+Aa-
    Zalo

    Vạch trần phương thức "đánh” hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Quá trình điều tra và thu thập thông tin về hoạt động buôn bán của "đại siêu thị" ảo, chúng tôi thấy rằng cái thời đi buôn lậu mà tự mình cõng hàng qua biên giới đã quá xa xôi.

    (ĐSPL) - Sau quá trình điều tra về hoạt động buôn bán mờ ám của hai trang web là thoitrang360... và sieuthihanghoa... đồng thời tiếp cận đường đi nước bước và cách làm ăn của công ty Cổ phần truyền thông đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam - chủ của hai trang bán hàng trực tuyến trên, chúng tôi biết rằng mọi hoạt động giao dịch mua bán hàng lậu đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được thực hiện chủ yếu qua mạng Internet. Còn việc đưa hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam đã có các công ty vận tải hàng hoá đảm nhận, công ty này chỉ việc ngồi ở Hà Nội và nhận hàng.

    Qua rồi thời còng lưng cõng hàng qua biên giới

    Theo tìm hiểu, hiện ở công ty Cổ phần truyền thông đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam đang có sẵn một đội ngũ nhân viên chuyên lên các trang mua bán trực tuyến nổi tiếng của Trung Quốc như 1688.com, Taobao.com, Alibaba.com để tìm hiểu mẫu và đặt hàng. Tất cả hàng nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng từ quần áo, túi xách, đồng hồ, kính, giày đều được rao bán một cách công khai trên các trang mạng trên. Người mua chỉ việc vào tìm hiểu và liên hệ, đặt hàng. Công việc này diễn ra dễ dàng và không gặp bất cứ một trở ngại lớn nào.

    "Khi tìm hiểu sản phẩm trên các trang mạng trên, chúng tôi báo cáo, lên kế hoạch cụ thể về số lượng, giá thành đưa lên sếp duyệt. Sau khi có sự đồng ý của sếp chúng tôi tiến hành liên hệ giao dịch để đưa hàng về Việt Nam. Việc vận chuyển hàng hoá và thanh toán chúng tôi đều thông qua dịch vụ hết" - (một nguồn tin của PV tiết lộ).

    Trang bán hàng 1688.com là nơi giới buôn lậu lên săn hàng, tìm địa chỉ cung cấp để liên hệ đặt hàng.

    Để hiểu rõ hơn về hoạt động buôn lậu online này, tôi đã tìm đến nhiều kênh thông tin để hiểu hơn về giới buôn lậu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, hiện nay, việc mua hàng lậu ở Trung Quốc và đưa về Việt Nam giờ dễ dàng như mua mớ rau con cá ngoài chợ. Người mua hàng lậu không cần cất công sang tận Trung Quốc và cũng không cần thiết phải tự tay vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Người buôn chỉ cần ngồi ở nhà và đợi hàng. Hình thức buôn hàng Trung Quốc của công ty Cổ phần truyền thông đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam hiện nay là phổ biến nhất.

    Được biết, hiện có nhiều tổ chức chuyên nghiệp chuyên làm việc vận chuyển hàng qua biên giới. Đến nay, có hàng chục công ty vận chuyển kiểu này hoạt động tuyến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc) đi Hà Nội hay Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) đi Hà Nội. Chủ các công ty này có cả người Việt và người Trung Quốc.

    Không có chuyện "bùng hàng"

    Quá trình điều tra và thu thập thông tin về hoạt động buôn bán của công ty Cổ phần truyền thông đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam, chúng tôi thấy rằng cái thời đi buôn lậu mà tự mình cõng hàng qua biên giới đã quá xa xôi. Việc buôn lậu hiện giờ đã được chuyên môn hóa đến từng khâu. Người mua hàng lậu thì cứ thỏa sức mua còn lại công tác vận chuyển đều được công ty vận chuyển đảm nhận. Nhờ các công ty này mà công đoạn khó nhất là chuyển hàng qua biên giới giờ trở nên đơn giản hơn. Hàng được đưa về Hà Nội, công ty vận chuyển sẽ đưa đến tận trụ sở của công ty đặt hàng và tiến hành giao hàng, thanh toán.

    Hiện tại, giá cước phí vận tải hàng được tính theo giá thành trên kg. Ở vào thời điểm đầu năm, giữa năm một kg hàng hoá giá cước vận chuyển dao động vào khoảng 20 nghìn đến 26 nghìn VND. Nhưng vào thời điểm cuối năm thì có giá 45 nghìn đến 50 nghìn VND. Thời gian để hàng từ Trung Quốc về Việt Nam nhanh thì mất khoảng từ 5 đến 10 ngày, chậm thì mất một tháng. Thời điểm cận Tết như bây giờ thì cả tháng hàng cũng khó về được.

    Khi giao hàng cho các công ty này, một lô hàng có đơn mã riêng, dựa vào đó, người mua hàng có thể nắm bắt được hàng của mình đã được vận chuyển đến đâu thông qua gọi điện thoại cho công ty vận chuyển. Theo tìm hiểu, giới buôn lậu hiện nay rất tin tưởng vào các công ty vận chuyển. Vì theo họ, bọn này làm ăn rất uy tín, không có khái niệm “bùng hàng”. Gửi bao nhiêu hàng cũng nhận và thanh toán sòng phẳng. Còn việc hàng nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc có tắc biên hay không (do cơ quan quản lý siết chặt biên giới hay không). Các công ty vận chuyển này hoạt động công khai, có cả trang web hoạt động quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet.

    Liệu có hình thành "thế giới ngầm" đổi tiền, chuyển tiền qua biên giới?

    Đi kèm với dịch vụ mua hàng lậu từ Trung Quốc qua các trang mạng bán hàng trực tuyến là dịch vụ ngầm đổi tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo như tìm hiểu, hiện nay dịch vụ đổi tiền Việt sang tiền Tệ hoạt động rất sôi động. Người có nhu cầu đổi tiền bao nhiêu cũng có. Đặc biệt hơn, giới đổi tiền còn sẵn sàng đảm nhận chịu trách nhiệm thanh khoản cho người mua hàng.

    Theo đó, để thanh toán tiền, đòi hỏi người đặt hàng phải có một tài khoản ngân hàng mở ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh bị "bùng hàng", việc buôn hàng lậu đã có một thế lực ngầm "chống lưng". Để thanh toán cho đối tác bên Trung Quốc bắt buộc phải đổi tiền Việt sang tiền Tệ. ở Việt Nam có những người chuyên đổi tiền Tệ và chuyển khoản sang bên Trung Quốc.

    Cũng theo một nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật cho biết thêm: "Hoạt động chuyển tiền qua biên giới hiện nay rất sôi động và không gặp bất cứ một trở ngại nào. Cũng như hoạt động vận tải hàng hoá, hoạt động chuyển tiền được thực hiện một cách công khai. Thông thường, đối tác kinh doanh bên Trung Quốc họ yêu cầu mình phải chuyển 50\% số tiền trước. Khi hàng về Việt Nam thì mình nhận hàng và gửi 50\% số tiền còn lại cho công ty vận chuyển hàng. Công ty này chịu trách nhiệm trả số tiền đó cho bên bán ở Trung Quốc. Mọi giao dịch tiền khi qua các tổ chức và cá nhân này thì yên tâm, không có chuyện ai bùng ai".

    Tổ chức vận chuyển tiền qua biên giới là vi phạm luật hình sự

    Luật sư Nguyễn Duy Hùng, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Lĩnh vực tiền tệ như đổi tiền, chuyển tiền qua biên giới được pháp luật quy định chặt chẽ. Mọi hành vi vận chuyển tiền qua biên giới đều có luật và các văn bản giới luật quy định rõ. Cụ thể, như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc banh hành Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu Việt Nam. Nghị định về quy định xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định về tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

    Điều này cho thấy, hoạt động vận chuyển tiền tệ qua biên giới được Nhà nước hết sức quan tâm. Với các phương thức và thủ đoạn vận chuyển tiền qua biên giới để nhằm mục đích thanh toán cho hoạt động buôn lậu đó là hành vi trái pháp luật. Theo tôi, tuỳ vào lượng tiền mà căn cứ, vào các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý hành chính hoặc hình sự. Các cá nhân, tổ chức nhận đổi tiền, chuyển tiền phục vụ cho việc buôn bán hàng lậu cần thiết phải xử lý nghiêm và nặng nhất có thể bị khởi tố hình sự về hoạt động chuyển hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Mức phạt tù có thể lên đến 10 năm”.

    Cơ quan chức năng có đứng ngoài cuộc!?

    Theo nguồn tin riêng, hiện công ty Cổ phần truyền thông đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam chủ của hai trang bán hàng thoitrang360...,vn và sieuthihanghoa... hiện vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam diễn ra với hình thức tương tự như trên. Một lần nhập hàng, thông thường có đơn giá từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Một tháng, nhập nhiều lần. Tuy nhiên, công việc trên được tiến hành suôn sẻ và gần như qua mặt cơ quan chức năng?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-tran-phuong-thuc-danh-hang-lau-tu-trung-quoc-ve-viet-nam-a76462.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan