Vietnam Airlines nên xin lỗi phía Nhật Bản?


Chủ nhật, 30/03/2014 | 15:31


(ĐSPL) - Đây là ý kiến của một chuyên gia văn hóa về vụ nữ tiếp viên hãng hàng không này bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì nghi vận chuyển hàng ăn cắp.

(ĐSPL) - Trước tiên Vietnam Airline phải đứng ra nhận trách nhiệm khi không đào tạo, giáo dục và giám sát tốt nhân viên. Vietnam Airline nên xin lỗi phía Nhật Bản dù bất cứ lý do gì, nhận trách nhiệm toàn bộ, rồi mới về nhà xử lý, giáo dục lại nhân viên.

Đây là ý kiến của một chuyên gia văn hóa về vụ nữ tiếp viên hãng hàng không này bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì nghi vận chuyển hàng ăn cắp.

Tin tức - Vietnam Airlines nên xin lỗi phía Nhật Bản?
Ảnh minh họa.

Nhiều tiếp viên VNA dính nghi án

Ngày 26/3 vừa qua, một số tờ báo ở Nhật như Sankei Shimbun và Yomiuri Shimbun đồng loạt đăng tin về việc cảnh sát Tokyo bắt giữ Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1988, quốc tịch Việt Nam). Bích Ngọc được xác định là tiếp viên của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines. Theo đó, người này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng), trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến sân bay Quốc tế Kansai hồi tháng 9 năm ngoái.

Ngoài ra, cơ quan cảnh sát Nhật còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng có thể đã tham gia vào việc vận chuyển hàng ăn cắp. Trong số này, đã có 5 người bị thẩm vấn, bao gồm một phi công và 4 tiếp viên. Cũng theo cáo buộc của hai tờ báo trên, nữ tiếp viên Bích Ngọc được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật. Cảnh sát Nhật cho biết, nữ tiếp viên Ngọc đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định không biết số quần áo mình vận chuyển là hàng ăn cắp.

Được biết, vụ việc bị phát hiện vào ngày 26/2/2014 khi cảnh sát mở rộng điều tra qua các cuộc thẩm vấn những kẻ ăn cắp. Tháng 12 năm ngoái, một nhóm 4 thanh niên Việt Nam khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo gồm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, quần áo hiệu Uniqlo. Hàng được chuyển qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi các thành viên đoàn bay ở. Sau đó, người chuyển hàng nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng. Khi cảnh sát phát hiện, hàng ăn cắp vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị nơi bày bán sản phẩm.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, vào ngày 24/3, sau khi nhận được thông báo về việc nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc bị tạm giữ để phục vụ điều tra, chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản đã ngay lập tức liên hệ để nắm bắt thông tin. Cơ quan này cũng bày tỏ thái độ hợp tác làm sáng tỏ vụ việc nhưng cũng không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía cơ quan điều tra.

Cũng theo nguồn tin này, trong ngày 26/3, đại diện Vietnam Airlines đã có buổi làm việc với cơ quan cảnh sát Tokyo tại trụ sở chi nhánh văn phòng Vietnam Airlines để cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết hỗ trợ việc điều tra. Cũng trong chiều 26/3, một Phó TGĐ Vietnam Airlines cũng đã có buổi làm việc với A85 bộ Công an Việt Nam để tiếp tục phối hợp trong công tác điều tra.

Liên quan đến vụ việc đáng tiếc này, lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ khẩn trương tích cực hợp tác với các cơ quan điều tra. Quan điểm của Tổng công ty là không bao che, tránh né, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời dựa trên các nguồn tin xác thực.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Thời gian qua, dư luận tranh cãi khá gay gắt về bức tâm thư được cho là của một du học sinh ở Nhật Bản về thói xấu của người Việt được đăng tải trên các trang báo, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Thêm vào đó là những bức xúc xen lẫn xấu hổ của rất nhiều người Việt về việc nhiều nhà hàng ở Nhật Bản, Singapore, Thái Lan treo những tấm biển cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt, thì việc một nữ tiếp viên của Hãng hàng không Quốc gia bị cảnh sát nước ngoài bắt vì dính nghi án tuồn hàng ăn cắp về nước được ví như một cái tát vào lòng tự trọng của người Việt chân chính.

Những thông tin, bài viết về vụ việc trên trở nên nóng trên khắp các trang mạng, các tờ báo trong nước và thu hút rất nhiều độc giả quan tâm. Đằng sau mỗi bài báo ấy đều có rất nhiều bình luận của độc giả mà hầu hết trong số đó là kịch liệt lên án tội ăn cắp vặt của số ít người Việt, lên án hành vi hám lợi để rồi đánh mất hình ảnh chính mình, hình ảnh đất nước của nữ tiếp viên kia. Một bình luận trên tờ Vnexpress.net khiến không ít người phải suy nghĩ: “Các em đã làm cho cả thế giới biết đến Việt Nam... Cảm ơn các em! Đau đớn!!!”.

Bình luận có phần sâu cay ấy đã nói thay suy nghĩ, cảm nhận của nhiều người Việt về vụ việc trên. Đúng, đau đớn ở chỗ không phải là một người lao động nghèo khổ, kém hiểu biết phạm tội mà lại là một người được coi là đại diện hình ảnh cho Việt Nam đến với thế giới. Đau đớn ở việc không chỉ một người mà có nhiều người đã tham gia vào đường dây như vậy đang bị cảnh sát thẩm vấn. Hơn thế nữa, hình ảnh Việt Nam đang bị chính những người đó bôi bẩn bởi sự tham lam của mình.

Chuyện tiếp viên hàng không tiếp tay cho hàng xách tay từ nước ngoài về không phải là câu chuyện mới. Chính vì thế, từ ngày 17/3 Vietnam Airlines đã đưa ra chỉ thị tất cả các tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các đường bay ngắn, trung chỉ được mang cặp bay/vali xe kéo nhỏ. Tổng giám đốc VNA cũng yêu đầu đoàn bay, đoàn tiếp viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong việc mua và vận chuyển hàng hoá đặc biệt đối với các đường bay đi Nhật Bản, Nga, và châu Âu. Nghiêm ngặt cấm việc mang hành lý, vận chuyển hàng hoá sai quy định.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhà nghiên cứu văn hoá GS. Ngô Đức Thịnh tỏ ra thất vọng và buồn phiền về những thông tin mà báo chí đưa tin mấy hôm nay. Chuyên gia này thất vọng ở chỗ, nghi án nhận hối lộ của một số quan chức ngành đường sắt với đối tác Nhật Bản chỉ bị phanh phui khi phía Nhật tố. Nghi án tiêu thụ hàng ăn cắp có tổ chức của nữ tiếp viên hàng không VNA cũng chỉ bị phanh phui khi báo Nhật đưa tin.

“Là một tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Quốc gia, nghĩa là người trực tiếp tham gia vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thế nhưng lại đi tiếp tay cho những kẻ ăn cắp ở nước ngoài để rồi bị cảnh sát nước bạn bắt giữ. Như vậy, những người như thế liệu có xứng đáng với vai trò đó không? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những điều này?”, GS. Ngô Đức Thịnh chia sẻ. 

"Nên coi đó là một sự cố"

Có cái nhìn khả quan hơn, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng, đây là một chuyện đáng buồn nhưng cũng nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề để tìm hướng giải quyết tốt nhất. "Năm ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn, chúng ta không nên chỉ vì một vụ việc mà nâng quan điểm một cách khái quát thành một vấn đề nghiêm trọng", nhà thơ cho hay.

“Ở bất cứ nước nào cũng vậy, ngành nào cũng thế, có người này, người khác. Tôi đã từng sử dụng dịch vụ của nhiều hãng hàng không nhưng thấy chất lượng phục vụ của VNA là tương đối tốt và còn nhiều điểm hay hơn các nước khác. Sự việc diễn ra chỉ là một sự cố đau lòng, cần có những hỗ trợ về mặt tinh thần cho VNA để sau này họ phát triển tốt hơn trong việc quản lý nhân sự. Ở bất cứ nghề nào, ngành nào cũng có người không tốt về mặt này mặt khác, kể cả trong chùa, đền thờ nhiều nơi cũng có người đạo đức kém tồn tại. Tôi tin, làm thủ trưởng bất cứ cơ quan nào đều không ai muốn nhân viên của mình để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy. Xét đánh giá đạo đức của con người là cả một quá trình dài không chỉ căn cứ một vài sự việc. Ngay cả những nơi có sự giáo dục tốt nhất cũng có thể xảy ra chuyện tương tự. Chúng ta nên coi đó như một sự cố hơn là quy chụp bất cứ điều gì cho VNA", nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vietnam-airlines-nen-xin-loi-phia-nhat-ban-a27505.html