+Aa-
    Zalo

    Võ sư nức tiếng với bí truyền điểm huyệt trị bệnh xương, khớp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cuộc đời và sự nghiệp võ học của ông luôn gắn liền với hai chữ y đức theo cách trọn vẹn nhất.

    (ĐSPL) - Cuộc đời và sự nghiệp võ học của ông luôn gắn liền với hai chữ y đức theo cách trọn vẹn nhất.

    Trong vô vàn những căn bệnh hiểm nghèo, ông đặc biệt dành trọn tâm huyết nghiên cứu bài thuốc võ thuật chuyên trị các chứng về xương, khớp cho bệnh nhân. Đặc biệt hơn, ông đã nghiên cứu và áp dụng võ thuật vào việc chữa bệnh bằng cách điểm huyệt trị thương. Đó chính là võ sư, thầy thuốc Từ Huệ Xây.

    Con đường đến với nghiệp võ

    Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, võ sư Từ Huệ Xây (còn gọi là Mã Xây, SN 1954, quê TP. Cần Thơ), là con trai đầu trong gia đình nghèo gồm ba anh em, nhưng lại không may mắn như những đứa trẻ cùng thời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, vì thế, ông được một sư thầy người Hoa tên Tứ Trụ nhận về nuôi dạy, còn hai người em ở lại quê nhà với họ hàng, được nuôi dạy, cho đi học đến lúc trưởng thành.

    Võ sư Từ Huệ Xây.

    Ông lớn lên trong sự che chở của cha nuôi và những người dân nghèo tốt bụng. Cha nuôi của ông có võ thuật uyên thâm, sống trong môi trường “ăn võ ngủ võ” nên ngay từ lúc mới 3 tuổi, cậu bé Huệ Xây đã sớm tiếp xúc với các bài quyền cước cũng như những phương thuốc, bài thuốc bí truyền chuyên trị các chứng bệnh xương, khớp.

    Trong số 38 đệ tử theo học thầy Tứ Trụ, cậu bé Huệ Xây được thầy truyền lại nghề thuốc để nối nghiệp. Do thầy người Hoa, trò người Việt, nên ngôn ngữ có sự khác biệt. Vì bất đồng ngôn ngữ, nên Huệ Xây chuyển sang học thực hành là chính. Ban đầu, thầy cho cậu làm đi làm lại nhiều lần, đến độ nhuần nhuyễn, thuộc rành các vị trí gân, xương, khớp trong cơ thể, chỉ sờ nắn là biết sai, trật chỗ nào và sửa lại trong tích tắc thì mới thôi. Càng lớn, Huệ Xây càng tinh thông về võ nghệ, thì những kiến thức về liệu pháp chữa trị các bệnh về gân, xương, khớp ngày càng uyên thâm tường tận.

    Hơn 15 năm rèn đức, luyện võ và học bào chế thuốc chữa bệnh dưới sự dìu dắt của thầy, đồng thời cũng là cha nuôi của ông, Huệ Xây rời võ đường với lời dặn tâm huyết của cha: “Muốn trở thành người tốt, con phải ra đi và thực hành những gì con học được. Thầy đã trao cho con gân, xương của mọi người và con chỉ cần có lòng tốt, con sẽ sống. Phải giữ chữ Nhân trong cuộc đời, và dùng nó làm việc có ích”.

    Bài học đầu tiên ở trường đời với ông là cái đói, cái khát và bệnh tật của chính bản thân. Ông cảm nhận sâu xa cái khổ của kiếp con người. Ông nhớ lời thầy dặn phải luôn sống tốt, làm tốt giúp mọi người và tự nhủ lòng phải luôn xứng đáng là người đệ tử của thầy.

    “Thực sự khi đó tôi cũng chưa hiểu rõ lắm chữ Nhân trong võ của cha, chỉ đến khi vấp ngã trong cuộc đời, khi bà con khắp nơi tìm đến nhờ tôi chữa bệnh đều gọi tôi là thầy, có người còn gọi là “thần y”. Niềm vui lớn nhất của tôi đó chính là khi thấy nhiều người đến đây chữa đều hết bệnh, nhất là những người nghèo khó.

    Có lẽ, lúc này tôi mới thấu hiểu sâu xa lời dặn của thầy là phải luôn sống tốt và tự nhủ lòng mình luôn xứng đáng là đệ tử của thầy. Với tôi, đó như là nghiệp đã ăn sâu vào trong đời, vì thế phải gắn bó để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước này”, ông tâm sự.

    Võ sư, thầy thuốc của người nghèo

    Năm 1977, ông Từ Huệ Xây tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Năm 1982, ông được phân công làm bảo vệ ở lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông). Tối đến, ông dạy võ cho các anh em và chữa trị các bệnh về xương khớp cho học viên.

    Với các bài thuốc gia truyền do ông tự nấu lấy, học viên hết đau nhanh chóng, nhiều người giới thiệu thân nhân đến với ông nhờ cậy, ông không từ chối mà nhiệt tình giúp đỡ. Trải qua quá trình nghiên cứu y học, võ thuật và chữa bệnh, đến nay ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ môn sinh thành đạt và để lại những bài thuốc y học cổ truyền quý báu giúp đời.

    Video xem thêm:

    Võ sư 'khoe' khả năng chặt gạch, làm gãy thanh sắt bằng đầu

    Ông luôn tâm niệm, giàu tình cảm hơn là giàu tiền bạc. Chính vì am hiểu được triết lý sống ở đời, nên lúc nào ông cũng luôn hướng thiện, có tâm với những người nghèo. Từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ bé nơi ông đang ở tại phường Linh Đông (quận Thủ Đức, TP.HCM) ngày nào cũng đông người bệnh tới điều trị.

    Ông tự nấu thuốc, chữa trị cho các bệnh nhân và dạy đệ tử cùng phụ với mình để chữa bệnh cho người nghèo. “Người làm nghề võ phải có tâm từ, có tâm từ thì mới có tay phục dược, phải coi trọng, đối xử với bệnh nhân như đối xử với chính cha mẹ mình”, võ sư Từ Huệ Xây nói.

    Nhiều người ở xa, bệnh nặng, nhất là những người nghèo khó khi đến đây lúc nào cũng được sắp xếp bố trí ăn nghỉ miễn phí, cho tới khi nào người bệnh khỏe hẳn đi lại bình thường thì mới thôi. Ông Nguyễn Tiến Quyền (71 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Do tính chất công việc là HLV bộ môn thể thao mạo hiểm mô tô địa hình (mô tô bay), nên tôi thường xuyên bị thấp khớp.

    Từng đi tái khám ở bệnh viện Đa khoa Đà Lạt, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Cách đây không lâu nghe mấy người bạn thân ở quận Thủ Đức gọi về giới thiệu nói gần nhà có vị võ sư chữa khỏi bệnh này hay lắm mà không lấy tiền. Nghe vậy, tôi liền bắt xe từ Đà Lạt xuống TP.HCM rồi trực tiếp tìm tới nhà thầy Xây để trị bệnh. Đến nay, gần một tuần điều trị tại nhà thầy Xây, bệnh tình tôi đã giảm đi khá nhiều”.

    Võ sư, thầy thuốc Từ Huệ Xây đang chữa bệnh cho một bệnh nhân ở xa.

    Trường hợp bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi, quê Vĩnh Long) bị thoát vị đĩa đệm, gai cột sống cổ, điều trị hơn hai năm nay ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nhưng không hết. Cơ duyên bất ngờ đến, khi một ngày vừa qua con gái bà đang làm kế toán cho một công ty trên điạ bàn quận Thủ Đức, nghe danh có vị thầy chữa khỏi thấp khớp hay lắm.

    Vừa ăn Tết Nguyên đán xong, bà được con gái trực tiếp đưa xuống để điều trị. “Lúc mới xuống thầy nói bệnh này của tôi khá nặng phải mất bốn tuần mới hết, do nhà xa nên thầy đã tạo điều kiện cho ăn nghỉ miễn phí tại nhà để trị bệnh cho tiện. Nhưng chỉ sau một tuần điều trị đầu tiên, giờ đây tôi thấy mình đã khỏe mạnh hẳn ra, chắc vài ngày tới hết bệnh sẽ về lại Vĩnh Long để làm việc”, bà Hà phấn khởi nói.

    Hơn 30 năm trị bệnh cứu người, dấu chân và lòng nhân từ của võ sư Từ Huệ Xây dường như đã phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Và tất nhiên, họ đều là người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến tên ông là người ta lại liên tưởng và gắn tới cụm từ “võ sư, thầy thuốc của người nghèo”. Tất cả những điều ông đã làm đều xuất phát từ cái tâm mà theo ông đó là “duyên nghiệp” của một thầy thuốc. Cũng như việc cứu giúp nhiều người nghèo hết bệnh, là niềm vui hạnh phúc lớn nhất của vị võ sư già ấy. 

    Một tấm lòng nhân ái

    Ông Nguyễn Tích Thiện, Chủ tịch UBND phường Linh Đông, quận Thủ Đức nói: “Vốn nổi tiếng là một võ sư, Trưởng môn phái Thiếu lâm nam phái (xào quyệt) thuộc liên đoàn võ thuật TP.HCM, nhưng dường như ông Từ Huệ Xây luôn ẩn chứa tấm lòng bao dung, nhân ái. Bà con trong phường ai cũng quý và đánh giá cao về nét sống đẹp, cũng như cách trị bệnh cho nhiều bà con nghèo ở mọi nơi. Không những thế, nhiều năm qua ông ấy còn đi khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc để làm công tác từ thiện cho bà con nghèo ở những vùng miền còn gặp nhiều khó khăn”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-su-nuc-tieng-voi-bi-truyen-diem-huyet-tri-benh-xuong-khop-a86953.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan