Vaccine Moderna hiệu quả thế nào trong việc chống lại biến thể Delta?


Thứ 3, 10/08/2021 | 08:47


Cùng sự kiện

Hai nghiên cứu mới đây cho thấy vaccine Pfizer có thể ít hiệu quả trước biến thể Delta hơn vaccine Moderna.

Reuters dẫn hai nghiên cứu vừa được đăng trên trang medRxiv cho biết, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể ít hiệu quả hơn trước biến thể Delta so với vaccine người COVID-19 của Moderna.

Một trong hai nghiên cứu nói trên đã phân tích số liệu của hơn 50.000 bệnh nhân tại Bệnh viện Mayo (Mỹ). Các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine Moderna giảm từ 86% hồi đầu năm 2021 xuống còn 76% vào tháng 7 – thời điểm biến thể Delta đang bùng phát mạnh. Trong cùng giai đoạn, hiệu quản bảo vệ của vaccine Pfizer/BioNTech đã giảm từ 76% xuống còn 42%.

Theo Tiến sĩ Veny Soundararajan thuộc Công ty phân tích dự liệu Massachusetts, người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cả hai loại vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, một mũi tiêm nhắc lại thứ 3 bằng vaccine Moderna có thể sẽ cần thiết đối với những người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna vào đầu năm nay.

Tin thế giới - Vaccine Moderna hiệu quả thế nào trong việc chống lại biến thể Delta?
Nghiên cứu mới cho thấy vaccine Moderna hiệu quả hơn vaccine Pfizer trong việc chống lại biến thể Delta. Ảnh minh họa: Reuters

Trong một nghiên cứu khác ở Canada, những người cao tuổi trong viện dưỡng lão Ontario đã có phản ứng miễn dịch mạnh hơn, nhất là đối với các biến thể đáng lo ngại, sau khi tiêm vaccine Moderna so với vaccine Pfizer/BioNTech.

Anne-Claude Gingras thuộc Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum ở Toronto, trưởng nhóm nghiên cứu tại Canada cho biết, người cao tuổi có thể cần liều vaccine cao hơn, tiêm thêm liều thứ 3 cho người đã tiêm phòng đẩy đủ và cần có các biện pháp phòng ngừa khác.

Dữ liệu mới cho thấy những người đã tiêm liều thứ 2 của vaccine Pfizer/BioNTech cách đây 5 tháng trở lên có khả năng dương tính với SARS-CoV-2 cao hơn so với những người tiêm chủng đầy đủ trong vòng 5 tháng trở lại đây.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của gần 34.000 người trưởng thành được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ tại Israel. Những người này cũng được làm xét nghiệm để xem họ có lây nhiễm COVID-19 đột phá hay không.

Kết quả cho thấy tỷ lệ người tiêm vaccine đầy đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 trong số gần 34.000 người nói trên là 1,8%. Ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao hơn đối với những người đã tiêm mũi vaccine cuối cùng trước đó ít nhất 146 ngày. Đối với các bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao hơn gần 3 lần sau khi tiêm liều vaccine thứ 2 ít nhất 146 ngày.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Eugene Merzon tời từ Dịch vụ Y tế Leumit ở Israel cho biết: “Rất ít bệnh nhân phải nhập viện, và còn quá sớm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các ca lây nhiễm mới về các khía cạnh như số người nhập viện, cần máy thở hay tỷ lệ tử vong. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu”.

Đinh Kim (Theo Reuters)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vaccine-moderna-hieu-qua-the-nao-trong-viec-chong-lai-bien-the-delta-a509706.html