+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đứng thứ 86 trên thế giới về mức chi phí sinh hoạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thuộc mức trung bình của Đông Nam Á và mức thấp của thế giới, theo xếp hạng của website lớn trong mảng dữ liệu về giá cả...

    (ĐSPL) - Chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thuộc mức trung bình của Đông Nam Á và mức thấp của thế giới, theo xếp hạng của Numbeo.

    Theo xếp hạng của Numbeo, website lớn trong mảng dữ liệu về giá cả trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 86 trên thế giới và thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về mức chi phí sinh hoạt.

    Chỉ số Chi phí sinh hoạt, hay còn gọi là Cost of Living Index, được tính dựa trên so sánh tương đối với chi phí sống tại thành phố New York, Mỹ. Vì vậy, Cost of Living Index của thành phố New York là 100 (100\%).

    Nếu một thành phố hoặc quốc gia khác có chỉ số là 120, điều này có nghĩa chi phí sinh sống tại thành phố hoặc quốc gia này đắt hơn New York 20\%. Tương tự, nếu một khu vực có chỉ số là 70, điều này có nghĩa chi phí sinh sống tại đó rẻ hơn thành phố New York 30\%.

    Trong 122 nước tham gia khảo sát năm nay của Numbeo (không bao gồm Mỹ), khu vực có Chỉ số Chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới là Bermuda, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong Bắc Đại Tây Dương. Thuỵ Sĩ xếp thứ 2 với 123,1 điểm; Bahamas xếp thứ 3 với 107,54 điểm. 3 quốc gia xếp cuối bảng lần lượt là Pakistan với 26,69 điểm, Moldova với 25,7 điểm và Ấn Độ với 24,14 điểm.

    Chỉ số Chi phí sinh hoạt của Việt Nam năm nay là 39,5 điểm. Con số này hơn năm ngoái 2,36 điểm khiến thứ hạng của nước ta tăng từ 98 lên 86.

    Trong khi đó, tại châu Á, Numbeo khảo sát 40 quốc gia. Đứng đầu các nước có chi phí sống cao nhất là Singapore với 83,67 điểm, tiếp đến là Kuwait với 81,62. Việt Nam xếp thứ 27/40, tăng một bậc so với năm ngoái.

    Việt Nam nằm trong nhóm có mức chi phí sống trung bình tại Đông Nam Á, xếp thứ 6/9, do Lào không xuất hiện trong bảng xếp hạng của Numbeo. (Ảnh minh họa).

    Việt Nam nằm trong nhóm có mức chi phí sống trung bình tại Đông Nam Á, xếp thứ 6/9, do Lào không xuất hiện trong bảng xếp hạng của Numbeo. Tuy nhiên, theo dữ liệu của trang này, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam đa phần rẻ hơn nước bạn.

    Cụ thể, giá tiêu dùng tại Lào cao hơn 35,31\% so với Việt Nam. Giá tiêu dùng bao gồm thuê nhà cao hơn 21,76\%; giá nhà hàng cao hơn 41,66\%; giá trong các cửa hàng tạp hoá cao hơn 45,28\%. Riêng giá điện và giá thuê nhà thấp hơn Việt Nam lần lượt là 36,46\% và 17,94\%.

    Kết quả của Numbeo dựa trên dữ liệu của gần 2,5 triệu giá cả của các mặt hàng.

    Bảng xếp hạng Chỉ số Chi phí sinh hoạt 2016 tại khu vực Đông Nam Á của Numbeo:

    1. Singapore - 83,67

    2. Brunei - 51,93

    3. Myanmar – 51,57

    4. Campuchia – 47,29

    5. Thái Lan - 40,02

    6. Việt Nam – 39,50

    7. Malaysia – 37,47

    8. Indonesia – 36,33

    9. Philippines – 34,73

    Trước đó, Báo cáo “Duy trì thành tựu ấn tượng của Việt Nam về cải thiện đời sống của người dân” do Công ty Tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) công bố ngày 22/3 tại Hà Nội cho biết, Việt Nam đứng vị trí thứ 4/149 quốc gia và vùng lãnh thổ về “năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân”.

    Dựa trên công cụ “Đánh giá phát triển kinh tế bền vững (Sustainable Economic Development Assessment – SEDA – cụ thể là đánh giá tính hiệu quả của việc chuyển đổi sự thịnh vượng về kinh tế, được đo bằng mức thu nhập, thành chất lượng cuộc sống của người dân, báo cáo của BCG cho biết, Việt Nam đang có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

    Cụ thể, trong bộ dữ liệu của BCG bao gồm 148 quốc gia và đặc khu hành chính Hồng Kông, Việt Nam được xếp ở vị trí trong nhóm quốc gia dẫn đầu về thành công trong chuyển đổi sự thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống.

    Điểm SEDA hiện tại của Việt Nam đang ở mức trung bình so với nhóm quốc gia được nghiên cứu, tuy nhiên, điểm tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây - yếu tố đánh giá sự cải thiện tương đối về chất lượng cuộc sống của người dân từ năm 2006 đến năm 2013 - lại nằm trong nhóm 20\% dẫn đầu.

    Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia trên toàn thế giới về khả năng chuyển đổi sự thịnh vượng của nền kinh tế thành chất lượng cuộc sống của người dân. Điều đó có nghĩa, với GDP bình quân đầu người (theo sức mua ngang giá PPP) khoảng 5.000 USD, người dân Việt Nam có chất lượng cuộc sống tương đương với người dân ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn 10.000 USD.

    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đạt trên mức trung bình thế giới xét trên khía cạnh chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng cuộc sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xem xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao, khoảng 7,1\% mỗi năm, trong giai đoạn từ năm 2006 - 2013.

    TUYẾT MAI (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-dung-thu-86-tren-the-gioi-ve-muc-chi-phi-sinh-hoat-a124643.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.