+Aa-
    Zalo

    VKSND huyện Châu Thành phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án oan?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Khi cơ quan CSĐT công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Văn Lá, VKSND huyện Châu Thành (Long An) đã đồng tình, phê chuẩn.

    (ĐSPL) - Khi cơ quan CSĐT công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Văn Lá, VKSND huyện Châu Thành đã đồng tình, phê chuẩn. Do vậy, anh Lá mới bị bắt tạm giam và sau đó bị TAND huyện Châu Thành xử phạt 4 năm tù.

    Một công dân bị rơi vào vòng tố tụng suốt 22 năm

    Chỉ đến khi TAND tỉnh Long An xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung, thì vòng quay tố tụng của bị can Phan Văn Lá mới tạm dừng cho đến ngày Công an huyện Châu Thành đình chỉ vụ án vào ngày 12/9/2013.

    Anh Phan Văn Lá mòn mỏi chờ công lý.

    VKSND huyện Châu Thành (Long An) là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương. Theo quan điểm cá nhân tôi, VKSND huyện Châu Thành là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra oan sai cho anh Phan Văn Lá.

    Ngày 1/1/2010, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chính thức có hiệu lực pháp luật, nên anh Phan Văn Lá sẽ được xem xét, bồi thường oan sai theo quy định của luật này. Mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhìn nhận đây là vụ án hình sự oan sai, nhưng lại chưa có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Vì vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho anh Lá.

    Tại khoản 4, Điều 3 luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại hoặc cơ quan khác theo quy định của luật này. Đây không phải là một cơ quan xác định, chuyên giải quyết bồi thường, mà chính là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại (án oan sai).

    Trong trường hợp này, tôi cho rằng kiểm sát viên thụ lý vụ án đã chưa làm hết trách nhiệm trong việc giám sát việc thực thi pháp luật, để công dân Phan Văn Lá bị xử oan, bị giam giữ 449 ngày. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại phải yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại giải quyết bồi thường trước khi khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thụ lý đơn và tiến hành giải quyết bồi thường. Bồi thường là một quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cưỡng ép, ngăn cản bên nào, mà phải dựa trên cơ sở thoả thuận. Chính vì vậy, việc thương lượng giữa cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường và người bị án oan sai là cần thiết, nhằm tránh sự áp đặt của cơ quan công quyền, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

    Nếu người bị oan sai không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường hoặc quá thời hạn yêu cầu bồi thường không được giải quyết, thì có quyền nộp đơn khởi kiện ra toà án giải quyết vụ án bồi thường Nhà nước.

    Về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Việc xác định này dựa trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại. Tuy nhiên, trường hợp hai bên không thương lượng được với nhau (không thống nhất được cách thức bồi thường và mức bồi thường) thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường vẫn phải ra trách nhiệm bồi thường.

    Thông thường, người dính án oan sai sẽ bị thiệt hại cả về vật chất và tinh thần. Đánh giá thiệt hại về vật chất tương đối dễ dàng, nhưng đánh giá thiệt hại về tinh thần không phải là điều đơn giản. Ngoài các quy định của pháp luật, người bị án oan cần phải đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại của mình. Xin lưu ý, Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây: Do lỗi của người bị thiệt hại; Người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liều sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

    Theo Điều 5 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vksnd-huyen-chau-thanh-phai-chiu-trach-nhiem-chinh-trong-vu-an-oan-a83747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan