+Aa-
    Zalo

    VKS nhận định cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chủ mưu vụ "đất vàng" ở quận 1, TP.HCM

    • DSPL
    ĐS&PL Ngày 22/1, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử xem xét kháng cáo của cựu Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ bán rẻ "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) cho tư nhân.

    Ngày 22/1, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử xem xét kháng cáo của cựu Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ bán rẻ "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) cho tư nhân, theo Thanh Niên.

    dai an dat vang
    Bị cáo Phan Chí Dũng. Ảnh: Thanh Niên.

    Trước tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, tại phiên tòa này thân chủ của ông đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và mức án 11 năm tù mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.

    Luật sư đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến việc liên doanh liên kết của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như chủ trương thoái vốn và cho rằng hành vi này bị cáo Hoàng không cố ý làm trái các nghị quyết của Chính phủ. Cũng theo luật sư, con số thiệt hại trong vụ án là chưa phù hợp với thực tế, bị cáo Hoàng không phải là chủ mưu xuyên suốt…

    Đối đáp lại các quan điểm của luật sư, đại diện VKS cho biết, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Chính phủ, cũng như quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công thương cho thấy ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện công việc, tổ chức của Bộ Công thương.

    Việc sắp xếp, chuyển đổi mục đích đầu tư tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là một trong những nội dung do bộ trưởng phụ trách… Bộ phận quản lý vốn nhà nước chỉ thực hiện dựa trên ý kiến chỉ đạo của bộ Công thương. Từ quy chế làm việc, việc đồng ý về mặt chủ trương liên doanh liên kết thực hiện dự án trên khu đất là thuộc quyền quản lý của bộ trưởng. Sau đó, việc phê duyệt các văn bản, xác định cho thành lập liên danh mới, đồng ý cho thoái vốn, xác định giá sàn…, thể hiện ý thức của bị cáo là hoàn toàn cố ý, làm trái với các nghị quyết của Chính phủ.

    Từ đó, VKS xác định bị cáo Vũ Huy Hoàng phạm tội với ý thức chủ quan, hoàn toàn cố ý. Vì vậy, việc truy tố, xét xử đối với bị cáo là hoàn toàn phù hợp. Việc bị cáo Hoàng kháng cáo là không có cơ sở chấp nhận.

    Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho rằng bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh khách quan; hậu quả của vụ án đã được ngăn chặn kịp thời. Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ án, để xem xét giảm nhẹ hình phạt 9 năm tù.

    Đại diện VKS khẳng định, các bị cáo Dũng và Hoàng cùng bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện đang bỏ trốn) có hành vi làm trái quy định của Chính phủ. Thời điểm từ năm 2007 đến khi chuyển đổi, nhà nước nắm 90% cổ phần tại Sabeco và bản thân các bị cáo đã có sự phân công rất rõ về trách nhiệm của người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. VKS khẳng định bị cáo Dũng phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên.

    Đối với kháng cáo của các bị cáo Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó Giám đốc sở KH&ĐT TP.HCM; và Lê Quang Minh, cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng (sở KH&ĐT TP.HCM), các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo là mờ nhạt, không đáng kể. Theo đại diện VKS, việc tòa cấp sơ thẩm quyết định tội danh, áp dụng mức hình phạt dưới khung hình phạt là đã xem xét toàn diện các yếu tố đó. Trong đó, bị cáo Khôi bị tuyên phạt 5 năm tù, bị cáo Minh lãnh án 3 năm 6 tháng tù, cùng về tội danh “vi phạm quy định về quản lý đất đai”.

    Đánh giá tổng thể, toàn diện nội dung vụ án cùng hành vi của từng bị cáo, trong vụ án này, VKS xét thấy bị cáo Vũ Huy Hoàng là người chủ mưu, bị cáo Phan Chí Dũng là đồng phạm.

    Nhóm các bị cáo ở sở, ban ngành tham mưu cho UBND TP.HCM là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM). Hành vi sai phạm của các bị cáo là nối tiếp nhau, giúp sức theo từng lĩnh vực cụ thể trong công việc được phân công. Qua đó, giúp sức để phía UBND TP.HCM ra quyết định giao đất trái quy định pháp luật.

    Trước đó, xử sơ thẩm hồi tháng 4/2021,TAND cấp cao Hà Nội đã tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng 11 năm tù, Phan Chí Dũng 9 năm tù, cùng về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

    8 bị cáo còn lại cùng bị tuyên phạm tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Trong đó, ông Nguyễn Hữu Tín bị phạt 6 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án trước đó là 13 năm sáu tháng tù; Lâm Nguyên Khôi 4 năm 6 tháng tù; Đào Anh Kiệt 5 năm tù.

    HĐXX còn quyết định giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP.HCM xem xét xử lý theo quy định pháp luật, trên cơ sở không gây ảnh hưởng đến tài sản của nhà nước cũng như bên thứ ba, theo Pháp luật TP.HCM.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vks-nhan-dinh-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-giu-vai-tro-chu-muu-vu-dat-vang-o-le-duan-a526563.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan