+Aa-
    Zalo

    Giám đốc sở VH&TT Thừa Thiên - Huế: Áo dài ngũ thân che được khuyết điểm của người đàn ông

    • DSPL
    ĐS&PL Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, mặc áo dài ngũ thân không chỉ tiện lợi và còn tạo phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng.

    Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, mặc áo dài ngũ thân không chỉ tiện lợi mà còn tạo phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng cho người đàn ông.

    Mới đây, sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng quy định nam công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, bắt đầu từ ngày 7/9.

    Sáng 7/9, cán bộ, công chức sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ hàng tháng. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.

    Hình ảnh trên đã thu hút sự quan tâm và gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Trả lời PV Đời sống & Pháp luật, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những chia sẻ khá chi tiết về quy định này nhằm rộng đường dư luận.

    Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: svhtt.thuathienhue.gov.vn

    PV: Hình ảnh nam cán bộ, công chức của ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở được lan truyền khá rộng rãi trong những ngày gần đây và gây ra nhiều ý kiến trái chiều, có cả ủng hộ lẫn phản đối, ông có nắm bắt được những ý kiến đó không và nghĩ sao về sự việc này?

    Ông Phan Thanh Hải: Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn theo dõi dư luận để nghiên cứu và bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Chúng tôi rất cầu thị và trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là những ý kiến mang tinh thần xây dựng.

    Một hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống xã hội mà nhận được nhiều ý kiến đóng góp là điều bình thường. Càng nhiều ý kiến góp ý chững tỏ vấn đề ấy càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Chúng tôi thấy vui mừng về điều này.

    Chúng tôi cho rằng, như việc phục hồi chiếc áo dài nữ và đưa áo dài nữ vào trường học, công sở trước đây, chắc chắn sự việc này sẽ gây ra nhiều ý kiến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta đang thực hiện việc phục hồi một truyền thống tốt đẹp, một di sản quý của dân tộc nên cần mạnh dạn thực hiện.

    Hy vọng cộng đồng sẽ ủng hộ chiếc áo dài nam ngũ thân - chiếc áo từng được xem là Quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm, và từ đó tự nguyện cùng thực hiện việc phục hưng di sản này, để có sự thành công ngoạn mục như đối với áo dài nữ.

    PV: Ông có thể cho biết, ý tưởng cho việc nam công chức mặc áo dài được bắt nguồn từ đâu?

    Ông Phan Thanh Hải: Thực ra, sở VH&TT đang được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam". Đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển.

    Chúng tôi xem đây là một hành động đúng đắn và thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà mục tiêu là xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế.

    Sau khi tổ chức hội thảo khoa học vào tháng 7 vừa qua để tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài và đông đảo cộng đồng, Sở mới bắt đầu thực hiện thí điểm việc mặc áo dài trong khối văn phòng (áp dụng vào ngày thứ Hai đầu tháng, kết hợp lễ chào cờ, giao ban).

    Chúng tôi hy vọng từ đây sẽ có sự lan tỏa rộng rãi sang các ngành, đơn vị khác và ra cộng đồng, và cũng như đối với việc mặc áo dài nữ trước đây, sẽ có sự lan tỏa ra toàn xã hội, dần dần được cộng đồng chấp nhận và tự nguyện thực hiện.

    Nam công chức sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc trang phục áo dài ngũ thân truyền thống trong lễ chào cờ đầu tháng 9. Ảnh: svhtt.thuathienhue.gov.vn

    PV: Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng trên, sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế có gặp vướng mắc gì không?

    Ông Phan Thanh Hải: Chúng tôi rất thuận lợi vì nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, anh em trong khối văn phòng sở lại rất hào hứng khi thực hiện.

    PV: Nhiều ý kiến cho rằng trang phục này không tiện để di chuyển và gặp khó khăn trong công việc, ông nghĩ sao về điều này?

    Ông Phan Thanh Hải: Đó là những người chưa hiểu, chưa từng mặc áo ngũ thân thôi. Thực ra mặc bộ ngũ thân rất tiện lợi và che được nhiều khuyết điểm của người đàn ông, hơn thế còn tạo nên tác phong đĩnh đạc, đàng hoàng.

    Mặt khác, bộ trang phục này chỉ mặc trong nghi lễ, mọi người có thể thay ra khi làm việc bình thường. Sở chỉ khuyến khích chứ không quy định bắt buộc cán bộ công chức mặc. Lưu ý răgf, chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tháng 1 lần vào thứ Hai đầu tháng và các nghi lễ truyền thống.

    PV: Ngoài việc diện áo dài thì sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế còn muốn triển khai những hoạt động nào để góp phần tôn vinh trang phục truyền thống này?

    Ông Phan Thanh Hải: Như đã nói trước đó, chúng tôi đang thực hiện đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", vì vậy nên vẫn còn nhiều việc phải làm.

    Sắp tới là việc tuyên truyền quảng bá để cộng đồng hiểu đầy đủ và đúng về chiếc áo dài truyền thống, nhất là áo ngũ thân của nam giới. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức "Ngày hội áo dài Huế" với rất nhiều hoạt động liên quan đến chiếc áo dài Huế.

    Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

    Vi An


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-doc-so-vhtt-thua-thien---hue-ao-dai-ngu-than-che-duoc-khuyet-diem-cua-nguoi-dan-ong-a338417.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan