+Aa-
    Zalo

    Vào TPP: Những nước nào sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng VN?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - 11 nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đã có nhiều cam kết trong việc xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam.

    (ĐSPL) -  11 nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đã có nhiều cam kết trong việc xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam.

    Chia sẻ tại cuộc họp báo chuyên đề về cam kết TPP trong lĩnh vực tài chính vừa được Bộ Tài chính tổ chức chiều 9/11, ông Vũ Như Thăng - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết, 11 nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đã có nhiều cam kết trong việc xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam.

    Theo đó, các nước này cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78 – 95\% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 – 100\% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 – 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.

    Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0\% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3- 5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

    Tin tức trên báo VnMedia, theo chia sẻ của ông Thăng, trong Hiệp định TPP, Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100\% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Cụ thể, xóa bỏ ngay 55,4\% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7\% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay.

    Trong khi đó, Canada cam kết xóa bỏ ngay 94,9\% số dòng thuế , tương đương 77,9\% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3\% số dòng thuế, tương đương với 93,4\% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4.

    11 nước thành viên tham gia Hiệp định TPP đã có nhiều cam kết trong việc xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam. (Ảnh minh họa).

    Báo Giao thông cũng đưa tin, tại thị trường Nhật Bản, nước này cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86\% số dòng thuế (chiếm 93,6\% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản).

    Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu, bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và chế phẩm.

    Tuy nhiên, đối với thủy sản – thế mạnh của Việt Nam, sẽ được hưởng thuế suất 0\% dự kiến ngay từ 2018. Các mặt hàng thủy sản này gồm: cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, cá tuyết, surimi, tôm, cua, ghẹ…

    Các dòng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ dự kiến vào năm 2024, 2029 hoặc 2034.

    Nhật bản cũng cam kết xóa bỏ 98,8\% số dòng thuế trong lĩnh vực dệt may cho Việt Nam, tương đương 97,2\% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

    Cùng với các nước trên, Mê-xi-cô cũng xóa bỏ 77,2\% số dòng thuế ngay khi thực thi cam kết, chiếm tới 36,5\% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mê-xi-cô, tương ứng với 282 triệu USD.

    Còn Pê-ru cũng cam kết xóa bỏ tới 80,7\% số dòng thuế ngay khi HIệp định có hiệu lực, tương đương 62,1\% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4\% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Pê-ru cũng duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường…

    Đối với Australia, tổng số 93\% số dòng thuế, tương đương 95,8\% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia (tương đương 2,9 tỷ USD), sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện HIệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

    Newzealand sẽ xóa bỏ 94,6\% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi HIệp định có hiệu lực, tương đương 69\% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (tương đương 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 khi hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

    Một số nước như Singapore cũng xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định TPP. Malaysia cam kết xóa bỏ ngay đối với 84,7\% số dòng thuế khi HIệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình với dòng thuế còn lại. Năm thứ 11 xóa bỏ tới 99,9\% dòng thuế và nước này áp hạn ngạch thuế quan đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thịt gà, thịt lợn và thịt bò.

    Chi-lê cam kết xóa bỏ đối với 95,1\% số dòng thuế ngay khi HIệp định có hiệu lực, tương đương 60,2\% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này (76 triệu USD).

    Đối với Bru-nây, ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, nước này sẽ xóa bỏ 92\% dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7,639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9\% vào năm thứ 7. Tới năm thứ 11 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tất cả các dòng thuế.

    Chia sẻ về các cam kết này, ông Thăng cho rằng, việc cắt giảm thuế quan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 11 nước trong TPP. Tuy nhiên, hiện thực hóa cơ hội như thế nào để chuyển hóa thành những hợp đồng xuất khẩu lại là vấn đề quan trọng.

    Cũng theo ông Thăng, nhiều khả năng năm 2016 sẽ ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, khi ký kết Hiệp định, các nước phải hoàn thiện thủ tục trong nước để phê chuẩn với thời gian khoảng từ 1 – 2 năm.

    Cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam

    Thông tin trên Thời báo Tài chính Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTN Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam ra nhập TPP.

    Theo đó, “Việt Nam áp dụng nguyên tắc một bản chào đa phương cho 11 thành viên còn lại của TPP. Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3\% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan, từ xóa bỏ ngay đến năm thứ 13 tùy sản phẩm. Đồng thời, Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng là thịt lợn và thịt gà mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa tại các Hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+; duy trì mức bảo hộ đối với 3 mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối”, Bộ trưởng nói.

    Song song đó, ngành nông nghiệp có cơ hội tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. Hiện nay, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu đối với nông lâm thủy sản Việt Nam.

    “Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98\% và 99\% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68\% và 100\% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100\% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam…”, Bộ trưởng đơn cử.

    Không những vậy, TPP sẽ tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

    Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động…

    AN NHIÊN (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vao-tpp-nhung-nuoc-nao-se-xoa-bo-thue-nhap-khau-hang-vn-a118835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.