+Aa-
    Zalo

    "Vòi bạch tuộc" tín dụng đen "bức tử" người nghèo (kỳ 4): Thâm nhập “ổ” cho vay nặng lãi, lộ đường đi của những "ông trùm" giấu mặt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Càng đi sâu tìm hiểu, PV càng thấy rõ hoạt động lắt léo của các tổ chức này. Điều đặc biệt là con nợ rất khó tiếp cận các “ông trùm” tín dụng đen.

    Để vạch rõ thủ đoạn của những tổ chức cho vay tín dụng đen, PV báo ĐS&PL đã vào vai khách hàng cần vay tiền gấp. Càng đi sâu tìm hiểu, PV càng thấy rõ hoạt động lắt léo của các tổ chức này. Điều đặc biệt là con nợ rất khó tiếp cận các “ông trùm” tín dụng đen.

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 1)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 2)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 3)

    Gọi 1 cú, tiền sang tay?

    Trong vai người cần vay tiền, PV nhấc điện thoại và bấm vào một số mà nhiều người rỉ tai nhau là được giải quyết rất nhanh. Nghe điện thoại là giọng điềm đạm của một người đàn ông. Sau khi biết nhu cầu và mục đích của người gọi, người đàn ông hỏi địa chỉ nhà và hẹn 20 phút sau sẽ có người trực tiếp đến tư vấn và làm việc cụ thể. Đúng hẹn, một người đàn ông ăn mặc khá lịch thiệp xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu mình là “nhân viên” của anh Dũng (ông chủ của tổ chức cho vay mà PV đã gọi-PV). Với nhiệm vụ của một nhân viên tư vấn, nam thanh niên giới thiệu rằng công ty thường xuyên được khách hàng gọi đến nhờ hỗ trợ vay tín dụng.

    Theo anh này, so với các thủ tục rườm rà và yêu cầu khắt khe của ngân hàng thì vay tín dụng không cần thế chấp tài sản là một hình thức hiện được nhiều người dân tìm tới. Tiếp đó, anh này nêu rõ điều kiện cho vay của công ty mình: “Nếu có nhà và hộ khẩu tại TP.HCM, người vay sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng, nhưng nếu chỉ là nhà thuê trọ, khách chỉ được vay tối đa là 10 triệu đồng”.

    Khi biết PV đang ở trọ, nam nhân viên tỏ vẻ thất vọng. Tuy vậy, mọi giao dịch sau đó diễn ra nhanh chóng. Nhân viên này yêu cầu được cầm CMND và hộ khẩu của PV rồi hẹn giao tiền tại phòng trọ. Tiếp đến, PV được yêu cầu ký vào bản hợp đồng vay nợ với lãi suất là 1%/tháng. Đó là giấy tờ còn trên thực tế, lãi suất mà PV phải trả lên đến hơn 60%/tháng!

    Giấy nhận tiền của PV với đối tượng cho vay

    Giải thích về việc hợp đồng vay nợ bị nhân viên giữ lại, nam thanh niên cho biết “đó là quy định của công ty em”. Khi PV muốn biết cách thức trả tiền thì được nhân viên tư vấn cho biết: “Hàng ngày, sẽ có bộ phận đi thu tiền lãi đến thu tại nhà. Đến hạn hợp đồng, muốn trả hay đáo hạn cũng sẽ có bộ phận nhân viên đến tận nhà giúp, không phải đi lại vất vả, tốn kém”.

    Như vậy, có thể thấy, với “thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, các tổ chức tín dụng đen rất dễ dàng dụ dỗ “con nợ” vào tròng. Và một khi đã vướng “bẫy”, con nợ trở thành miếng mồi ngon, khó lòng thoát thân.

    Cũng bằng cách thức tiếp cận tương tự, PV tiếp tục gọi đến một công ty cho vay tài chính khác trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM. Khi biết PV muốn được đến gặp trực tiếp và cần “hỗ trợ tài chính”, ông này hỏi ngay: “Gia đình chắc đang có việc gấp? Em cần thì bên anh sẽ giúp đỡ nhiệt tình. Nếu cần ngay bây giờ, thì hẹn gặp nhau ở quán cà phê M. trên đường số 8 nhé. Em nhớ mang theo CMND và các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cho nhanh”.

    Theo yêu cầu, chúng tôi đến quán cà phê M.. Đó một quán cà phê kiểu sân vườn với không gian rộng và khá yên tĩnh. Đợi khoảng 5 phút thì chuông điện thoại di động của PV reo. Liền sau đó là một người dáng vẻ khá thư sinh xuất hiện và giới thiệu là nhân viên của công ty, nhận lệnh của ông chủ đến tư vấn và làm việc với khách hàng.

    Sau khi xem qua giấy tờ, anh này thắc mắc: “CMND có vẻ hơi cũ, không biết công ty có chấp nhận không?”. Nhưng khi PV nói tha thiết muốn được vay, anh này bảo phải gọi điện cho ông chủ rồi ra ngoài một lát. Trở lại chỗ ngồi, anh này cho biết, ông chủ đồng ý cho vay với điều kiện PV phải để anh ta chụp hình hiện tại và lưu lại máy rồi về báo cáo.

    Biết không thể dừng được, PV đành phải đồng ý. Bản hợp đồng nhanh chóng được đưa ra với lãi suất có vẻ mềm là 1%/ tháng. Nhưng qua trao đổi, số tiền lãi thực mà người vay phải trả là hơn 20%/tháng. Dẫu sao, với mức vay đó cũng “rẻ” hơn công ty trước. Nam nhân viên này cho biết: “Sở dĩ phải chụp hình như vậy vì cũng có nhiều trường hợp khách hàng “bùng” nợ, bỏ trốn...

    Cho vay lắt léo, thỏa thuận chỉ bằng... miệng

    Qua tìm hiểu, PV nhận thấy, các công ty này có tổ chức khá chặt chẽ và hoạt động rất tinh vi. Thường cầm đầu các đường dây, tổ chức này sẽ có một tay anh chị có số má và cực kỳ liều lĩnh. Chịu sự điều hành trực tiếp ở bên dưới là đội ngũ “tư vấn viên” giúp làm và thực hiện ký hợp đồng. Dưới nữa là những người chuyên đi thu tiền lãi.

    Và nếu con nợ có ý chây ỳ hoặc trả chưa đúng hạn sẽ có một nhóm những tên bặm trợn, hung hãn làm nhiệm vụ đe dọa, thậm chí đánh dằn mặt con nợ. Điều tinh vi là các công ty, đường dây này nhất quyết không cho con nợ tiếp cận nơi làm việc cụ thể của mình mà thường cử nhân viên trực tiếp đến nhà “con nợ” làm việc, hoặc sẽ hẹn nhau ở... quán cà phê.

    Số lãi suất “cắt cổ” sẽ không bao giờ được các công ty cụ thể hóa trên hợp đồng mà thường thỏa thuận bằng miệng. Thay vào đó, các đối tượng, tổ chức này chỉ ghi “danh dự” 1% trên hợp đồng. Dù không thỏa thuận thì con nợ vẫn phải chấp nhận vì đó là cách duy nhất để vay được tiền.

    Tiếp tục thâm nhập đường dây cho vay với lãi suất “cắt cổ”, lần này PV lại vào vai một tiểu thương. Thay vì gọi điện như các lần trước, PV nhắn tin vào số điện thoại được dán trên cột điện. Với điều kiện đã có nhà cửa đàng hoàng ở TP.HCM, PV yêu cầu được vay gấp 30 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng và được người cho vay đồng ý.

    Với khoản vay này, lãi suất mà PV phải chịu lên đến 200%/tháng. Tỏ vẻ đắn đo vì số tiền lãi “quá khủng”, PV yêu cầu rút ngắn thời hạn vay xuống còn 10 ngày. Không chút đắn đo, nhân viên công ty tài chính nhẩm tính lãi suất cho 30 triệu đồng trong 10 ngày là: “150.000/10 triệu/1 ngày. Vị chi 30 triệu đồng/10 ngày sẽ hết 4,5 triệu đồng tiền lãi”!

    Với lý do sợ không đủ khả năng trả lãi nên cần suy nghĩ tiếp chuyện vay tiền, PV xin hẹn sẽ gọi lại sau thì người này tỏ vẻ khó chịu. Anh ta bực bội nhắn lại: “Em cứ vay đâu thì vay, còn nếu vay bên anh thì hẹn gặp nhau trực tiếp rồi trao đổi cụ thể, nhắn tin như thế này mệt”.

    Có vào vai “thượng đế” mới hiểu hết những chiêu trò và mánh khóe mà các tổ chức tín dụng đen dùng để dụ dỗ và thắt chặt “con mồi”. Ban đầu là những lời lẽ rất nhẹ nhàng, hấp dẫn, khi con mồi đã vào lưới, chúng dễ dàng điều khiển theo ý muốn của mình.

    Theo tìm hiểu của PV, với cách cho vay lắt léo, những người cho vay thu về bộn tiền. Thậm chí, chúng không ngại dùng đến bạo lực và sẵn sàng dồn con nợ đến đường cùng. Các đường dây cho vay nặng lãi như thế đã và đang tìm cách vươn vòi vào mọi ngõ ngách trong đời sống của người dân, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đó cũng là một thách thức lớn cho cơ quan chức năng khi bọn chúng hoạt động rất tinh vi và phức tạp.

    (Còn nữa...)

    Nhóm PV điều tra

    Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời sống & Pháp luật số 151

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/voi-bach-tuoc-tin-dung-den-buc-tu-nguoi-ngheo-ky-4-tham-nhap-o-cho-vay-nang-lai-lo-duong-di-cua-nhung-ong-trum-giau-mat-a255565.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan