+Aa-
    Zalo

    "Vua nhạc sến" Vinh Sử: Hát thương phận nghèo thu tiền không đếm xuể, cuối đời cô đơn hoàn tay trắng

    • DSPL
    ĐS&PL Vinh Sử được mệnh danh là “vua nhạc sến”, nhiều nhạc phẩm của ông là lời tự tình được yêu thích qua nhiều thế hệ.

    Vinh Sử được mệnh danh là “vua nhạc sến”, nhiều nhạc phẩm của ông là lời tự tình được yêu thích qua nhiều thế hệ. Đến nay, nhưng giai điệu da diết gắn liền với cái tên Vinh Sử vẫn vang khắp các nẻo đường. Danh tiếng từng nổi như cồn, tiền tiêu như rác nhưng về già ông lại sống cô đơn, bệnh tật và nghèo khổ.

    Tiền tiêu như rác

    Cha mẹ nhạc sĩ Vinh Sử từ Hà Tây (cũ) đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp rồi lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó, bố mẹ ông về Sài Gòn sinh sống bằng nghề làm lò bún. Nghề làm bún này dù vất vả nhưng giúp gia đình ông không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn dư dả. Tuy nhiên, cha của Vinh Sử là người rất tiết kiệm, không biết chữ nên cũng chẳng coi trọng chuyện học hành. Khi các con 9, 10 tuổi, ông bắt các con phải đi làm, nhưng Vinh Sử không chịu nên đi bán báo dạo để có tiền đi học. Vì vậy, ông là người biết chữ duy nhất trong nhà.

    Năm 15 tuổi, Vinh Sử khi ấy là một cậu bé ương ngạnh, nhưng lại có niềm say mê với các nốt nhạc nên đã bỏ học và bắt đầu sáng tác. Với những người trong gia đình và hàng xóm, cái việc ông làm khi ấy là sự bất thường. Ông bị bố mẹ cấm cản, làng xóm chỉ trỏ bình phẩm nhưng không vì điều đó mà đánh mất đi tình yêu dành cho âm nhạc.

    Âm nhạc dường như đã có sẵn trong máu của ông từ kiếp nào. Vừa học nhạc, Vinh Sử vừa mua sách hướng dẫn để học cách sáng tác. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập sáng tác. Quãng thời gian này, Vinh Sử sáng tác rất nhiều, bởi quan niệm của ông về nhạc rất đơn giản, “nghĩ gì viết nấy”. Có lẽ cũng chính vì sự đơn giản ấy mà âm nhạc của Vinh Sử dễ đi vào lòng người.

    Những ngày đầu đến với âm nhạc Vinh Sử cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Để các tác phẩm của mình đến được với độc giả, ông đã phải bán nhà để “quan hệ” với những người làm việc trong giới. Thế nhưng, tiền hết mà ca khúc của ông vẫn chỉ trên giấy. Thời điểm ấy, ông chán chường vì “đứa con tinh thần” không đến được với công chúng, nhưng tình yêu âm nhạc vẫn rất cháy bỏng. Và rồi, trời không phụ lòng người, cuối cùng các ca khúc của ông đã được lên sóng đài phát thanh. Ngay sau đó, cái tên Vinh Sử trở thành hiện tượng và rồi nhanh chóng nổi tiếng. Cuộc đời ông bước sang một trang mới.

    Trong giai đoạn đỉnh cao, các bản nhạc không chỉ mang đến cho Vinh Sử danh tiếng mà tiền tài cũng nhiều không kể hết. Với số tiền đếm không xuể ấy, Vinh Sử có thể mua mọi thứ mình thích từ nhà lầu đến xe hơi, nhưng ông lại có quan niệm, tiền đến thì phải tiêu, ăn nhậu thì phải linh đình. Vì vậy, khi có tiền Vinh Sử đốt vào những cuộc ăn chơi thâu đêm, ông sẵn sàng làm “vua một đêm” ở các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn.

    Mỗi đêm, Vinh Sử chi tiêu cả chục lượng vàng. Độ ăn chơi của ông khi ấy nổi tiếng khắp Sài thành. Nhiều dân chơi thứ thiệt cũng phải kiêng nể mức độ chịu chơi của vị nhạc sĩ này. Thế nhưng, miệng ăn thì núi lở, tiền có nhiều đến đâu ăn hoài, tiêu mãi cũng sẽ hết và với Vinh Sử cũng như vậy. Các cuộc ăn chơi lúc trẻ đã để lại những thiệt thòi cho ông khi bước vào độ tuổi xế chiều.

    Càng yêu nhiều càng dễ sáng tác

    Vinh Sử có đến 4 người vợ nhưng họ đều lần lượt bỏ ông ra đi. Cũng vì có đến 4 đời vợ và không ít những cuộc tình ngắn chẳng tày gang nên người ta vẫn nghĩ Vinh Sử là người đa tình, lăng nhăng. Nhưng, thực tế không phải như vậy, ông nói “toàn bị người ta phụ chứ có phụ ai bao giờ... Tôi kết thúc với người này mới bắt đầu với người khác. Tôi không hề lăng nhăng”.

    Ông thú nhận, đường tình duyên của mình không hề may mắn, luôn bị phụ tình nhưng chính nỗi đau ấy, sự chông chênh khi tình yêu bị đánh mất ấy lại giúp ông nuôi dưỡng cảm xúc để tạo nên những nhạc phẩm. Ông thú nhận, mình yêu nhiều để lấy cảm hứng viết nhạc. Ông thích yêu các người đẹp để bị thất tình vì thất tình dễ lấy cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ Vinh Sử cũng thú nhận, ông hay bị phụ tình và bao nhiêu lần phụ tình là bấy nhiêu bản nhạc. Chính vì vậy mà, các ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử đều nói về tình yêu đôi lứa và đa số trong số đó là nỗi buồn của sự chia ly, xa cách.

    Tuổi già cô đơn, nghèo khó

    Yêu nhiều, lắm vợ, nhiều tiền nhưng Vinh Sử ở tuổi xế chiều lại phải sống một mình. Nhiều người nhìn Vinh Sử của hiện tại thấy thương, thấy tiếc cho một nhạc sĩ tài hoa, đa tình.

    Ông đang sống một mình trong căn nhà 15m2 tại một con ngõ nhỏ ở Sài Gòn. Trước đó, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư đại tràng, đến năm 2014 căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn. Sống một mình, khó khăn ở cái tuổi xế chiều nhưng nhạc sĩ Vinh Sử không phiền lòng về hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Ông tâm sự, cuộc sống của ông không thiếu thốn gì, bởi không cần nhiều tiền. Nhu cầu của ông rất đơn giản, ngày ăn 3 bữa và đã có hàng quán lo. Không phải ông bị cô lập mà do thích sống một mình.

    Nói về những thăng trầm trong cuộc đời, ông không một lời oán trách mà coi nó giống như lẽ tự nhiên của cuộc đời. “Tôi đi lên từ trắng tay, giàu có, danh tiếng đều đủ cả, đều đã nếm trải. Nay lại trở về trắng tay cũng là điều bình thường. Thú thực, nhiều tiền khi chết có mang theo được đâu nên thôi vậy cũng đủ rồi”, nhạc sĩ Vinh Sử tâm sự.

    Vinh Sử là một người rất đặc biệt, ngay cả trong nghịch cảnh ông vẫn tìm thấy ánh sáng, tìm cho mình một lối đi để vui sống. Thế nên, ngay cả trong hoàn cảnh tuổi già sống cô đơn, bệnh tật, nghèo khó nhưng ông vẫn rất lạc quan. Tác giả của các ca khúc trữ tình hóm hỉnh chia sẻ, nhờ bệnh tật, sức khỏe yếu, ở nhà hoài nên ông mới viết được nhiều bài hơn. Ông vẫn còn mấy cuốn nhạc với khoảng trên 200 bài chưa được ra mắt.

    Lê Anh

    Nguồn: Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 51

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-nhac-sen-vinh-su-hat-thuong-phan-ngheo-thu-tien-khong-dem-xue-cuoi-doi-co-don-hoan-tay-trang-a228274.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan