Vụ đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển: Có dấu hiệu giả mạo về hình thức


Thứ 2, 24/07/2017 | 02:58


Luật sư Ngọc Bảo cho biết, nếu có việc Công ty điện lực Vĩnh Tân tự điền tên 3 nhà khoa học vào dự án đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển thì họ đã có dấu hiệu giả mạo về hình t

Luật sư Ngọc Bảo cho biết, nếu có việc Công ty điện lực Vĩnh Tân tự điền tên 3 nhà khoa học vào dự án đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển thì họ đã có dấu hiệu giả mạo về hình thức. 

Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống khu bảo tồn biển Hòn Cau (thuộc xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) đang khiến dư luận rất quan tâm. Đặc biệt, mới đây Bộ TN-MT đã ký giấy phép số 1517 chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện dự án này.

Tuy nhiên trong một diễn biến liên quan, chia sẻ trên báo Vietnamnet, Tiến sĩ Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật biển VN cho biết tên tuổi của ông bị mạo danh, lợi dụng... trong dự án này.

Ngoài ông An, đến nay còn 2 thạc sĩ khác có tên trong danh sách tham gia dự án đã lên tiếng phản ứng, cùng lý do tương tự. 

Theo đó dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển, do công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 làm chủ dự án, đơn vị tư vấn là Công ty tư vấn xây dựng cảng biển VN. Trong hồ sơ dự án nêu danh sách thành viên tham gia gồm 14 người với đầy đủ chức danh học hàm, học vị, chuyên ngành và đơn vị công tác. Tiến sĩ Nguyễn Tác An đứng đầu danh sách.

 - Vụ đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển: Có dấu hiệu giả mạo về hình thức


Sơ đồ khu vực nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Vĩnh Tân.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định: “Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết được thông tin có tên mình trong danh sách những người thực hiện dự án. Tôi chưa từng tham gia vào dự án này với bất kỳ hình thức nào. Trước giờ chưa có đơn vị nào mời tôi tham gia dự án; tôi chỉ phản biện qua kênh thông tin báo chí”.

Luật sư Tạ Ngọc Bảo – Đoàn Luật sư Hà Nội.

Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Tạ Ngọc Bảo – Đoàn Luật sư Hà Nội để tìm hiểu vụ việc dựa trên vấn đề pháp lý.

Luật sư Ngọc Bảo cho hay, trước hết, Công ty điện lực Vĩnh Tân là chủ đầu tư dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống khu bảo tồn biển Hòn Cau (khu vực này được đánh giá là đa dạng sinh học và cần được bảo tồn). Để thực hiện được dự án, họ phải mời các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra đánh giá tác đồng môi trường. Từ cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học, họ trình dự án lên Bộ Tài nguyên Môi trường để xin cấp phép. Trên thực tế, dự án đã được Bộ cấp phép thực hiện.

“Tuy nhiên, thông tin báo chí đăng tải, có tới 3 trên 14 nhà khoa học  nằm trong dự án khẳng định mình bị giả mạo và lợi dụng tên tuổi. Nếu có việc Công ty điện lực Vĩnh Tân tự điền tên 3 nhà khoa học vào dự án thì họ đã có dấu hiệu giả mạo về hình thức. Có thể 3 nhà khoa học trên không nghiên cứu trong dự án, nhưng chủ đầu tư tự đưa vào nhằm muc đích riêng. Về mặt hình thức thì dự án này không đủ căn cứ thực hiện.” – Luật sư Bảo phân tích.

Luật sư Ngọc Bảo cho biết thêm: “Nếu trong dự án, họ đưa ra việc đánh giá tác động môi trường là an toàn thật (dù không có nghiên cứu của 3 nhà khoa học đã nêu) thì đó chỉ là lỗi hình thức nên chỉ bị xử lý hành chính hoặc rút kinh nghiệm… chưa đến mức rút giấy phép. Tuy nhiên, nếu việc đánh giá tác động môi trường là sai và khi thực hiện dự án gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo (chuyển sang tội hình sự) về mặt nội dung.”

Luật sư Bảo cho rằng, với Bộ Tài nguyên Môi trường, họ đánh giá dự án dựa trên nguồn tư liệu, báo cáo, phản biện khoa học của chủ đầu tư để tiến hành cấp phép. Tuy nhiên, trong trường hợp này, báo cáo của chủ đầu tư có dấu hiệu mập mờ khi 3 trên 14 nhà khoa học khẳng định họ không thực hiện dự án.

“Như vậy, về mặt hình thức dự án này là sai. Từ đó Bộ Tài Nguyên Môi trường có thể yêu cầu tạm dừng, hoặc thu hồi luôn dự án đó để xem xét tính chính xác.” – Luật sư Bảo kiến nghị.

Trước đó, Hội Nghề cá vừa có kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện cấp phép của Bộ TN&MT về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải. Đồng thời, thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép 1517 của Bộ TN&MT, đặc biệt là tính khách quan, trung thực, tính đại diện của Bộ này.

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-do-1-trieu-m3-bun-xuong-bien-co-dau-hieu-gia-mao-ve-hinh-thuc-a196868.html