+Aa-
    Zalo

    Vì sao hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son?

    • DSPL
    ĐS&PL Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nên phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/4 tới sẽ bị hoãn lại.

    Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nên phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/4 tới sẽ bị hoãn lại.

    Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Dân Trí 

    Theo kế hoạch, ngày 13/4 tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

    Tuy nhiên, mới đây, TAND cấp cao cho biết, thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao về công tác phòng, chống dịch Covid-19, phiên tòa sẽ được tạm hoãn và chưa có kế hoạch xét xử trở lại.

    Trước đó, theo dự kiến, phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở ra do 11/14 bị cáo có đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao Hà Nội đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt, không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan.

    Tuy nhiên, đã có 2 bị cáo rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm.

    Ba bị cáo không kháng cáo là: Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng vụ Quản lý doanh nghiệp, bộ Thông tin và Truyền thông) và Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).

    Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại phiên toà phúc thẩm sẽ còn 9 bị cáo kháng cáo và 17 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

    Theo bản án sơ thẩm, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình (Dự án) theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

    Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, bộ TT&TT, công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG; trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.

    Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã có hành vi đưa hối lộ. Bốn bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã có hành vi nhận hối lộ.

    Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội “Vi phạm…”, chung thân về tội “Nhận hối lộ”; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

    Cùng bị tuyên phạt về 2 tội danh trên, bị cáo Trương Minh Tuấn nhận mức án 14 năm tù; bị cáo Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone) nhận 23 năm tù và bị cáo Cao Duy Hải chịu mức hình phạt 14 năm tù.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-hoan-phien-toa-xet-xu-phuc-tham-cuu-bo-truong-nguyen-bac-son-a318031.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan