Vụ gian lận thi cử rúng động Sơn La: Hé lộ danh tính “sếp” có con em đi thi


Chủ nhật, 24/05/2020 | 08:51


Tại phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Sơn La, nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục khai bị bắt đi sửa điểm vì có một số con, em của sếp thi

Tại phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Sơn La, nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục khai bị bắt đi sửa điểm vì có một số con, em của sếp thi.

Theo tin từ Người Đưa Tin Pháp luật, ngày 24/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục “nóng” với phần xét hỏi của các luật sư dành cho các bị cáo để làm rõ những nội dung mâu thuẫn trong vụ gian lận thi cử gây rúng động tỉnh này.

Tham gia xét hỏi, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến) đề nghị HĐXX cho hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.

“Trong phần trả lời VKS và luật sư, bị cáo nói Trần Xuân Yến muốn xem điểm thì có thể xem bất cứ lúc nào cũng được, vậy theo bị cáo, Yến có thể xem thế nào?”

Trả lời câu hỏi của luật sư Thanh, bị cáo Nga nói: “Khi kết thúc chấm thi trắc nghiệm, anh Yến muốn xem có thể nhờ bị cáo ngồi trên máy xem cho; hoặc bảo bị cáo mở sẵn máy để xem”.

“Như vậy vẫn phải thông qua bị cáo”, luật sư Thanh chốt lại trước khi chuyển sang câu hỏi khác.

“Trên thực tế, sau khi có điểm của 13 thí sinh có trùng với số điểm mà bị cáo Yến bảo bị cáo sửa theo không?”, luật sư Thanh hỏi. Bị cáo Nga trả lời “Không nhớ rõ”.

Trả lời câu hỏi tiếp theo của luật sư “bị cáo nói Yến chỉ đạo sửa nâng điểm bài thi, vậy Yến chỉ đạo như thế nào?”, Nga nói: “Trước ngày thi, Yến gọi bị cáo lên phòng, bảo năm nay có con em của “sếp” thi, việc này bắt buộc phải làm và hỏi muốn nâng điểm thi trắc nghiệm thì làm thế nào, bị cáo hiểu đây là chỉ đạo”.

Tại phiên tòa, bị cáo Nga trả lời luật sư bào chữa về việc hiểu “sếp” ở đây là ai. Bị cáo Nga cho biết: “Tôi hiểu ở đây “sếp” tức là sếp Đức (ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La).

Trước đó, cho rằng ông Hoàng Tiến Đức có vai trò quan trọng trong vụ án, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập ông Đức tới tòa. Tuy nhiên, theo thông báo từ phía HĐXX, ông Đức có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị bệnh tại Hà Nội.

Trong phần hỏi, luật sư Kim Thanh công bố trước tòa về Thông báo số 01 của ban chấm thi ngày 28/6/2018 về việc phận công nhiệm vụ của lãnh đạo Ban.

Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Xuân Yến cho biết: Theo Thông báo số 01 ngày 28/6/2018 của ban chấm thi, Trưởng ban là ông Hoàng Tiến Đức, Phó trưởng ban Thường trực là Trần Xuân Yến. Trong đó, ông Đức điều hành tất cả các hoạt động của ban chấm thi.

Khi được phân công phụ trách tổ thi trắc nghiệm, bị cáo Yến triển khai thông báo 01 ngày 29/6/2018. Theo đó, bị cáo Yến phân công: Nhiệm vụ của chính bị cáo là công bố các quy định, phổ biến quy chế thi, quy trình chấm thi trắc nghiệm, giám sát việc mở các túi bài thi, niêm phong các túi bài thi, ký biên bản, báo cáo Trưởng ban chấm thi về hoạt động của tổ.

Phân công Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) cùng với Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu) quét bài thi, in đĩa CD, xử lý kết quả, ghi biên bản.

Phân công Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng phòng Chính trị, sở GD&ĐT Sơn La) kiểm tra niêm phong, niêm phong túi bài thi, cắt túi bài thi…

Phân công Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ PA03) giám sát quá trình xử lý bài thi, bảo vệ phòng xử lý bài thi và ký các biên bản của tổ…

Luật sư Thanh đặt câu hỏi với bị cáo Yến: “Bị cáo phân công cho chính bị cáo chức năng giám sát, đúng không? Bị cáo Yến trả lời: “Trong thông báo số 01 có ghi nội dung tôi giám sát việc mở niêm phong. Nhưng trên thực tế, bị cáo và tổ giám sát cùng kiểm tra tình trạng niêm phong của túi bài thi khi bị cáo Sọn cắt túi bài thi, không phải giám sát”.

Bị cáo Yến cũng khẳng định một lần nữa là kỳ thi 15 ngày, và ngày 28/6/2018, bị cáo không hề gọi Nga sang phòng làm việc hay gặp gỡ trao đổi về việc “năm nay có một số con em của “sếp” cần giúp đỡ” như lời bị cáo Nga khai.

Tương tự, đối với việc các bị cáo rút, sửa bài thi vào các ngày 29 – 30/6/2018, bị cáo Yến khẳng định không hề biết nội dung này.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại tòa. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp luật

Trí thức trẻ cũng thông tin, trước đó, tại phiên xử sáng 23/5, bị cáo Đinh Hải Sơn (cán bộ Phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La) nói không có ý kiến gì về việc bị viện kiểm sát truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Lời khai của Sơn thể hiện, trong kỳ thi 2018, Sơn đã nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La) nâng điểm cho 2 thí sinh. Kết quả, các môn thi mà Sơn nhờ Huynh và Nga nâng điêm đều được điểm cao.

Sơn khai, vào tối 30/6/2018, Lò Văn Huynh đã gọi điện cho Sơn đặt vấn đề về việc nhờ Sơn mở cửa cầu thang ở tầng 1 để có thể lên các phòng chứa bài thi. Lúc này, Sơn nghĩ việc Huynh gọi điện nhờ mở cửa để chuẩn bị cho công tác chấm bài thi các môn trắc nghiệm buổi sáng hôm sau.

Sau đó, Sơn đã gọi điện lại cho Huynh thì Huynh xác nhận việc mở cửa là để vào các phòng thi lấy bài thi về sửa điểm. Đến khoảng 24h ngày 30/6, Huynh gọi điện cho Sơn để mở cửa cầu thang tầng 1.

Bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) không có ý kiến gì về việc bị viện kiểm sát truy tố tội "Đưa hối lộ.

Theo lời khai của Thành, trước kì thi THPT Thành có nhờ Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị, sở GD-ĐT Sơn La) nâng điểm cho con với số tiền 400 triệu đồng.

Khi trao đổi với Sọn về việc nâng điểm, Thành chỉ biết đưa 400.000.000đ là số tiền để nâng điểm.

Sau khi chấm thi xong được 2 môn, Sọn gọi điện cho thành nói số tiền này chỉ là chấm 2 môn còn môn thứ 3 là môn Văn nữa nếu được điểm như mong muốn phải bỏ thêm 50.000.000đ.

"Khi Sọn gọi điện nói phải thêm 50 triệu nữa mới nâng điểm môn Văn thì bị cáo bảo giờ em đang khó khăn chỉ còn 40 triệu thôi có được không thì Sọn bảo được...", Thành khai.

Sau đó, Thành đã đưa thêm cho Sọn 40.000.000đ. Tổng số tiền mà Thành đưa cho Sọn để nhờ nâng điểm cho con là 440.000.000đ.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA03, Công an tỉnh Sơn La) nói không nhất trí với nội dung bản cáo trạng đã quy kết và buộc tội với bị cáo về hành vi "Đưa hối lộ". Đồng thời Khoa khẳng định không thực hiện hành vi đưa hối lộ và bản cáo trạng có nhiều nội dung không đúng sự thật, không khách quan.

Chiều 23/5, tại phiên xét xử, trả lời các câu hỏi của luật sư Trần Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa - cựu Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA03, Công an tỉnh Sơn La), người làm chứng Lê Minh Loan nói: Giữa Loan và bị cáo Minh Khoa có quan hệ là đồng nghiệp và sống với nhau gần như anh em kết nghĩa.

Chính vì thế, Loan đã nhờ Khoa xem điểm hộ chứ không có mục đích gì khác, không đề cập đến vấn đề vật chất.

Sau phần trả lời của người làm chứng Minh Loan, luật sư Anh Tú đề nghị HĐXX cho người làm chứng Trần Hùng Mạnh trả lời.

Tài liệu điều tra thể hiện ông (Trần Hùng Mạnh) có đưa thông tin thí sinh Vũ Văn Trọng cho ông Nguyễn Minh Khoa, việc đưa thông tin thí sinh Trọng cho ông Khoa để làm gì? Luật sư Anh Tú hỏi.

Người làm chứng Trần Hùng Mạnh đáp: Cá nhân tôi khi chuyển thông tin thí sinh là em họ cho ông Khoa là để nhờ xem điểm.

Luật sư Trần Anh Tú tiếp tục đặt câu hỏi: Trong quá trình trao đổi, thoả thuận về việc nhờ xem điểm, giữa ông (Trần Hùng Mạnh) và bị cáo Khoa có thoả thuận gì về vật chất hay không?

Trần Hùng Mạnh đáp: Giữa tôi và ông Khoa có quan hệ đồng nghiệp, anh em chơi thân với nhau nên chỉ nhờ nhau chứ không nói chuyện gì vật chất.

Sau vụ việc này ông có nhận thức như thế nào về việc nhờ xem điểm thi?, luật sư Tú hỏi.

Mạnh đáp: Cá nhân tôi có người thân đi thi nên muốn nhờ anh em xem giúp điểm thi trước còn giúp được hay không thì không sao vì cùng chơi với nhau.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-gian-lan-thi-cu-rung-dong-son-la-he-lo-danh-tinh-sep-co-con-em-di-thi-a324527.html