+Aa-
    Zalo

    Vụ mẹ kế sát hại con chồng tại Tuyên Quang: Sự đố kỵ, nhỏ nhen với con trẻ tạo nên bi kịch

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, sự đố kỵ với con riêng của chồng đã khiến người mẹ kế trở nên ích kỷ, mù quáng và thậm chí là ghen tuông.

    Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, sự đố kỵ với con riêng của chồng đã khiến người mẹ kế trở nên ích kỷ, mù quáng và thậm chí là ghen tuông nên mới gây ra tội ác kinh hoàng này.

    Nghi phạm trở về 4 ngày thì xảy ra án mạng

    Sáng 25/11, Công an huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, đang làm rõ hành vi sát hại bé B.T.T (6 tuổi) của nghi phạm La Thị Thức (30 tuổi, ngụ Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Chia sẻ với báo chí, ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, Thức và anh Bàn Văn B. (bố nạn nhân Th.) ở với nhau như vợ chồng được hơn 1 năm nay, sau đó mới đăng ký kết hôn.

    Vừa qua, Thức về huyện Chiêm Hóa sinh con và quay lại ở với anh B. được 4 ngày thì xảy ra sự việc. Cũng theo nguồn tin trên, người dân địa phương đánh giá nghi phạm Thức không bình thường về tâm lý, còn anh B. thì sống hòa đồng với mọi người.

    Ngày xảy ra vụ án mạng, Thức đi lấy củi về, quần áo ướt sũng. Chị ta thay quần áo rồi vứt ngổn ngang trong phòng tắm. “Phát hiện bộ quần áo ướt sũng và bốc lên mùi tanh của máu, lực lượng công an bắt đầu hướng sự nghi ngờ và tập trung điều tra Thức”, ông Lâm cho biết. Làm việc với cơ quan công an, Thức đã thừa nhận hành vi sát hại cháu Th. sau đó giấu xác ở vườn mía sau nhà.

    Liên quan đến vụ việc, anh Bàn Văn Đằng (người nhà nạn nhân) cho biết, anh B. và vợ cũ đã ly hôn từ lâu. Sau đó anh B. nảy sinh tình cảm với La Thị Thức rồi 2 người quyết định gắn bó với nhau. Tuy nhiên, do anh B. nhận nuôi dưỡng cháu Th. nên Thức đem lòng khó chịu, thường xuyên xảy ra ghen tuông, thậm chí cãi vã với anh B.. “Do Thức thường xuyên ốm yếu nên sau khi mang thai đã về nhà ngoại ở. Sinh con được khoảng 1 tháng thì Thức chuyển về nhà mới ở với anh B.. Thế nhưng từ khi sống chung, giữa anh B. và Thức thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã từ việc chăm nuôi các con...”, anh Đằng chia sẻ.

    Người nhà anh B. cũng cho hay, anh B. vừa mới vay mượn tiền mua được căn nhà gỗ và chuyển về sinh sống chưa được bao lâu thì xảy ra sự việc đau lòng.

    Vụ việc mẹ kế sát hại con chồng gây rúng động dư luận. Ảnh: Người Đưa Tin

    Bi kịch từ sự nhỏ nhen của người lớn

    Trước thảm kịch xót xa này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy đã hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng.

    Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng: “Sự việc này thật sự quá đau lòng, đứa trẻ không có tội, vì sao phải chịu đựng những mâu thuẫn mà người lớn gây ra?. Người mẹ kế trên không thể đổ lỗi cho việc mới sinh con, bị ảnh hưởng tâm lý sau sinh được. Có thể, ý định sát hại con chồng của chị ta đã có từ trước đó rất lâu nên chị ta mới ra tay một cách tàn nhẫn như vậy”.

    Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, trước khi về sống chung một nhà, người mẹ kế này không nghĩ được rằng cuộc sống con anh, con tôi sẽ có nhiều khúc mắc và thậm chí đó là nguyên nhân gây ra những bất đồng trong quan hệ vợ chồng. Có thể, chị ta không thể yêu được con chồng, luôn cảm thấy ghen ghét, đố kị khi con chồng được chồng, anh em nhà chồng yêu quý. Và thậm chí, chị ta cứ nhìn thấy con chồng là lại ghen với quá khứ của chồng.

    Những điều ấy cứ tích tụ lại để biến thành một điều uất hận khiến chị ta không thể tự điều khiển được bản thân, hành động của mình.

    “Có lẽ, một vài lần nói con chồng không được, người mẹ kế này bỗng ghét con chồng, khó chịu trước sự hiện diện của con chồng. Mọi lời nói, mọi việc làm của con chồng như một cái gai trong mắt nên mẹ kế muốn triệt tiêu nó đi. Trường hợp này đúng với câu nói “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

    Nhưng trên đời này còn rất nhiều trường hợp mẹ kế yêu con chồng, thương con chồng hơn cả con đẻ. Tại sao đó không phải là tấm gương rọi sáng để bất kỳ người phụ nữ nào bước chân vào cuộc hôn nhân con anh – con tôi học tập?”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy phân tích.

    Cùng chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An cho hay: “Nghe sự việc, tôi cũng thấy lạnh người. Sự ích kỷ, chiếm hữu cá nhân của người phụ nữ này đã làm mờ lý trí. Và hơn nữa, phẩm chất của họ không cao, sự bao dung giữa mẹ kế và con chồng không có. Sự yêu thương, biết ơn những gì mình đang có chưa từng xuất hiện. Chính vì những điều này nên đã hình thành hành vi xấu”.

    Chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An chỉ ra rằng, có 4 bước hình thành hành vi xấu. Đầu tiên từ nhu cầu sẽ dẫn đến cảm xúc, sau đó từ cảm xúc lây lan sang thái độ và cuối cùng xuất hiện hành vi. Khi mà nhu cầu không được đáp ứng, giống như bà mẹ kế muốn được chồng giành hết tình yêu thương nhưng chồng lại san sẻ cho con riêng nên dẫn đến cảm xúc ganh tỵ, ghét, hận thù con chồng và từ đó nảy sinh ý đồ, hành vi xấu.

    Làm rõ nghi phạm có bị bệnh trầm cảm sau sinh không?

    Trao đổi với PV về vụ án mạng, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Qua vụ việc này có thể thấy, cháu bé 6 tuổi là người không có lỗi trong việc vợ chồng mâu thuẫn. Đối tượng chỉ vì sự ích kỷ bản thân mà đang tâm, vô cớ sát hại cháu bé rất dã man. Không những vậy, sau khi sát hại cháu bé, đối tượng còn có hành vi phi tang thi thể cháu bé nhằm che giấu hành vi phạm tội”.

    Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 123 BLHS. Đối với hành vi sau khi sát hại, đối tượng đào đất chôn xác cháu bé thì sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm p, khoản 1 Điều 52 BLHS “Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”.

    Theo thông tin ban đầu, đối tượng vừa sinh con được 1 tháng tuổi nên cần xem xét khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng có bị ảnh hưởng bệnh trầm cảm sau sinh hay không để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Để có căn cứ đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc trầm cảm sau sinh thì cần phải trưng cầu giám định tâm thần, để từ đó xem xét đối tượng có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không.

     Nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn kết luận đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đối tượng sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử. Mặt khác, Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.

    Như vậy, nếu đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt cao nhất sẽ phải đối mặt đến tù chung thân. Hành vi phạm tội của đối tượng thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt đi quyền sống của cháu bé, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước bất bình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

    Mai Thu – Hoàng Yên
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 190
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-me-ke-sat-hai-con-chong-tai-tuyen-quang-su-do-ky-nho-nhen-voi-con-tre-tao-nen-bi-kich-a302760.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan