+Aa-
    Zalo

    Vén màn bí mật số phận các đồng cô, bóng cậu (Kỳ 2): Ly kỳ lễ khơi long mạch ở chùa Hương và xây lầu Địa mẫu trên đỉnh Tản Viên

    • DSPL
    ĐS&PL Với những người mê hầu đồng có lẽ đều biết rằng Cô Loan thường gắn những giá đồng nổi tiếng. Những giá đồng đó thường trở thành những “điển tích” mà các “con nhang” thườn

    Với những người mê hầu đồng có lẽ đều biết rằng Cô Loan thường gắn những giá đồng nổi tiếng. Những giá đồng đó thường trở thành những “điển tích” mà các “con nhang” thường bàn tán với nhau những lúc trà dư tửu hậu. Những câu chuyện như vậy không hiếm những chi tiết hư hư thực thực. Và người có câu trả lời chính xác nhất tất nhiên phải là người chủ của những giá đồng danh tiếng đó.  

    Giấc mơ kì ảo và cơ duyên hiếm có

    Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 4 tháng giêng, bản hội của cô lại du ngoạn chùa Hương, lễ tạ trời đất. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có một sự kiện đặc biệt xảy ra, nó đã giúp cô có buổi hầu “để đời” ngay trước cửa đền Trình của khu danh lam thắng cảnh chùa Hương.

    Cô Loan kể, thời gian đầu xây cáp treo chùa Hương (bắt đầu từ năm 1998 đến lúc khai trương năm 2006), tại khu vực thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, có một số đối tượng thường xuyên kích động dân địa phương cản trở việc thi công. Những đối tượng này lấy lí do là: khi cáp treo đi vào hoạt động sẽ làm mất công ăn việc làm của dân địa phương, cụ thể là các hộ tham gia việc chèo đò, bán hàng quán dọc tuyến đò suối Yến và theo đường núi lên đến động Hương Sơn. Tìm hiểu thì được biết những đối tượng này  cũng chính là những kẻ đã khởi xướng phong trào động giả - chùa giả - sư giả để lừa tiền công đức của du khách.

    Cô Loan cho biết, trước ngày khai hội chùa Hương năm 2006 (thời điểm hoàn thành xây cáp treo), từ trong Tết Nguyên đán cô có một giấc mơ kì lạ về chùa Hương. Cô mơ thấy Bà Chúa Tam ngự thuyền rồng đi trên suối Yến cùng hai đồng nữ mặc yếm vàng. Khi đó cô đang vô tình bắt được một chú cá lạ trên suối và định đưa cho thủ nhang đền Trình. Từ trong lớp sương mù, Bà Chúa hiện ra và yêu cầu cô trả cá. Khi đó cô mới quan sát con cá trong tay mình thì cô thấy con cá đang khóc. Đôi mắt cá như van cô phải cứu nó. Bà Chúa nhận lại con cá và chấp nhận lời thỉnh cầu sẽ giúp cô khơi thông dòng nước, nối lại long mạch, quét sạch chuyện buôn thần bán thánh nơi cửa Trình. Cô chưa kịp vái tạ thì bóng Bà đã tan biến trong lớp sương mù. Khi đó cô cũng tỉnh giấc.

    Cô Loan cho biết thêm: Sau đó vài hôm, nhằm đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán năm đó, cô đang sắm sửa Lễ hầu Lục vấn thanh điện tại phủ thì một hiện tượng kì lạ xảy ra. Hai cành hoa đào cắm uy nghi bên điện bỗng đâu có đàn ong lạ bay về, cô vừa hầu thì ong cắn cánh hoa đào rơi lả tả khắp nền điện. Kinh hãi, cô không dám hầu tiếp. Lòng cô nóng như lửa đốt, thắc thỏm không yên vì linh tính mách bảo sắp có chuyện lớn xảy đến. Mùng 4 Tết, cô cùng các thanh đồng, văn đàn, tứ trụ trong bản hội hành hương chùa Hương để lễ tạ đất trời, cầu năm mới an lành thì mọi chuyện cứ diễn ra như trong mộng. “Khánh thập phương chen lấn khắp các con đường nhưng đoàn của cô đi đến đâu thì dòng người rẽ ra một cách kì lạ, như đi vào chỗ không người. Bước chân của cô như có ai nâng bước, đội lễ mà đi nhẹ như bay. Lúc đó cô lại thấy hình ảnh hai tiên đồng của Bà Chúa Ba hiện lên dẫn đường. Cô bỗng phát ngộ ra một bí mật, ngay con suối Yến và cửa đền Trình, cô nhìn thấy long mạch đang bị chia cắt sắp đứt lìa, và Bà Chúa Tam đã chọn cô là người có nhiệm vụ nối liền long mạch đang bị tổn thương ấy”, cô Loan kể.

    Buổi lễ hầu lần đầu tiên diễn ra tại đền Trình, được Ban quản lí danh thắng Chùa Hương, chính quyền địa phương, các tăng ni phật tử và hàng vạn du khách thực chứng. Cô Loan cùng Bản hội Hồng đức Linh điện đã tiến hành buổi lễ khơi dòng long mạch trước cửa đền Trình (cũng là ga đầu tiên của tuyến cáp treo Chùa Hương). Sau khi toàn bộ buổi lễ hoàn thành thì tuyến cáp treo đi cũng chính thức đi vào hoạt động, phục vụ tốt khách thập phương, nhất là trẻ em và người có tuổi. Chùa Hương từ đó cũng bớt cảnh lộn xộn và trở thành một điểm du lịch tâm linh lý tưởng hàng năm của khách thập phương. 

    Những giá đồng có một không hai

    Sau đàn lễ ở đền Trình ở chùa Hương, cơ duyên đã đưa cô và Bản hội đến với việc khởi xướng và công đức xây Lầu Địa Mẫu trên đền Thượng, Ba Vì, Hà Nội. Khi đến đây, “cũng giống như đàn lễ chùa Hương, toàn bộ quá trình xây dựng Lầu Địa Mẫu, từ lúc liên lạc với thủ nhang đền Thượng cho đến từng chi tiết của đàn lễ cô đều được báo mộng từ trước. Huyền diệu hơn nữa, cũng trong mộng, cô đã nhìn thấy Chúa Thánh Tiên ngự trong thân một khúc củi. Điều đặc biệt là khi đi thực địa ở Đền Thượng, cô đã tìm thấy khúc củi như vậy”. Hiện nay, du khách hành hương về Tản Viên sơn lễ tạ, có thể nhìn thấy khúc củi này đang được thờ tại Lầu Địa Mẫu, trên đỉnh cao nhất của núi Ba Vì, nơi linh thiêng nhất nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh giữa Xứ Đoài.

    Ngoài việc khởi xướng và công đức xây Lầu Địa Mẫu trên đỉnh Tản Viên, cô Loan còn nổi tiếng với một giá đồng ở địa danh nổi tiếng khác là đền thờ Thánh Gióng. Thánh Gióng (còn có tên khác là Phù Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương) một trong Tứ Bất Tử trong Thánh đạo nước Việt. Khu đền thờ Thánh Gióng ngày nay nằm trong khu du lịch văn hóa tâm linh Văn Lang, nằm tựa vào núi Sóc, một mặt nhìn xuống các khu hồ nối tiếp nhau, vốn dĩ là cảnh quan đặc thù của khu vực phía Tây của TP Hà Nội. Điểm nhấn tạo ấn tượng sâu sắc chính là pho tượng Phật A-di-đà bằng đá nguyên khối cao 18m nổi bật trên nền trời xanh, hai bên tả hữu có tượng Quốc phụ và Quốc mẫu bằng đồng nhìn thẳng xuống hồ nước rộng quanh năm rợp bóng cây.

    Cô Loan kể: “Buổi lễ đêm đó có thể nói là sự giao thoa linh khí của đất trời cùng tụ hội về khu văn hóa tâm linh để cung nghinh thánh giá Quốc phụ và Quốc mẫu giáng đàn nhân dịp ngày giỗ quốc tổ Hùng Vương. Đàn lễ trang nghiêm đã được 100 nhà sư tiến hành tụng kinh từ buổi sáng cho đến chiều. Có một điều đặc biệt đã diễn ra, khi các sư cùng tăng ni phật tử kết thúc phần tụng niệm và chuẩn bị làm lễ mông sơ thí thực thì một trong các đệ tử của bản Hội đã dùng máy ảnh chụp được hình ảnh phật quang tỏa chiếu trong đám mây ngay phía trên đỉnh tượng Phật A-di-đà. Hình ảnh này chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng lại là sự minh chứng hùng  hồn nhất cho khởi đầu thành công của đàn lễ ngày hôm đó”.

    Cô Loan cho biết đó cũng là lần đầu tiên thực hiện một đàn lễ với các giá hầu Thiên Đình. “Quả thật, có tham gia mới hiểu, các vị Tiên Vương khi giáng đàn thể hiện qua thần thái uy linh và tôn nghiêm (không giận mà vẫn làm người khác phải run) của ghế hầu - hoàn toàn khác hẳn với các ngôi vị Thánh của cửa Đình Thần Tam Tứ Phủ là thường tạo cho thanh đồng cảm giác vừa tôn kính vừa gần gũi (như cha như mẹ mình vậy). Sự uy linh của đàn lễ còn được bổ trợ bởi 4 vị đóng vai Thiên binh Thần tướng đứng trấn ở 4 phương của đàn, cùng dàn múa phụ họa của 12 nữ nghệ sĩ múa. Hàng trăm người tham dự buổi lễ hôm đó cũng không quên được có một điều đặc biệt xẩy ra”, cô Loan xúc động nhớ lại.

    Hôm đó trời mưa phùn khá dày, cộng với sương muối vùng rừng núi khiến cho khu du lịch Văn Lang và vùng phụ cận tưởng như chìm trong một màn sương mỏng. Vậy nhưng ở khu vực đàn lễ, với diện tích chỉ khoảng 500m2 thì lại hoàn toàn khô ráo. Không ai có thể giải thích đầy đủ về hiện tượng trên nhưng nó đã giúp cho buổi lễ càng có thêm không khí linh thiêng và cũng khiến cho danh tiếng của Cô Loan ngày càng vang xa.

    Quy tắc hầu đồng

    Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần,... Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng. Thanh Đồng là nam giới được gọi là "cậu" Đồng, nữ giới được gọi là "cô” hoặc “bà” Đồng. "Cậu" thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng ) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...

    Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều "giá". Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên Thanh Đồng một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này Thanh Đồng đang ở một "giá" mới và phải thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với "giá" này. Khi thì Thanh Đồng hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa. Điệu múa của Thanh Đồng cũng thay đổi theo đặc điểm của "giá". "Giá" quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không,múa cờ; giá các cô múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn, múa tay không; giá các cậu thường múa hèo, múa lân ... Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô và Cậu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ven-man-bi-mat-so-phan-cac-dong-co-bong-cau-ky-2-ly-ky-le-khoi-long-mach-o-chua-huong-va-xay-lau-dia-mau-tren-dinh-tan-vien-a219988.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan