+Aa-
    Zalo

    Vụ Hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị bắt: Luật sư nêu 4 yếu tố cấu thành tội Giả mạo trong công tác

    • DSPL
    ĐS&PL Theo luật sư, người có hành vi Giả mạo trong công tác là người có hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung

    Theo luật sư, người có hành vi “Giả mạo trong công tác” là người có hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

    Ngày 2/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và Trần Ngọc Quang (57 tuổi, Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên) về tội Giả mạo trong công tác.

    Hai cán bộ khác của Đại học Đông Đô liên quan đến vụ án là Phạm Vân Thùy (38 tuổi) và Lê Thị Lương (27 tuổi) cũng bị khởi tố về tội danh trên nhưng được cho tại ngoại.

    Liên quan đến những vấn đề pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Hoàng Kim Thoa – Công ty luật TNHH MTV QTC cho hay, tội “Giả mạo trong công tác” là tội danh được quy định tại Chương XXIII-Các tội phạm về chức vụ của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành).

    Người có hành vi tội “giả mạo trong công tác” là người có hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

    luật sư Hoàng Kim Thoa

    Luật sư Thoa dẫn 4 yếu tố cấu thành của tội “giả mạo trong công tác” gồm:

    - Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; là cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người có hành vi phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế.

    - Mặt khách quan của tội phạm: Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan là những dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi phạm tội, để phân biệt tội giả mạo trong công tác với các tội phạm khác. Người có hành vi phạm tội phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả (khung tăng nặng: làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm; từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả với khung hình phạt từ 07 đến 15 năm; từ 11 giấy tờ giả đối với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm), giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

    - Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

    - Chủ thể: Là người có chức vụ, quyền hạn.

    Bị can Dương Văn Hòa (trái), Trần Ngọc Quang (giữa) và Phạm Vân Thùy - Ảnh: Bộ Công an.

    Về hình phạt, Luật sư Thoa dẫn Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

    1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

    b) Làm, cấp giấy tờ giả;

    c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

    c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

    b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

    b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

    "Như vậy, Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 có phần tăng nặng hơn về khung hình phạt và tăng phạt tiền hơn so với Điều 284 Bộ luật Hình sự cũ, mục đích của luật là để răn đe với những người thừa hành pháp luật mà không làm đúng theo quy định pháp luật, khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao công cuộc phòng chống các tội phạm có chức vụ đang được Đảng và Nhà nước phát động", luật sư Thoa nhấn mạnh.

    Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.

    Theo đó, ngày 30/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can.

    Những người này gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, trú xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô); Trần Ngọc Quang (SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô); Phạm Vân Thùy (SN 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô); Lê Thị Lương (SN 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, là cán bộ trường Đại học Đông Đô).

    Ngày 1/8, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện KSND Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.

    Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

    Tiểu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-hieu-truong-dai-hoc-dong-do-bi-bat-luat-su-neu-4-yeu-to-cau-thanh-toi-gia-mao-trong-cong-tac-a287167.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan