+Aa-
    Zalo

    Vì sao chấm điểm bằng lời có lợi cho học sinh Tiểu học?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Quy định chấm điểm bằng lời chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, trước đó nhiều trường đã có các cuộc trao đổi, thảo luận và triển khai áp dụng thí điểm.

    (ĐSPL) – Quy định chấm điểm bằng lời chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, trước đó nhiều trường đã có các cuộc trao đổi, thảo luận và triển khai áp dụng thí điểm quy định này.

    Thông tư số 30 về Quy định đánh giá học sinh Tiểu học của Bộ GD&ĐT nêu rõ, đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

    Trước tin tức này, đã có nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về tính chính xác và hiệu quả của phương thức cho điểm mới này đối với học sinh, nhất là khi các em đã quen với việc khoe những điểm 9, điểm 10 với cha mẹ sau mỗi buổi tan trường.

    Vì sao chấm điểm bằng lời có lợi cho học sinh Tiểu học?

    Áp lực điểm số sẽ không còn đè nặng lên vai học sinh tiểu học.

    Không khí lớp học gần gũi, thân thiện hơn

    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, cô Lưu Hồng Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bình (Vĩnh Phúc) cho biết, trước đây mỗi học sinh có ít nhất 20 cột điểm cho các môn, bây giờ sẽ nhận được lời phê của giáo viên chỗ nào được hay chưa được, chỗ nào cần cố gắng phát huy.

    “Để giáo viên và cả học sinh quen dần, thích nghi với cách cho điểm này, về phía nhà trường chúng tôi cho giáo viên học tập thông tư 30. Chúng tôi luôn nhắc nhau khi nhận xét bài làm của học sinh, giáo viên không được dùng những từ ngắn gọn như: được, chưa được, cần cố gắng, cố gắng… mà phải dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tình cảm, tránh tổn thương trẻ, nhận xét thật dài để học sinh yên tâm là mình được giáo viên quan tâm. Phổ biến nội dung này trong cuộc họp phụ huynh đầu năm toàn trường, kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên  và phụ huynh”.

    Nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm giúp người dạy hiểu học sinh của mình, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Và nhờ không có điểm số mà học sinh cũng bớt ganh đua, tị nạnh nhau, không khí lớp học trở nên thân thiện, gần gũi hơn. Chính vì tỉ mỉ như thế, học sinh sẽ biết mình còn yếu khâu nào, phụ huynh cũng tham gia được vào quá trình học tập của con thông qua những nhận xét cụ thể của giáo viên. Việc bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học sẽ giảm áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh, nạn dạy thêm học thêm, học trước chương trình cũng nhờ vậy mà có thể được giảm tải, đây thực sự là một quy định tích cực.

    “Trước nay, chúng tôi vẫn luôn khích lệ học sinh bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ là điểm số bởi chỉ riêng điểm số không sẽ rất khô cứng, sự tương tác giữa học sinh và giáo viên cũng không cao. Quy định mới này giúp các em học sinh có thể vừa học vừa chơi, không lo sợ bị điểm thấp, bị thầy cô phạt hay cha mẹ phạt. Thay vào đó chúng ta có thể làm nhiều điều khác để phát triển toàn diện phẩm chất cho các em” – thầy Phạm Đình Thi, trường Quốc tế Global, Hà Nội.

    Cô Nguyễn Thị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho rằng, mặc dù quy định mới sẽ chiếm nhiều thời gian của giáo viên hơn và cần có thời gian thích ứng, tuy nhiên xét về lâu về dài đây là một phương án tích cực, “học sinh đi học thường lo bị điểm kém, không được điểm 9, điểm 10 rất sợ bị cha mẹ mắng, bạn bè chê cười, cho nên việc bỏ điểm số và nhận xét bằng lời như vậy phần nào khiến tâm lý các em ổn định hơn, giáo viên càng tỉ mỉ, càng tìm hiểu rõ về mỗi học sinh thì lời nhận xét càng có giá trị hơn, khiến các em thấy mình được quan tâm, chăm sóc, giải tỏa nhiều áp lực. Tuy nhiên, thời gian đầu cũng cần giáo viên bỏ thời gian, công sức hướng dẫn để các em dần làm quen với quy định này, không thể nhanh chóng áp dụng ngay, dễ xảy ra những tác dụng tiêu cực như học sinh không hiểu, 

    Nhận xét linh hoạt, sáng tạo

    Để chuẩn bị từng bước chuẩn bị cho đánh giá theo thông tư mới, rất nhiều trường tiểu học đã tổ chức các buổi thảo luận, tập huấn về cách tổ chức lớp, cách nhận xét ngắn gọn, hiệu quả, cách nhận xét học sinh theo tổ, theo môn. Thậm chí đã có một số trường triển khai thí điểm và thu được những kết quả nhất định.

    Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng vào thực tế này cũng diễn ra một số vấn đề. Với cách đánh giá kết quả học tập mới này, học sinh sẽ không bị áp lực về điểm số, nhưng giáo viên thì phải dành nhiều thời gian hơn cho việc đánh giá. Khối lượng công việc giáo viên phải làm so với những năm chấm điểm sẽ nhiều hơn. Một tiết học thường không đủ cho giáo viên nhận xét được hết tất các các em. Nhiều lắm cũng chỉ nhận xét được nửa lớp, vừa vất vả cho giao viên lại vừa thiệt thòi cho các em không được cô nhận xét. Như vậy sẽ không khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh một cách toàn diện được.

    Cô Lưu Hồng Yến chia sẻ, “một khó khăn khác đối với các giáo viên, đó là việc nhận xét sao cho học sinh và phụ huynh thấy được quá trình học của các em thay đổi mà lời nhận xét đó không rơi vào tình trạng sáo rỗng lặp đi lặp lại. Với thang điểm 10, phụ huỵnh có thể thấy được sự thay đổi của các em thể hiện qua từng con số. Nhưng với việc đánh giá bằng lời, các giáo viên sẽ rất mất thời gian để lời phê dành cho các em không giống nhau và thay đổi mỗi ngày.Với các em có kết quả tụt dốc thì việc nghĩ ra lời phê để các em không tự ti mặc cảm và phụ huynh không hoang mang là rất vất vả”.

    Một vấn đề khác được cô giáo Nguyễn Thanh Huệ (trường Tiểu học Sao Mai – Hải Dương) phản ánh: “Mặc dù ý tưởng tốt nhưng quy định này cũng không tránh khỏi một số bất cập, như khi giáo viên viết nhận xét nhưng học sinh lớp 1 lại không thể đọc được lời nhận xét của cô, phần nhận xét đó chủ yếu dành cho…phụ huynh đọc, lớp 1 các em chủ yếu đang nhận mặt chữ, học đánh vần, việc đọc những dòng nhận xét là điều chưa thể làm ngay được. Hơn nữa, mặc dù cố gắng nhưng giáo viên cũng không tránh khỏi việc bị nhận xét trùng lặp, bởi thời gian đánh giá cũng phải sắp xếp để không bị lấn sang thời gian giảng dạy, ôn tập, việc này chỉ có thể cố gắng hạn chế hết mức mà thôi”.

    Giải quyết khó khăn này, nhiều trường đã có những cách cho điểm “biến tấu” rất sáng tạo, đó là sử dụng biểu tượng đi kèm nhận xét, những ngôi sao, mặt cười, bông hoa được quy định số lượng theo kết quả học tập của học sinh, khi nhận được các biểu tượng này, học sinh sẽ tùy theo số lượng của chúng mà biết mình làm tốt đến đâu. Có kèm nhận xét được giáo viên hoặc phụ huynh đọc lại trẻ sẽ nắm rõ hơn ưu, khuyết điểm của mình, từ đó tập trung phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.

    Một vấn đề khác cần quan tâm, đó là phổ biến quy định này với những người xung quanh trẻ. Từ trước đến nay, sử dụng điểm số để đánh giá kết quả học tập đã trở thành một thói quen, nếu sau khi trẻ về nhà mà nhận được những câu hỏi như “Hôm nay có được điểm 10 không?”, “Từ ngày đi học được bao nhiêu điểm 10 rồi?” mà trẻ lại không thể trả lời hoặc phải trả lời là “Cháu chẳng được điểm 10 nào cả!” rồi nhận sự ngạc nhiên từ người thân hoặc những người xung quanh thì sẽ dễ gây ra tâm lý hoang mang, bối rối, cho rằng việc không được điểm 10 là một điều gì đó không tốt, ảnh hướng xấu tới các em.

    Thông tư số 30 về Quy định đánh giá học sinh Tiểu học bằng lời sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014.

    Cụ thể nội dung đánh giá học sinh Tiểu học bao gồm: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;

    Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề;

    Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cham-diem-bang-loi-co-loi-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-a54130.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan