+Aa-
    Zalo

    Vụ bé 6 tuổi ngộ độc sau tiệc Trung thu: Nghi vấn lý do bánh su kem có thể nhiễm khuẩn

    (ĐS&PL) - "Chúng ta cần chờ cơ quan chức năng kết luận chính thức vụ việc, bánh su kem nghi nhiễm khuẩn ở khâu nào, để từ đó khắc phục, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra", Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết.

    Liên quan đến vụ 50 người đau bụng, tiêu chảy và 1 bé gái tử vong do Ngộ độc, cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh, hiện chưa ghi nhận sai phạm. Đến ngày 5/10, vẫn còn 17 trẻ điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

    Báo VietNamnet đưa tin, cơ quan chuyên môn nhận định nguyên nhân vụ ngộ độc đêm Trung thu có khả năng cao do bánh su kem ăn trong buổi tiệc bị nhiễm khuẩn.

    Kết quả cấy mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhi tại một phòng khám tư cho thấy có vi khuẩn Salmonella. Mẫu bánh còn dư đã được lấy để kiểm nghiệm.

    Trả lời báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết vẫn đang chờ các kết quả kiểm nghiệm liên quan.

    "Chúng ta cần chờ cơ quan chức năng kết luận chính thức vụ việc, bánh su kem nghi nhiễm khuẩn ở khâu nào, để từ đó khắc phục, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Tại thời điểm này, tôi đánh giá nguy cơ mới chỉ phát hiện ở khâu bảo quản", báo VietNamnet dẫn lời bà Lan nói.

    vu be 6 tuoi ngo doc sau tiec trung thu nghi van ly do banh su kem co the nhiem khuan dspl 2
    Bà Phạm Khánh Phong Lan trong một buổi họp báo và hình ảnh bé 4,5 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi ăn bánh su kem. Ảnh: VietNamnet

    Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phân tích hơn 200 chiếc bánh su kem được xưởng sản xuất trong ngày, đóng gói riêng từng chiếc, phân phối đến cửa hàng. Bánh được người mua lấy từ cửa hàng lúc 10h (ngày 29/9), đến chiều tối mới mở tiệc. Suốt khoảng thời gian này, bánh su kem được lưu trữ trong quán cà phê của người đặt mua.

    “Trong quán cà phê bật máy lạnh, thông thường cao hơn 20 độ. Đây cũng là một nguy cơ đối với bảo quản bánh su kem. Bánh mà bé 6 tuổi ăn (đã tử vong) bị 2 lần nguy cơ: để ở quán cà phê và qua đêm ở nhà trọ, không trữ lạnh. Ngộ độc xảy ra trên trẻ nhỏ, sức khỏe yếu ớt nên hậu quả nghiêm trọng hơn”, bà Lan chia sẻ suy đoán của mình.

    Điểm khó khăn là thời gian lấy mẫu kiểm nghiệm quá muộn. Đêm tổ chức tiệc Trung thu là ngày 29/9 nhưng đến tận ngày 3/10, cơ quan chuyên môn mới lấy 2 bánh su kem còn dư của cư dân và bánh lưu mẫu của công ty (sản xuất ngày 29/9) đưa đi kiểm nghiệm.

    Bà Lan cho rằng kết quả sẽ không chính xác 100% vì bánh su kem là loại thực phẩm ăn trong ngày. Nếu mẫu dương tính cũng khó biết bánh đã nhiễm khuẩn từ lúc xảy ra sự việc hay nhiễm vào những ngày sau đó.

    Người đứng đầu Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nói thêm công ty sản xuất và cung ứng bánh su kem trong vụ việc đã trải qua 3 đợt kiểm tra trong năm 2023. Cụ thể gồm: đợt kiểm tra để thẩm định cấp lại giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh ngày 21/4; đợt kiểm tra khi tham gia sản xuất bánh Trung thu; đợt kiểm tra định kỳ hằng năm.

    vu be 6 tuoi ngo doc sau tiec trung thu nghi van ly do banh su kem co the nhiem khuan dspl 2
    Tổ công tác Sở Y tế làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh về trường hợp tử vong và các trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VTC News

    Thông tin về sự việc trước đó, VTC News đưa tin, chiều 29/9, chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức Tết Trung thu cho các bé sống tại đây. Chị U. (mẹ bé N.) được cư dân cho 2 bánh Trung thu, ban tổ chức cho bánh su kem mang về. 22h, chị mang bánh về phòng trọ, để bên ngoài (không bảo quản trong tủ lạnh).

    Sáng 30/9, cả nhà chị cùng ăn bánh. Sau đó chị U. cùng với con trai 19 tuổi, bé gái N. bị nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.

    Chị U. và 2 con đi khám tại phòng khám gần nhà, mua thuốc về uống, nhưng các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy của 3 mẹ con không thuyên giảm.

    Thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chiều 1/10, bé được đưa tới bệnh viện khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa thuốc ra về (kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa).

    Đến 21h, bé tím môi, mặt tăng dần kèm bứt rứt. 23h gọi bé không phản ứng, sau đó người nhà đưa lại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu lúc 23h46 phút. Bé nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không nghe được nhịp thở, mạch đùi không bắt được, nhịp tim không nghe được và huyết áp không đo được.

    Da bé lạnh, tím tái toàn thân; đồng tử 2 bên 5mm, phản xạ ánh sáng âm tính và mất hết các phản xạ toàn thân. Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công.

    Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong trước nhập viện. Bệnh viện đã mời công an địa phương đến và bàn giao vụ việc.

    Thủy Tiên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-be-6-tuoi-ngo-doc-sau-tiec-trung-thu-nghi-van-ly-do-banh-su-kem-co-the-nhiem-khuan-a594224.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan