Vì sao cần chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định?


Thứ 4, 23/11/2016 | 08:48


(ĐSPL) – 59/63 tỉnh, thành sẽ được chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Vậy, tại sao lại chuyển đổi và nó có gây ra những bất tiện nào với người dùng?

(ĐSPL) – 59/63 tỉnh, thành sẽ được chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Vậy, tại sao lại chuyển đổi và nó có gây ra những bất tiện nào với người dùng?

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố lộ trình chính thức đổi mã vùng điện thoại cố định đối với 59 tỉnh, thành. Quá trình chuyển đổi sẽ chia thành 3 giai đoạn với thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 11/2/2017 và kết thúc vào ngày 31/8/2017.

Sự cần thiết của việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định

Theo Cục Viễn thông – Bộ TT&TT – có nhiều lý do để quy hoạch lại kho số viễn thông.

Đầu tiên, việc quy hoạch lại sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sau khi sử dụng kho số 10 năm qua. Vào năm 2006, sau khi thực hiện mở cửa, xóa độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, Việt Nam xây dựng và ban hành quy hoạch kho số lần đầu tiên. Hiện trạng mã vùng và mã mạng đó vẫn được giữ nguyên cho đến nay và không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hơn nữa, trong quá trình chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán. Ví dụ trước đẩy Vĩnh Phúc có mã vùng là 21, khi tách thành hai tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng là 210 và Vĩnh Phúc là 211.


Hoặc, tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số, tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 chữ số, lúc lại quay 11 chữ số, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, xu hướng bùng nổ của thông tin di động khiến nhu cầu kho số tiếp tục tăng cũng đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy hoạch kho số.

Tác động của việc chuyển đổi mã vùng tới người sử dụng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định ảnh hưởng rất nhỏ và gần như không đáng kể đến người dùng điện thoại cố định, bởi đây chỉ là chuyển đổi mã vùng chứ không phải là chuyển đổi số thuê bao, tức sẽ không ảnh hưởng đến số thuê bao mà vẫn giữ nguyên như cũ.

Do đó, khi thực hiện các cuộc gọi nội hạt (từ cố định tới cố định trong cùng tỉnh, thành) sẽ không có gì thay đổi.

Cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới (Ví dụ mã vùng cũ là 04, mã mới là 024 thì cần quay số 024 rồi đến số cần gọi).

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế và số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Do đó, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều.

Hơn nữa, tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi người dùng quen được mã mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức. Một số tổ chức, cá nhân chịu tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm gắn với mã vùng như card visit, bao bì, biển quảng cáo...

NGỌC BÉ 

Xem thêm video:

[mecloud]xzNSPyvCa7[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-can-chuyen-doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-a171118.html