+Aa-
    Zalo

    Vi phạm giao thông, tài xế đâm vào công an để bỏ chạy

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Phát hiện xe ô tô vi phạm giao thông, một chiến sỹ CSGT đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế bất ngờ tăng ga...

    (ĐSPL) – Phát hiện xe ô tô vi phạm giao thông, một chiến sỹ CSGT đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế bất ngờ tăng ga, đâm thẳng vào cảnh sát rồi bỏ chạy.

    Hiện trường xảy ra vụ việc (Ảnh: Otofun)

    Sáng ngày 14/11 Trung tá Lê Tú - Đội trưởng đội CSGT số 3 xác nhận vụ việc trên và cho biết, tài xế điều khiển xe ô tô BKS 29C – 529xxx đã cố tình đâm vào chiến sỹ CSGT trong quá trình đang làm nhiệm vụ.

    Hiện chiến sỹ CSGT bị đâm vẫn đang đau nhiều bộ phận trên cơ thể và tiếp tục được các bác sỹ theo dõi tại bệnh viện.

    Được biết sự việc xảy ra vào 19h40 ngày 13/11, trong khi một Tổ công tác của Đội CSGT số 3 Công an TP. Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại khu vực ngã tư 4 Lê Văn Lương – Láng Hạ đã phát hiện một xe ô tô mang BKS 29C – 529xxx vi phạm giao thông.

    Ngay sau đó, một chiến sỹ CSGT trong tổ công tác đã ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chấp hành hiệu lệnh của CSGT, tài xế điều khiển xe ô tô đã bất ngờ tăng ga, đâm thẳng vào chiến sỹ CSGT rồi bỏ chạy.

    Do sự việc diễn ra quá bất ngờ, phương tiện tham gia giao thông đông nên chiến sỹ CSGT của Đội CSGT số 3 Công an TP. Hà Nội đã bị chiếc xe ô tô đâm trúng và hất văng sang bên đường.

    Vụ va chạm quá mạnh đã khiến đồng chí CSGT này bị thương và được đồng đội, người dân quanh khu vực đưa đi cấp cứu.

    Hiện Đội CSGT số 3 đã bàn giao lại toàn bộ cho Công an khu vực tiến hành điều tra, xử lý.

    Phân tích tội chống người thi hành công vụ

    Cơ sở pháp lý: Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

    * Dấu hiệu pháp lý

    - Khách thể: là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

    + Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng... ).

    + Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

    - Khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật hình sự. Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau:

    + Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...)

    + Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.

    + Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.

    + Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…

    - Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

    - Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.

    Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích, tội giết người…).

    - Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người.

    - Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

    * Hình phạt

    1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

    a) Có tổ chức;

    b) Phạm tội nhiều lần;

    c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

    d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

    đ) Tái phạm nguy hiểm.


    Hoàng Nhung

    Video xem nhiều nhất: [mecloud]M8dWsQHfB1[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-pham-giao-thong-tai-xe-dam-vao-cong-an-de-bo-chay-a170130.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.