+Aa-
    Zalo

    Vụ bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón ở Bắc Ninh: Cần làm rõ lỗi của cá nhân, tổ chức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón ở Bắc Ninh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của các cơ sở giáo dục có dịch vụ đưa đón học sinh.

    Việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón ở Bắc Ninh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của các cơ sở giáo dục có dịch vụ đưa đón học sinh phải làm sao đảm bảo tuyệt đối an toàn khi đưa đón trẻ đến trường, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

    Cơ sở mầm non xảy ra vụ việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón. Ảnh: Dân Việt 

    Mới đây, thông tin về vụ việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón suốt 7 tiếng ở Bắc Ninh đang được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con nhỏ đến trường bằng phương tiện xe đưa đón.

    Trao đổi với PV báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng như thế này xảy ra, trước đó, đã xảy ra một vụ tượng tự tại trường tiểu học Gateway (Hà Nội). May mắn, vụ việc này xảy ra không gây hậu quả nghiêm trọng, cháu bé bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu sức khỏe đã dần ổn định.

    Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vinh cho rằng, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, hậu quả và trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ xác định mức độ thương tích, tổn hại sức khoẻ của nạn nhân, làm rõ lỗi của cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét trách nhiệm pháp lý.

    Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho ý kiến, vụ việc học sinh tử vong tại trường Gateway chưa hết bàng hoàng, việc giải quyết vẫn còn tiếp diễn thì lại xảy ra vụ việc bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe tại Bắc Ninh khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng.

    Trong trường hợp này, nạn nhân may mắn không tử vong, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa xảy ra nên cơ quan chức năng cần điều tra và làm rõ các yếu tố có liên quan để truy cứu trách nhiệm.

    Nếu kết quả xác minh cho thấy người có trách nhiệm đưa đón học sinh có lỗi bỏ quên học sinh này và hậu quả tổn thương cơ thể nạn nhân từ 31% trở lên thì người có lỗi vô ý sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

    Tuy nhiên, theo luật sư Cường, những vụ việc như thế này không chỉ tác động đến gia đình có nạn nhân mà còn có thể gây cáo trộn đến đời sống của nhiều gia đình. Nhiều bậc phụ huynh sẽ không dám cho con đi xe buýt của nhà trường hoặc của các đơn vị vận tải.

    Việc đưa đón con sẽ trở nên nan giải, khó khăn hơn với các phụ huynh khi không phải ai cũng có đủ thời gian, điều kiện để đưa đón con hàng ngày. Bởi vậy nâng cao trách nhiệm của nhà trường về vấn đề đưa đón học sinh và siết chặt công tác quản lý về lĩnh vực này là cần thiết để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng như thế này gây hoang mang trong xã hội.

    Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội. 

    Như đã thông tin trước đó, cháu Nguyễn T.L. (tên thường gọi là Q., SN 07/9/2016 ở Đông Sơn, Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh) được phát hiện bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ-Rê-Mí ở thôn Đoài, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

    Được biết cơ sở do chị Dương Thị Hợp (SN 1977, trú tại Nghĩa Chỉ, Minh Đạo, Tiên Du, Bắc Ninh) làm chủ.

    Kết quả điều tra ban đầu xác định: Ngày 13/9/2019, anh Nguyễn Công Tỵ (chồng chị Hợp, SN 1976) phụ trách lái xe ôtô đưa đón trẻ có đăng ký dịch vụ của cơ sở, một mình điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Ford Transit, BKS 99B - 010.08, đi đón các cháu trong danh sách đưa đón.

    Khi về đến cơ sở Đồ-Rê-Mí, anh Tỵ đỗ xe trước cửa và phối hợp với các cô giáo phụ trách đưa các cháu lên lớp. Thời điểm này trên xe còn cháu L. ở hàng ghế dưới nên không ai phát hiện.

    Sau đó anh Tỵ đánh xe đỗ lên vỉa hè phía trước cửa cơ sở Đồ-Rê-Mí (dưới gốc cây và mở hé cửa kính ghế lái xuống 10cm) rồi đi làm việc cá nhân. Đến 15h45 cùng ngày, anh Tỵ ra đánh xe chuẩn bị đưa các cháu về nhà thì phát hiện có 1 chiếc quần bò của cháu L. ở ngay trước sàn cửa tự động nên trèo lên xe kiểm tra, phát hiện cháu L. nằm ngửa ở sàn để chân của hàng ghế thứ 3 từ trên xuống.

    Ngay sau đó, cháu L. được đưa ra phòng khám ở thôn Đoài, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh sơ cứu, sau đó được đưa lên Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh và Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu, điều trị. Hiện sức khỏe của cháu L. đã ổn định và đang được theo dõi các di chứng khác.

    Được biết, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Du tập trung điều tra làm rõ vụ việc, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

    Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Bộ luật hình sự năm 2015)

    1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

    3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

    Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự thì Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

    1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

    2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
    Như vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hậu quả thiệt hại, tổn thương sức khỏe với nạn nhân, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc đưa đó và nguyên nhân của vụ việc để có hình thức xử lý phù hợp.

    Thủy Tiên 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-be-3-tuoi-bi-bo-quen-tren-xe-o-to-dua-don-o-bac-ninh-can-lam-ro-loi-cua-ca-nhan-to-chuc-a293054.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan