+Aa-
    Zalo

    Vải thiều Việt: Gian nan con đường xuất ngoại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vải thiều Lục Ngạn đã tiếp cận nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Úc. Nhưng theo đại diện Bộ NN&PTNT, con đường để quả vải Việt xuất ngoại còn nhiều gian nan.

    (ĐSPL) - Vải thiều Lục Ngạn đã tiếp cận nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, châu Âu, nhưng theo đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, con đường để quả vải Việt xuất ngoại vẫn còn khá nhiều gian nan.

    Vải thiều Lục Ngạn vào mùa

    Thông tin trên báo Đầu tư, ông Trần Quang Tấn, giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết năm nay tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm trước do thời tiết không thuận lợi, trong đó vải chín sớm ước đạt 23.000 tấn, vải thiều chính vụ là 107.000 tấn.

    Đặc biệt, theo ông Tấn, hơn 200 hộ dân tại huyện Lục Ngạn được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

    Toàn bộ diện tích vải được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU... Ngoài ra, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

    “Chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn những năm trước. Các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người trồng vải Lục Ngạn đang rất hồ hởi chờ đợi một mùa vụ xuất ngoại thành công nữa”, Phó chủ tịch Lê Bá Thành hồ hởi.

    Báo VnExpress thông tin, một tín hiệu vui cho người trồng vải Lục Ngạn là tuy mới chớm đầu vụ, nhưng đã có hơn chục doanh nghiệp tới tận vườn đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất ngoại. Trong đó có những doanh nghiệp có tiếng trong xuất khẩu vải thiểu, như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TP.HCM) …

    Năm nay, vải thiều xuất khẩu của Lục Ngạn (Bắc Giang), hay Thanh Hà (Hải Dương) không còn phải “lội ngược” vào miền Nam chờ chiếu xạ khi trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội đã được Bộ Khoa học & Công nghệ đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 16 triệu đồng một tấn. Cùng với đó, Bắc Giang cũng đưa vào sử dụng công nghệ xử lý, bảo quản quả tươi của Israel, đảm bảo quả vải xuất ngoại giữ được độ tươi ngon trong vòng 4-6 tuần.

    Con đường để quả vải Việt xuất ngoại vẫn còn khá nhiều gian nan. (Ảnh minh họa).

    Dự kiến sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 78.000 tấn, số còn lại phục vụ xuất khẩu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường truyền thống đối với vải thiều Bắc Giang, chiếm gần 40\% lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh.

    Đến thời điểm này, ngoài thương lái Trung Quốc còn có nhiều doanh nghiệp đến các vườn vải được gắn mã vùng trồng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap để đặt hàng xuất khẩu

    Để tránh tình trạng vải được mùa mất giá, hiện tỉnh Bắc Giang đã thực hiện xúc tiến thương mại tại Lào Cai, tới đây sẽ thực hiện kết nối tại Lạng Sơn, TP HCM, Hà Nội để vải thiều không bị ách tắc đầu ra, đồng thời đẩy mạnh việc xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.

    Con đường xuất ngoại còn nhiều gian nan

    Tuy vậy, con đường để quả vải Việt xuất ngoại vẫn còn khá nhiều gian nan. Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) chia sẻ, dù đã được phía bạn mở cửa thị trường, nhưng lượng vải đạt chuẩn xuất ngoại chưa nhiều. Bởi lâu nay sản xuất trái cây Việt vẫn nhỏ lẻ, thiếu vùng sản xuất chuyên canh cho xuất khẩu, nên khó đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng theo yêu cầu của phía đối tác nhập khẩu.

    Vị Cục trưởng lấy ví dụ, để cấp được một mã số vùng trồng khoảng 10ha vải xuất Mỹ, Cục phải “gom” từ 24 đến 28 hộ trồng mới đủ sản lượng. Chưa kể, năng lực của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hoa quả tươi còn yếu.

    Tới đây, khi Việt Nam tham gia các hiệp định, đặc biệt là TPP, các thuế suất giảm nhanh và về 0\% thì các rào cản kỹ thuật sẽ được nâng lên cao hơn nhiều so với hiện nay. Khi đó, đòi hỏi ngay từ khâu chọn giống, canh tác, quy hoạch vùng an toàn trồng loại đặc sản này… đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu không có những trái vải an toàn chắc chắn doanh nghiệp không có được nguyên liệu tốt để tiêu thụ trong nước, chứ chưa nói gì tới đạt chuẩn xuất khẩu.

    Báo Người lao động thông tin, mùa vải thiều năm nay, theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính với khoảng 40\% tổng sản lượng, tương đương 90\% lượng xuất khẩu. Vào vụ thu hoạch vải thiều, tại tỉnh Bắc Giang thường có gần 3.000 điểm thu mua với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 người Trung Quốc. Do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang hết sức băn khoăn trong việc giữ ổn định cho đầu ra của nông sản này.

    Chủ một đại lý thu gom vải thiều tại huyện Lục Ngạn cho biết dù mới chớm vụ nhưng đã có thương lái Trung Quốc sang đặt vấn đề mua bán. “Khoảng 20 ngày nữa, khi vào chính vụ, đi đâu cũng gặp thương lái Trung Quốc tìm mua vải thiều. Có thể bị ép cân, ép giá nhưng người trồng vẫn thích bán cho thương lái Trung Quốc vì được số lượng lớn” - chủ đại lý này giải thích.

    Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thừa nhận việc buôn bán với thương lái Trung Quốc luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức do không ổn định giá cả và số lượng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vai-thieu-viet-gian-nan-con-duong-xuat-ngoai-a134168.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.