Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Nhức nhối các kiểu “xẻ thịt” cho dịch vụ độc quyền hoạt động trong khuôn

    ĐS&PL Cắt “lốt” taxi, cổ phần xe cứu thương, dịch vụ tang lễ, đấu thầu trông giữ xe... tất cả các dịch vụ trên được nhiều bệnh viện “núp” dưới vỏ bọc “xã hội hóa” các dịch vụ.

    (ĐSPL) - Cắt “lốt” taxi, cổ phần xe cứu thương, dịch vụ tang lễ, đấu thầu trông giữ xe... tất cả các dịch vụ trên được nhiều bệnh viện “núp” dưới vỏ bọc “xã hội hóa” các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, “miếng bánh” màu mỡ này đang bị biến tướng thành chiến trường khốc liệt cho sự cạnh tranh của nhiều đối tác làm ăn. Và hậu quả, người bệnh sẽ lãnh đủ khi xung đột quyền lợi nổ ra...

    “Xẻ thịt” khuôn viên

    Theo ghi nhận thực tế của PV cũng như tìm hiểu qua lời cánh tài xế, câu chuyện bán “lốt” cho taxi hoạt động độc quyền tại một số bệnh viện lớn đang diễn ra phổ biến. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, việc “xẻ thịt” khuôn viên biến nơi đây thành bãi đỗ xe hoạt động “độc quyền” của taxi ABC diễn ra nhiều năm nay. Thậm chí, trong khuôn viên bệnh viện còn có vạch kẻ chỉ nơi dừng đỗ cho taxi ABC. Trong khi đó, hầu hết xe taxi ở hãng khác đều không thể bén mảng qua cánh cổng vào phía trong bắt khách.

    Taxi ABC xếp hàng độc quyền tại bệnh viện Nhi Trung ương.

    Một lái xe taxi ABC hoạt động tại bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, các xe của hãng ABC thường có hai hình thức: Một là tài xế sẽ sử dụng xe của công ty, hình thức này tài xế chỉ được nhận lương. Hình thức thứ hai là tài xế sử dụng xe cá nhân để hoạt động, do đó lái xe sẽ được quyền sử dụng thương hiệu, logo của hãng, tuy nhiên họ phải đóng tiền hàng tháng cho chính hãng ABC để hoạt động. Các xe này muốn hoạt động trong bệnh viện phải đóng tiền với mức từ 3-4 triệu đồng/tháng, gọi là mua “lốt”.

    Tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), theo quan sát của PV, bên trong cổng bệnh viện Việt Đức thậm chí còn có cả biển cắm thông báo điểm đón trả khách của hãng taxi và giá cả cụ thể. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo ĐS&PL qua điện thoại, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng bộ Y tế kiêm Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho hay “không có việc độc quyền” và sau đó không trả lời thêm.

    Không chỉ “xẻ thịt” khuôn viên bệnh viện cho các hãng taxi, tại nhiều bệnh viện, dịch vụ xe tang lễ cũng có các hoạt động ngầm và “độc quyền”. Việc cạnh tranh trong dịch vụ vận chuyển tang lễ cũng từng ghi nhận một cuộc chiến khốc liệt thậm chí giám đốc bệnh viện cũng vào vòng “thanh trừ” như vụ xảy ra tại bệnh viện Thanh Nhàn cách đây không lâu. Theo tài liệu từ cơ quan điều tra, việc ăn chia các khoản dịch vụ giữa bệnh viện với công ty là khá lớn, tỉ lệ 10\% ở dịch vụ tang lễ và 30\% đối với dịch vụ khám chữa bệnh, trên tổng doanh thu.

    Trở lại việc liệu có chuyện độc quyền trong cắt “lốt” taxi tại bệnh viện Nhi Trung ương hay không, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện xác nhận, việc ký hợp đồng với hãng taxi ABC với hình thức 6 tháng một lần, được công khai tới toàn thể công nhân viên bệnh viện. Theo lý giải của ông Hải, việc ký hợp đồng với hãng taxi ABC nhằm tránh tình trạng xe taxi dù. Tuy nhiên, trước sự việc gần đây khiến dư luận phản ứng, ông Hải cho rằng phải có chấn chỉnh hoạt động lại theo hướng đa dạng, xóa “độc quyền”.

    Tại buổi làm việc với bệnh viện Nhi Trung ương ngày 11/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh (bộ Y tế) đã yêu cầu bệnh viện cần làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban liên quan trong việc để xảy ra sự cố này, đặc biệt trong công tác giám sát, qua đó có hình thức xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, ông Khuê cũng nhấn mạnh, việc triển khai các hình thức cung cấp dịch vụ trong bệnh viện như xe cấp cứu, xe taxi vận chuyển người bệnh phải công khai, minh bạch về giá cả...

    Hỗn loạn trong dịch vụ trông xe

    Theo ghi nhận của PV tại một số bệnh viện lớn cũng cho thấy, tình trạng chặt chém tại các bãi giữ xe trong bệnh viện diễn ra công khai. Ghi nhận ngày 11/7 tại phố Triệu Quốc Đạt (cổng sau bệnh viện Phụ sản Trung ương), xe máy được xếp chật kín, chỉ để một phần nhỏ cho người đi bộ.

    Tương tự, tại bệnh viện K, đa khoa Xanh Pôn, Da liễu Trung ương... tấm biển “hết chỗ đỗ xe” luôn được đặt thường xuyên trước cổng bệnh viện. Ngay bên cạnh là các bãi đỗ xe mời chào người gửi xe với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/lượt. Lợi dụng việc thiếu chỗ đỗ xe, phía bên kia đường bệnh viện Mắt Trung ương (Bà Triệu), bệnh viện Việt Đức (Phủ Doãn) xuất hiện một số người chèo kéo giữ xe, khiến nhiều người dân phải cắn răng với mức giá gửi xe 10.000 – 20.000 đồng/lượt.

    Ngay cả những công ty được cấp phép đỗ xe cũng thu xe quá giá, cùng những tấm vé tái chế. Tại bãi giữ xe của công ty CP 901 trước cổng bệnh viện Việt Đức (phía Tràng Thi), nhân viên giữ xe cầm trong tay 1 tệp cuống vé đã xé. Mỗi xe máy vào, người này ghi số xe vào mặt sau của cuống vé đã sử dụng. Chỉ trong vòng nửa tiếng, với hơn 50 xe vào ra liên tục, người trông xe đã thu hàng trăm nghìn đồng.

    Trao đổi về vấn đề này với PV ĐS&PL, một đại diện bộ Y tế cho hay: Vấn đề liên quan đến việc hoạt động taxi hay chuyện sử dụng khuôn viên trong bệnh viện do chính bệnh viện và địa phương sở tại quản lý.

    NHẤT NAM – VI HẬU

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-nhuc-nhoi-cac-kieu-xe-thit-cho-dich-vu-doc-quyen-hoat-dong-trong-khuon-a139657.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan