+Aa-
    Zalo

    Vợ Trưởng môn phái Bình Định Gia vẫn sắp cơm đợi chồng về

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau hai ngày mất tích, thi thể võ sư Trần Hưng Quang, Trưởng môn phái Bình Định Gia được tìm thấy cách nhà hơn 1 km. Mỗi bữa ngồi trước mâm cơm, vợ ông vẫn như ngóng ông về cùng ăn.

    (ĐSPL)- Sau hai ngày mất tích, thi thể võ sư Trần Hưng Quang, Trưởng môn phái Bình Định Gia đã tìm thấy cách nhà hơn 1 km. Mỗi bữa ngồi trước mâm cơm, vợ ông vẫn như ngóng ông về cùng ăn.

    Sự ra đi ở tuổi 88 của ông đã để lại niềm thương tiếc vô hạn cho người thân và bạn bè.

    Quyền Trưởng môn phái Bình Định Gia sẽ do con dâu đảm nhiệm

    Chúng tôi tìm đến nhà gia đình võ sư Trần Hưng Quang vào một buổi chiều mưa Hà Nội, sau cái chết đột ngột của ông, người thân hiện đang gấp rút làm các thủ tục để lo hậu sự cho võ sư.

    Căn gác nhỏ tầng 5, ở khu tập thể C3, phường Thanh Xuân Bắc, nơi võ sư cùng vợ và gia đình con trai út đang sinh sống thường ngày vẫn râm ran tiếng cười, bỗng chốc hôm nay yên ắng lạ thường. Ngồi ở góc nhà với khuôn mặt thất thần, phía trước là mâm cơm với dăm ba miếng thịt kèm một bát canh, bà Nguyễn Thị Sơn, vợ của võ sư Trần Hưng Quang, nghẹn ngào: “Mâm cơm đã dọn sẵn, tôi vẫn đợi ông ấy về rồi mới ăn”.

    Chưa nói dứt lời, dường như có vật gì chẹn ngang cổ họng người bà, người mẹ, người vợ năm nay đã 80 tuổi. Dòng cảm xúc tự nhiên tuôn trào, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên má.

     Võ sư Trần Hưng Quang bên hai con nhỏ (ảnh tư liệu).

    Khi được hỏi, có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về võ sư trong những năm tháng hai vợ chồng gắn bó, bà Sơn liền nói: “Kỷ niệm nếu nói ra hết thì có thể viết được thành một quyển truyện. Có mặt với nhau 5 mặt con, con gái đầu năm nay đã 60 tuổi nhưng chưa bao giờ ông ấy nói nặng với tôi một lời”.

    Bà Sơn cho biết, sinh thời, võ sư Trần Hưng Quang theo nghề hát tuồng, thân phụ võ sư Quang là chủ một gánh hát. Năm lên 8 tuổi, võ sư đã theo cha vào cung đình biểu diễn. “Những vai để đời của ông như Trần Ngọc trong vở Trần Bình Trọng, Lý Thông trong vở Thạch Sanh và đặc biệt là vai Ốc trong vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến. Tuy ông có năng khiếu ca hát nhưng niềm đam mê của ông lại là võ thuật. Từ nhỏ ông đã được bố truyền dạy cho những chiêu thức cổ truyền của dòng họ, năm lên 13 tuổi danh tiếng của ông đã nổi tiếng khắp vùng”, bà Sơn chia sẻ.

    Đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945, võ sư Trần Hưng Quang đi theo du kích làm Cách mạng và đến năm 1954 thì cả gia đình tập kết ra bắc.

    Cả đời người, ông bà có với nhau được 5 người con (3 trai, 2 gái) nhưng chỉ duy nhất có người con trai thứ hai là Trần Hưng Hiệp là theo nghiệp võ của bố. Bà Sơn cho biết: “Trong 3 người con trai thì có Hiệp là giỏi võ nhất, nhưng vào năm 1996 Hiệp bị tai nạn giao thông đã qua đời rồi”.

    Hiện tại sau khi võ sư Quang mất, quyền Trưởng môn Bình Định Gia dòng họ Trần Hưng sẽ để lại cho con trai anh Hiệp, cháu sinh năm 1990. “Hiện tại cháu vẫn còn nhỏ nên chưa thể đảm nhiệm quyền Trưởng môn được nên tạm thời con dâu tôi là Lê Minh Thu (vợ của võ sư Trần Hưng Hiệp) sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò này”, bà Sơn cho biết.

    Cái chết đã được báo trước?

    Sự ra đi đột ngột của võ sư Trần Hưng Quang khiến nhiều người bất ngờ và thương xót, tuy nhiên đối với bà Sơn, dường như cái chết đã được báo trước cách đấy rất lâu.

    “Từ tết đến giờ ông ấy cứ đòi li dị tôi, bảo li dị để cho tôi đi lấy chồng. Cách đây 2 tháng, một hôm vào đúng 11h đêm ông ấy viết đơn bảo tôi ký, nhưng khi tôi ký thì ông ấy lại xé đi. Lấy nhau đã được hơn 60 năm, chưa bao giờ ông ấy xưng tao với tôi, khi trẻ xưng anh gọi em, về già- má nó, mẹ nó. Cách ngày ông ấy mất chừng ít hôm, vào buổi trưa ông ấy đi chơi về muộn, tôi bảo sao ông về muộn thế cơm canh nguội hết rồi, chỉ nghe đến đấy thôi ông ấy liền quát “mày vừa vừa thôi...”.

    Bà Nguyễn Thị Sơn thẫn thờ trước cái chết của chồng.

    Đem những chuyện trên kể với con dâu, con dâu tôi bảo: “Bố làm như thế để cho mẹ ghét, có lẽ bố con có điềm gở. Tôi không tin nhưng giờ ngẫm lại thì lại là sự thật”.

    Bà Sơn còn nhớ như in cái đêm võ sư Hưng đi khỏi nhà rồi gặp tai nạn, bà kể: “Mọi đêm ông ấy thường dậy ba đến bốn lần. Mỗi lần dậy mở cửa để ra ngoài nhà ông ấy thường đóng rất mạnh. Nhưng cái đêm hôm ấy, cánh cửa cứ êm như ru. Tôi thường dậy rất sớm, 4h sáng tôi dậy tập thể dục, tìm hết trong nhà đến những chỗ ông ấy thường đến nhưng không thấy. Tôi liền gọi cho thằng Long (con út của võ sư Hưng) đi tìm, nhưng cũng bặt vô âm tín”. 

    Ngồi bên cạnh mẹ với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ trong suốt những ngày qua, anh Trần Hưng Long, con trai út của võ sư Trần Hưng Nghiệp chia sẻ: “Từ hôm ông đi, gần như cả gia đình không ai chợp mắt. Sau khi thống nhất mọi ý kiến, gia đình quyết định sẽ chọn một mảnh đất để mai táng cho cụ. Sau 3 năm sẽ cải táng đưa cụ về với quê hương dòng họ”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-truong-mon-phai-binh-dinh-gia-van-sap-com-doi-chong-ve-a42141.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan