+Aa-
    Zalo

    Về nơi đàn bà được ví như loài cò

    • DSPL
    ĐS&PL Những mảnh đời, những phận người và cuộc mưu sinh khó nhọc ở vùng cửa Ba Lạt - nơi dòng nước sông Hồng chảy về với biển, khiến tôi thực sự ám ảnh.

    Những mảnh đời, những phận người và cuộc mưu sinh khó nhọc ở vùng cửa Ba Lạt - nơi dòng nước sông Hồng chảy về với biển, khiến tôi thực sự ám ảnh.

    Họ tự ví mình như những chú cò thìa đang xục mỏ xuống lớp bùn lầy để kiếm ăn, và đôi chân chỉ ráo nước khi bóng chiều tắt lịm.

    Trên hành trình từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dòng sông Mẹ đã “thai nghén” trong mình những hạt phù sa để “sinh hạ” nên vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc VQG Xuân Thuỷ.

    Nơi đây trở thành quê hương của hơn 4.800 người thuộc địa phận hành chính của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Những bãi bồi thẳng cánh cò bay đã từng sản sinh những “vua ngao”, “vua tôm” giàu kếch sù.

    Về nơi đàn bà được ví như loài cò
    Chèo thuyền bằng xốp qua sông

    Nhưng ít người biết rằng, dưới tán rừng ngập mặn có hàng trăm người phụ nữ ngày ngày bì bõm dưới bùn lầy cào từng con ngao con vạng; móc cáy, bắt cua, cá… Một cuộc mưu sinh có vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cũng có cả vị tanh nồng của cá tôm và máu đổ.

    Hiểm nguy trên những mảng phao

    Tôi cùng 4 người phụ nữ trung niên xóm 21, xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ (Nam Định) đi cuốc ngó (một loài thuộc họ ngao). Hành trang của họ chỉ vỏn vẹn một túi vải bạt bên trong đựng cái cào cán ngắn và hộp cơm.

    Suốt một giờ đồng hồ, những vòng quay ngược gió trĩu nặng của chiếc xe đạp cũ mèm, rỉ sét vật vã cõng người từ đê Ngự Hàn tới bìa rừng ngập mặn. Họ dựng chiếc xe nằm nghiêng theo bờ các vuông tôm, rồi len lỏi dưới những tán cây rậm rạp tìm đường ra bờ sông Trà. Cồn Lu, cồn Ngạn là đích đến của những người phụ nữ.

    Phương tiện qua sông là mảng phao được ghép chằng chịt bởi những mảnh xốp vỡ vụn rộng khoảng 1,4 m2, dày 25 - 30 cm. Để chiếc mảng phao không bị lật, 4 người phải ngồi cân 4 góc, cầm đòn tre khuấy nước nhịp nhàng.

    Sức của 4 người phụ nữ mảnh mai đấu lại với dòng chảy chẳng khác nào cánh diều giấy gặp cơn gió mạnh. Mới ra đến giữa sông, thế mà bè mảng ba phần nổi bảy phần chìm đã trôi xuôi về phía hạ lưu hàng trăm mét so với điểm xuất phát.

    Về nơi đàn bà được ví như loài cò
    Dầm mình dưới dòng nước sâu

    Há miệng thở hồng hộc, cau mày nhăn nhúm khua sào, thỉnh thoảng những người phụ nữ lại thốt lên vài câu thở than: “Giá như có ông Tôn Ngộ Không vừa bay vừa kéo phao cho mình thì tốt nhỉ?” hay “Mấy mụ kia chèo mạnh tay lên chứ”.

    Trên chiếc bè phao này, có lần chị Mão đã ngã lộn cổ xuống sông vì 4 người ngồi không cân. Trong số 4 người phụ nữ ấy, chỉ có chị Vũ Thị The (40 tuổi) là biết bơi. Có lần muốn vượt sông mà không phải chèo mảng phao, chị The cầm theo cuộn dây thừng buộc một đầu vào gốc cây sú, sau đó bơi qua sông thắt đầu còn lại vào cây sú khác để 3 chị Mão, Cúc và Thêm bấu tay di chuyển dần dần. Vượt sông thành công, họ tiếp tục ngâm bùn nước vượt qua những con rạch nhỏ khoảng 20 phút mới tới bãi bồi để cào vạng.

    Ăn cơm đứng

    Bao năm đằm mình ở Cồn Lu, Cồn Ngạn, 4 người phụ nữ thuộc địa bàn phân bố của các loài tôm, cua, cá như lòng bàn tay.

    Chị The kể: Con cá bớp chuyên sống ở trong tán rừng ngập mặn sình lầy, cái hang có từ 2 lỗ trở lên để trú ẩn và đẻ trứng, đi đâu cũng phải xoắn xuýt có đôi, có cặp. Thức ăn của nó là còng, cáy, tôm, cua, cá nhỏ.

    Vậy nên dân đi bắt cá bớp bao giờ cũng mang về được khối con giáp xác. Chết nỗi chui vào bụi sú vẹt còn khổ hơn lính du kích, có chỗ gần như phải nằm xuống mà trườn như con rắn. Hang cá bớp, cáy, cua sâu 40 - 50 cm, thò xuống bắt bùn bết ngập bả vai.

    Đội cào ngao, vạng, ngó, hến cũng khổ không kém. Những ngày con nước lớn, mỗi người phải ngâm mình dưới nước từ 5 - 6 tiếng, rồi ngụp xuống mà vớt. Mùa hè nóng như đổ lửa vẫn phải hì hụi cúi gập mặt sát đất mà cuốc trên bãi trắng, da lưng như bị thiêu đốt, vài bữa da chết lại bong.

    Trong số 4 người phụ nữ, gia cảnh của chị Đinh Thị Cúc éo le nhất. Chồng chị bị lèo khoèo chân tay, sức khoẻ yếu lại hơi ngơ ngẩn. Trong tâm chị chẳng muốn làm cái nghề ngụp lặn bùn lầy bẩn thỉu này, nên ly hương lên Hà Nội mổ chó thuê, rồi xách hồ, xách vữa. Nhưng cái nghề ấy không ổn định, làm được dăm bữa mùa vụ là hết việc đành phải trở về mưu sinh ở tán rừng ngập mặn. Khuôn mặt sạm đen, gầy gò và ánh mắt buồn của chị Cúc chẳng ăn nhập gì với một người phụ nữ tuổi 35.

    Trong không gian toàn nước, cát và bùn lầy, họ chỉ nhìn mặt trời, nhìn con nước để đoán giờ giấc. Những người phụ nữ mải miết vục mặt mà cuốc như thể chạy đua với thời gian. Cả một vùng bãi rộng hàng ngàn mét vuông bị lật tung như vừa có chiếc máy cày phay đất. Và, khi đồng hồ trên chiếc điện thoại của tôi điểm 13h48 mới thấy họ tiến đến vũng nước để rửa tay ăn cơm.

    Về nơi đàn bà được ví như loài cò
    Bữa cơm đạm bạc

    Chiếc cặp lồng dính đầy cát bên ngoài của chị Cúc chỉ có cơm tẻ, đường trắng. Không mang theo thìa, chị Cúc dùng bàn tay còn dính cát đen sì ở kẽ móng bốc ăn. Lọ nhựa của chị Thêm tươm tất hơn với một nhúm ruốc vụn. Khá khẩm nhất vẫn là chiếc cặp lồng của chị Mão, ngoài cơm và bánh chưng còn có thêm quả trứng vịt luộc sẵn. “Chúng tôi không ăn nhiều vào buổi trưa vì không mang theo được nước canh và rau, khó nuốt lắm. Sáng và tối ăn bù”, chị Cúc nói.

    Ăn xong, mỗi người cầm chai nước ngửa cổ tu ừng ực cho trôi cơm rồi lại tiếp tục cuốc. Chị Mão chia sẻ: “Khoảng 3 năm trở về trước mỗi ngày cuốc ngó kiếm đôi ba trăm ngàn dễ ợt, nhưng giờ ngày càng ít đi. Thỉnh thoảng mới được đôi trăm (ngàn), còn đa số chỉ được hơn trăm ngàn một tí”.

    Về nơi đàn bà được ví như loài cò
    Dụng cụ tự chế để bảo vệ bàn chân

    Những người khai thác thuỷ sản ở VQG Xuân Thuỷ không bao giờ có lịch làm việc. Họ bắt đầu cuộc mưu sinh khi con nước ròng (thủy triều xuống) và “tha” về “chiếm lợi phẩm” trước khi những thân cây sú, vẹt chìm trong biển nước. Có thời điểm họ phải rời nhà từ 3 giờ sáng nhưng cũng có lúc 9 giờ sáng mới tỉnh dậy để chuẩn bị đi làm.

    Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thuỷ cho biết: “Từ năm 2012, Vườn mở cửa cho phép người dân vùng đệm thuộc 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải, Giao Xuân vào khai thác thuỷ sản là một trong những hoạt động nhằm thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương trong khu rừng đặc dụng. Ở các xã Giao Lạc, Giao Thiện, Giao An, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm rất đông, và đây là nguồn thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là người dân đi qua sông Trà rất nguy hiểm. Chúng tôi biết nhưng chỉ có thể tăng cường cảnh báo. Bởi nếu làm đường, hay làm cầu qua sông có thể sẽ phá vỡ môi trường sinh thái trong Vườn. Người dân phải đầu tư phương tiện di chuyển cho mình một cách an toàn và Đồn Biên phòng Ba Lạt cùng các trạm cơ sở phải quản lý chặt vấn đề này".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-noi-dan-ba-duoc-vi-nhu-loai-co-a32474.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan