Viện Pasteur TP.HCM ra công văn khẩn sau khi Campuchia phát hiện ca nhiễm cúm A/H5N1


Thứ 7, 25/02/2023 | 14:59


Cùng sự kiện

Viện Pasteur TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các sở y tế 20 khu vực phía Nam tăng cường giám sát tình hình liên quan cúm A/H5N1 sau khi Campuchia phát hiện ca nhiễm.

Tờ Dân trí đưa tin, Viện Pasteur TP.HCM đã có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam nhằm có biện pháp tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm gia cầm A/H5N1.

Tin trong nước - Viện Pasteur TP.HCM ra công văn khẩn sau khi Campuchia phát hiện ca nhiễm cúm A/H5N1
Cúm A/H5N1 có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người. Ảnh minh hoạ

Theo đó, ngày 24/2, Viện Pasteur TP.HCM dẫn thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế cho hay tại tỉnh Prey Veng của Campuchia (tỉnh có đường biên giới với Việt Nam) bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N1 độc lực cao. Trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.

Trước tình hình trên, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị Sở Y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị/phòng ban trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống cúm A/H5N1. Cụ thể:

Tập trung giám sát phát hiện trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh.

Các đơn vị Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt người nhập cảnh đi đến ở từ vùng có dịch H5N1 và phối hợp cùng đơn vị Kiểm dịch động thực vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu và qua các đường mòn lối mở.

Ngoài ra, các trung tâm kiểm soát các tỉnh, thành phố phối hợp với chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành. Việc xử lý ổ dịch cúm gia cầm được thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người ra/vào/ở vùng có dịch cúm A/H5N1. Đồng thời, phối hợp với đơn vị kiểm dịch động thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và qua đường mòn lối mở.

Cuối cùng là triển khai ngay công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm như vệ sinh cá nhân. Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang.

Theo Tuổi trẻ, ngày 24/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tình hình cúm gia cầm là "đáng lo ngại" và đang làm việc với chính quyền Campuchia sau khi có hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người được phát hiện ở nước này trong một gia đình.

Theo Người lao động, năm 2022, tại Việt Nam cũng ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Trước đó, năm 2014, Bộ Y tế từng thông báo về 2 ca nhiễm A/H5N1 ở Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong sau đó. Từ năm 2003-2022, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Trong đó, năm 2013, nước ta ghi nhận số ca mắc cúm A/H5N1 và tử vong cao, đứng thứ 3 trong khu vực.

Các chủng virus độc lực cao có thể tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp. Chúng có thể sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 40 độ C nhưng nếu đông băng thì có khả năng sống nhiều năm. Ở nhiệt độ 37 độ C, chúng có thể sống đến 6 ngày trong phân gia cầm. Tỉ lệ biến chứng và tử vong ở người nhiễm cúm A/H5N1 rất cao, từ 50%-60% trường hợp mắc.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vien-pasteur-tp-hcm-ra-cong-van-khan-sau-khi-campuchia-phat-hien-ca-nhiem-cum-a-h5n1-a566978.html