+Aa-
    Zalo

    Vì sao cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt?

    • DSPL
    ĐS&PL Ông Trần Bắc Hà - Cựu Chủ tịch HĐQT BIDV cùng 3 cựu cán bộ khác của ngân hàng này vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

    Ông Trần Bắc Hà - Cựu Chủ tịch HĐQT BIDV cùng 3 cựu cán bộ khác của ngân hàng này vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

    Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

    Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 22/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 46/C03-P13 về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV; cùng ngày đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với:

    1. Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV

    2. Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV;

    3. Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh

    4. Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh

    Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. Ảnh: Bộ Công an

    Về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với 03 bị can Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa; Áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thị Vân Anh.

    Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 04 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

    Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang khẩn trương điều tra, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

    Sau sự việc, nguyên lãnh đạo cao cấp và nguyên cán bộ ngân hàng bị bắt và khởi tố, cùng ngày, Ngân hàng BIDV đã ra thông cáo, nêu rõ: các vấn đề liên quan đến vi phạm của các cá nhân nêu trên xảy ra trước đây đã được BIDV chủ động báo cáo cơ quan chức năng xử lý, hỗ trợ làm việc với doanh nghiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng. BIDV sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

    Theo BIDV, "Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, với hệ thống quản trị theo chuẩn mực mọi hoạt động của BIDV luôn đảm bảo được duy trì liên tục, ổn định và phát triển, góp phần vào việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo cân đối vĩ mô của đất nước mà không bị ảnh hưởng của sự việc nêu trên", thông cáo của BIDV viết.

    Ngân hàng này cũng cho biết, đến nay mọi hoạt động kinh doanh luôn được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả. Đến cuối tháng 11/2018, BIDV cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

    Cụ thể, tổng tài sản BIDV đến cuối tháng 11/2018 đạt 1.255 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%; lợi nhuận tăng trưởng 18%; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tổ chức định hạng quốc tế Moody's nâng hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của BIDV từ mức b3 lên mức b2.

    Cùng đó, BIDV khẳng định hoạt động của toàn hệ thống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên.

    Bị can Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa. Ảnh: Bộ Công an

    Hồi tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng sau khi xác định ông Trần Bắc Hà có những vi phạm rất nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, trong đó có việc vi phạm quy trình, thủ tục phê duyệt một số khoản cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

    Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu tháng 9/2016, ông Hà có 35 năm gắn bó với ngân hàng BIDV. Ông Hà được xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank, với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng, và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại VNCB.

    Bị can Lê Thị Vân Anh. Ảnh: Bộ Công an

    Tuy nhiên, tại phiên xét xử vụ án này vào tháng 1/2018, khi được triệu tập đến toà với tư cách “người có nghĩa vụ liên quan”, ông Hà đã vắng mặt với lý do “xin ra nước ngoài chữa bệnh”.

    Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà được cơ quan điều tra xác định đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty này do Danh thành lập. BIDV sau đó cho biết đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay này.

    Đại diện VKS ít nhất ba lần đề nghị HĐXX triệu tập ông Hà và hai phó giám đốc của BIDV để làm rõ hành vi liên quan, tiếp tục điều tra công khai tại toà nhằm "tránh bỏ lọt tội". Do còn nhiều nội dung, tình tiết cần được làm rõ, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cuu-chu-tich-bidv-tran-bac-ha-bi-bat-a253145.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan