+Aa-
    Zalo

    Viện kiểm sát đề nghị phạt Phạm Công Danh 20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù

    • DSPL
    ĐS&PL Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án 20 năm tù với Phạm Công Danh, 5-6 năm tù với ông Trầm Bê...

    Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án 20 năm tù đối với Phạm Công Danh, 5-6 năm tù với ông Trầm Bê...

    Sáng 22/1, sau 2 tuần xét hỏi, phiên tòa xét xử Trầm Bê - Phạm Công Danh và 44 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội các bị cáo. Các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà được ngồi vì lý do sức khỏe, các bị cáo khác đứng nghe.

    Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù, Trầm Bê từ 5 - 6 năm tù - Ảnh: Thanh Niên

    Sau khi đưa ra quan điểm luận tội, VKS đề nghị lần lượt các mức án với các bị cáo:

    Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án cũ là 30 năm tù.

    Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) bị đề nghị 13-15 năm tù cùng về tội danh trên. Tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.

    Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 11-13 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù.

    Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 4-5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 23-24 năm.

    Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) bị đề nghị 6-7 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 16-17 năm.

    Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 12-13 năm.

    Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù.

    Nguyễn Việt Hà ((Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.

    36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.

    Theo đại diện Viện kiểm sát, thời gian qua tại TP.HCM có nhiều vụ án về ngân hàng xảy ra, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, gây ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân.

    Vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm là một ví dụ điển hình, vì vậy đại diện Viện kiểm sát cho rằng cần xử lý nghiêm minh.

    Kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa những ngày qua đã làm rõ từ khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này ngày càng làm ăn thua lỗ, sau đó, Ngân hàng Nhà Nước đã phải đặt ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

    Đại diện Viện kiểm sát nhận định với nhiều thủ đoạn tinh vi, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã giúp Phạm Công Danh rút hơn 6.000 tỉ đồng của VNCB gửi vào 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank để đảm bảo cho 29 lượt công ty của Danh vay số tiển trên.

    Số tiền vay được được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, sau đó được chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng, gây thất thoát cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.

    Tại ngân hàng Sacombank, Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc) đã tin tưởng và chấp nhận ý kiến chỉ đạo của Trầm Bê, cho Phạm Công Danh vay 1.700 tỉ đồng dù biết ông này là Chủ tịch của VNCB.

    Khi hết hạn cho vay, Sacombank tự động trừ nợ số tiền 1.700 tỉ đồng trên tài khoản của VNCB gửi tại Sacombank, gây thất thoát cho VNCB số tiền 1.700 tỉ đồng.

    Tại tòa, bị cáo Trầm Bê khai theo nhận thức của bị cáo thì ông Danh có thể vay tiền tại Sacombank với điều khiện có tài sản đảm bảo.

    Đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Trầm Bê nhận thức chưa đúng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

    Sacombank không thẩm định kỹ khách hàng vay, không thẩm định phương án kinh doanh, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt cho Phạm Công Danh vay tiền, tạo điều kiện cho Danh sử dụng trái phép số tiền vay được.

    VKS nhận định các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang bị truy tố với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt tiền là đúng người, đúng tội, không oan sai.

    Theo Viện kiểm sát, trong vụ án này, Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới tại VNCB tùy vị trí vai trò để câu kết với nhau, móc nối với các ngân hàng khác để vay tiền rồi chiếm đoạt.

    Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2014, Danh cần tiền sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên bị cáo đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.

    Đồng thời, Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bão lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền của VNCB, với tổng số tiền hơn 6.126 tỉ đồng, trong đó, Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV hơn 2.550 tỉ đồng; Trầm Bê, Phan Huy Khang và một số nguyên cán bộ của 3 ngân hàng cũng bị đưa ra toà xét xử vì hành vi đồng phạm giúp sức Danh.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vien-kiem-sat-de-nghi-phat-pham-cong-danh-20-nam-tu-tram-be-5-6-nam-tu-a217200.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan