Tự ý dùng phẩm màu làm món ăn ngũ sắc, nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo


Chủ nhật, 28/04/2019 | 07:17


Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) vừa tiếp nhận 2 anh em Lâm Phước L. (13 tuổi) và Lâm Văn K. (10 tuổi) ở Như Khuê (huyện Lộc Bình) vào viện với biểu hiện da và mắt vàng, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Nguy kịch vì phẩm màu

Được biết, trước khi nhập viện 5 ngày, hai cháu ăn xôi do gia đình tự làm có cho phẩm màu. Sau khi ăn, cả hai bị đau bụng và nôn, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu màu đỏ sẫm. Do tình trạng ngày càng nặng hơn nên gia đình đã đưa hai anh em vào bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Sau khi bác sĩ khám và làm các xét nghiệm, cả 2 được chẩn đoán tan máu cấp, nguyên nhân nghi do thức ăn chứa phẩm màu. Hiện tại, hai cháu đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, sức khỏe tiến triển khá tốt.

Bệnh nhi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng từng tiếp nhận bệnh nhi D.G.H (8 tuổi, ở Hà Nội) tan máu cấp rất nặng do nhiễm độc. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc. Cháu H. nhập viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, được biết đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu cho thấy nghi ngờ tan máu do nhiễm độc.

Người thân cháu H. cho biết, trong gia đình có 1 chị họ cũng ăn và bị đi tiểu đỏ, tuy nhiên tình trạng nhẹ hơn. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm tại gia đình cũng như các cơ sở sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và phẩm màu hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết xuất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ.“Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo ông Thịnh, hiện nay, việc sử dụng phẩm màu trong thực phẩm khá phổ biến nhưng ít người phân biệt được những phẩm màu nào chỉ dùng cho chế biến thực phẩm. Vì vậy, một số người còn tùy tiện sử dụng phẩm màu công nghiệp (không dùng trong thực phẩm) để chế biến thực phẩm như xôi, các loại thịt, bánh kẹo, đồ uống... rất nguy hiểm. Bởi, nếu dùng phẩm màu công nghiệp để chế biến thức ăn, khi ăn vào cơ thể, một số người có thể bị tan máu, thậm chí có những trường hợp dùng phẩm màu cho thực phẩm (thường do thiếu men G6PD bẩm sinh) cũng có thể bị tan máu.

PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, nếu thường xuyên lạm dụng phẩm màu sẽ dẫn tới nguy cơ tan máu cấp, mức nặng thậm chí là tử vong (cách đây nhiều năm, tại Lạng Sơn cũng đã xảy ra trường hợp tử vong do ăn xôi nhuộm phẩm màu gây tan máu nặng). Về lâu dài, hóa chất tích lũy trong cơ thể dẫn tới nhiều nguy hại như suy gan, suy thận, ung thư... Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Phải hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Người dân hạn chế sử dụng phẩm màu để chế biến thức ăn, nên dùng chất tạo màu từ thực vật. Hạn chế dùng thực phẩm có nhiều màu sắc không tự nhiên, nhất là đối với trẻ em. Ngoài ra, nên xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh thiếu men G6PD. Tan máu cấp là tình trạng hồng cầu bị vỡ nhanh và nhiều gây thiếu máu nhanh chóng. Nguyên nhân ngoài yếu tố bẩm sinh, di truyền, còn có thể do nhiễm khuẩn, ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng... Thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó quá đắt tiền, nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm), gây nguy hại cho người sử dụng. Trong khi đó, việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm. Các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả... với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường.

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý các mặt hàng này vẫn còn lỗ hổng khiến nhiều người dân phải nhập viện sau khi sử dụng.

Nhóm P.V

Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 65

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-y-dung-pham-mau-lam-mon-an-ngu-sac-nguy-co-mac-benh-hiem-ngheo-a272925.html