+Aa-
    Zalo

    Vì sao không chất vấn 2 Bộ trưởng Y tế và Giáo dục-Đào tạo?

    • DSPL
    ĐS&PL Trong số 4 Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội không có hai “tư lệnh ngành” Y tế và Giáo dục - Đào tạo - hai lĩnh vực khá “nóng” hiện nay.

    Trong số 4 Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội không có hai “tư lệnh ngành” Y tế và Giáo dục - Đào tạo - hai lĩnh vực khá “nóng” hiện nay.

    Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, chiều 10/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội này. Cụ thể là các Bộ trưởng Công thương, Nội Vụ, Lao động Thương binh Xã hội và Giao thông vận tải.

    Vì sao không chất vấn Bộ trưởng Y tế và GD&ĐT?

    Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

    Căn cứ chọn 4 Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn dựa trên số lượng các câu hỏi đại biểu Quốc hội gửi về.

    Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân có mặt trong danh sách xin ý kiến đại biểu Quốc hội, song nhận được chất vất ít hơn nên sẽ không trả lời chất vấn.

    Trả lời phóng viên về hai “tư lệnh ngành” Y tế và Giáo dục - Đào tạo - hai lĩnh vực khá “nóng” hiện nay nhưng không trả lời chất vấn, ông Phúc cho biết, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến hai bộ trưởng trên không nhiều.

    Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Trong quá trình từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 này, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo cần quá trình, thời gian để tập trung tìm các giải pháp, thực hiện các kết luận chất vấn của Quốc hội.

    Bộ trưởng Y tế cũng đã giải trình tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1/4/2014) – có kết nối trực tuyến cho tất cả các đại biểu Quốc hội, ở tất cả các đầu cầu để trả lời chất vấn. Từ đó đến nay cũng chỉ được mấy tháng.

    Vừa rồi, qua phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội gửi về cho thấy, các câu hỏi liên quan đến Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo không nhiều như các bộ trưởng khác. Kết quả, các Bộ trưởng Công thương, Nội Vụ, Lao động Thương binh Xã hội và Giao thông vận Tải sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội này.

    Trả lời câu hỏi về nhiều ý kiến cho rằng, phần chất vấn và trả lời chất vấn nên ưu tiên làm trước khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Phúc cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm là việc đánh giá nhìn từ kỳ lấy phiếu trước cho đến kỳ lấy phiếu này.

    “Nếu lấy phiếu tín nhiệm sau khi khi chất vấn và trả lời chất vấn thì đương nhiên 4 bộ trưởng trả lời chất vấn lần này sẽ bị áp lực, không mang tính chất công bằng, khách quan. Cho nên lấy phiếu trước, chất vấn sau là hợp lý”, ông Phúc nói.

    Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 8 này, phiên chất vấn sẽ kéo dài thêm một buổi, 3 ngày so với 2,5 ngày như trước đây. Trong đó có một buổi sáng để Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn của các bộ trưởng từ đầu kỳ đến nay và Quốc hội sẽ thảo luận.

    “Các kỳ trước thì chỉ có các thành viên Chính phủ trình bày xong rồi thôi, không có trao đổi, thảo luận. Kỳ này dành một buổi sáng để thảo luận lại những nội dung liên quan đến việc thực hiện chất vấn của Quốc hội với Chính phủ”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-khong-chat-van-2-bo-truong-y-te-va-giao-duc-dao-tao-a68445.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan