm rõ trách nhiệm và quy trách nhiệm chính cho một cá nhân duy nhất đã, rồi mới xem xét những người liên quan. Tuy nhiên, không ít vụ việc xảy ra nhưng những người đứng đầu dự án vẫn yên vị mà không gặp bất cứ vấn đề gì cả", TS. Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.

    Cùng trao đổi với PV, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, rõ ràng bị thiệt hại, các nhà thầu khởi kiện đòi đền bù là điều đã ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền bồi thường này quá lớn mà người dân phải gánh chịu. Không thể nói không cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về những vụ việc này. Bởi khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải xem xét về khâu giải phóng mặt bằng trước đó và lên phương án cụ thể. Giải phóng mặt bằng chậm không thể đổ lỗi cho cơ chế và người dân được. Để thất thoát số tiền ngân sách quá lớn như vậy có thể xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là tội danh hình sự. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải quy trách nhiệm cho các cá nhân cụ thể. Nhưng, các vụ việc xảy ra, người ta vẫn đổ lỗi cho chính sách, cho cơ chế chứ chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm về số tiền ngân sách lãng phí cả.

    Thiếu chuyên nghiệp, non kinh nghiệm và vi phạm đạo đức

    Dẫn lời GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng B Tài nguyên và Môi trường, không chỉ trong các trường hợp trên mà bất cứ trường hợp nào khác, nếu ngân sách bị lãng phí, người đóng thuế đều thấy xót xa. Trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay, ngoài việc thiếu tính chuyên nghiệp, non kém về chuyên môn trong công việc chúng ta cũng cần xem xét về mặt đạo đức của những người làm thất thoát ngân sách. Việc để thất thoát coi như một sự vi phạm về đạo đức. Thực tế cho thấy, câu chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam có một không gian pháp lý rất chật hẹp. Chúng ta chỉ có mỗi một "bài" chính là thu hồi rồi trả một cục tiền cho dân. Pháp luật quy định việc giải phóng mặt bằng phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngân sách phải "đền oan" như vừa rồi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-tphcm-den-bu-2-ti-dongngay-ngan-sach-phai-den-oan-a82771.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan