+Aa-
    Zalo

    Vụ nhóm công an dùng nhục hình: Án treo cho nguyên Phó trưởng Công an TP.Tuy Hòa

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Bị cáo Lê Đức Hoàn bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo vì phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” .
    (ĐSPL) - Bị cáo Lê Đức Hoàn bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo vì phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” .
    Theo tin tức trên VOV, chiều ngày 15/4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ án “Dùng nhục hình gây chết người” ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với tổng mức án 16 năm 6 tháng tù đối với các bị cáo.
    Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Lê Đức Hoàn, nguyên Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa; Nguyễn Minh Quyền, nguyên Đội phó Đội trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên; Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy, Nguyễn Thân Thảo Thành, nguyên cán bộ Công an TP Tuy Hòa.
    Theo báo Thanh Niên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyên Thân Thảo Thành 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Minh Quyền 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Phạm Ngọc Mẫn 2 năm 3 tháng tù; bị cáo Nguyễn Tấn Quang 2 năm tù và bị cáo Đỗ Như Huy 1 năm tù treo. Riêng bi cáo Lê Đức Hoàn, nguyên Phó trưởng Công an, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP.Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án 312T phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng hưởng các tình tiết giảm nhẹ nên tòa tuyên với mức án 9 tháng tù treo.
    Ngoài ra, tòa tuyên buộc các bị cáo Thành cấm đảm nhận chức vụ trinh sát trong thời hạn 5 năm; cấm các bị cáo: Quyền, Mẫn, Quang, Huy và Hoàn Huy đảm nhận chức vụ điều tra viên, trinh sát viên trong thời hạn 3 năm.
    Cũng theo HĐXX, tại tòa các luật sư cho rằng bỏ lọt tội phạm và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội "bắt giữ người trái pháp luật", tội "giết người", tội "cố ý gây thương tích", tội "làm sai lệch hồ sơ vụ án", tội "khai báo gian dối", tội "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội".
    Ông Nguyễn Phi Đô, Phó chánh án TAND tỉnh Phú Yên, nhận định: “Xét thấy các ông Nguyễn Văn Lai, Võ Công Phi và một số cán bộ công an có hành vi còng tay Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng, dẩn giải về trụ sở công an không có lệnh bắt giữ là có dấu hiệu của tội "bắt giữ người trái pháp luật". Tuy nhiên, tại thời điểm này đã có căn cứ xác định Kiều là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản cùng Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn. Kiều là người có tiền án, tiền sự, có biểu hiện bỏ trốn sau khi vụ án bị phát hiện, truy đuổi. Việc còng tay là nhằm trách xảy ra trường hợp đối tượng manh động bỏ trốn. Viện KSND tối cao kết luận, việc bắt giữ là có căn cứ, cần thiết và chỉ vi phạm về hình thức, thủ tục tố tụng và đã kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật là có căn cứ nên tòa không xét”.
    Theo HĐXX, đối với các tội danh khác, Viện KSND tỉnh Phú Yên tranh luận tại tòa và không chấp nhận nên không có căn cứ xem xét.
    HĐXX cũng xác định, Kiều không thuộc trường hợp bồi thường tổn thất tinh thần theo Luật Bồi thường Nhà nước nên chỉ chấp nhận bồi thường 60 tháng lương tối thiểu (69 triệu đồng), 30 triệu đồng tiền mai táng và tiền cấp dưỡng cho 2 con bị hại, mỗi cháu 575.000 đồng do bà Trần Thị Tâm (vợ của nạn nhân Kiều) nhận. Các bị cáo đã bồi thường 186 triệu nên tòa không xem xét. Công an TP.Tuy Hòa có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con của nạn nhân Ngô Thanh Kiều.

    Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: Báo Thanh Niên

    “Sếp” xin giảm nhẹ, một thuộc cấp xin xử mức cao nhất
    Trước đó, ngày 13/4, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
    Được chủ tọa yêu cầu phát biểu đầu tiên, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) đã đưa ra đề nghị làm bất ngờ nhiều người.
    Bị cáo Thành nói rằng cảm thấy rất nhục nhã khi đứng trước vành móng ngựa cùng những người đồng đội trước đây, nhưng họ gây án mà không dám thẳng thắn nhận tội. Bị cáo này đề nghị HĐXX xem xét toàn bộ vụ án để tuyên án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai.
    Các bị cáo nói lời cuối cùng. “Bị cáo xin khẳng định một lần nữa là không có đánh anh Ngô Thanh Kiều. Còn nếu HĐXX xét thấy rằng có đủ căn cứ, cơ sở để buộc bị cáo có tội thì xin hãy xử bị cáo ở mức hình phạt cao nhất” - bị cáo Thành phát biểu.
    Trước đó, Thành là người bị đề nghị mức án cao nhất, 7-8 năm tù, trong số năm bị cáo bị truy tố ở khoản 3 Điều 298 Bộ luật hình sự (có khung hình phạt 5-12 năm tù). Bởi bị cáo này được xác định là người cầm dùi cui cao su đánh vào đầu bị hại 2-3 cái, dẫn đến chấn thương sọ não làm ông này tử vong.
    Ngược lại, bị cáo Lê Đức Hoàn (thượng tá, nguyên Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, bị đề nghị 9-12 tháng tù cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xin tòa xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ.
    Nhóm các bị cáo bị xử tội “dùng nhục hình” còn lại cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo.
    Nhiều vấn đề được xới lên
    Trước đó, trong phần tranh luận, các luật sư (LS) đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
    Theo báo Kinh tế nông thôn, LS Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành), cho rằng hồ sơ vụ án đã bị sửa chữa rất nhiều, nhất là lời khai của các nhân chứng, thay đổi sửa chữa liên tục đến n+1 lần. Kiểm sát viên Phạm Duy Tân nói: “Đó là do sự việc xảy ra đã lâu, lúc sự việc xảy ra không ai nhìn đồng hồ. Ngoài ra, khi mới xảy ra sự việc các nhân chứng là công an bị bất ngờ và người ta ngại làm chứng vì những bị cáo trong vụ án này là đồng đội cho nên né tránh không muốn dính dáng vào vụ án này. Người ta khai như thế. Khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào, họ xác định trách nhiệm của mình nên khai lại, xác định lại nên sau này không thể nói chính xác về thời gian là chuyện bình thường”.
    LS Thắng không thống nhất lời dẫn giải của kiểm sát viên (KSV), ông Thắng cho rằng người duy nhất được cho là nhìn thấy bị cáo Thành đánh nạn nhân Ngô Thanh Kiều là nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hộ Công an Phú Yên) đã khai tại tòa: “Lúc đầu, ông Đại có suy nghĩ khai càng ít càng tốt, biết càng ít bao nhiêu càng tốt cho bản thân tôi bấy nhiêu, nên bỏ qua không khai một số tình tiết và khai chưa chính xác. Tôi không muốn dính dáng đến vụ án này!”. LS Thắng cho rằng các nhân chứng được mớm cung, cố tình khai gian dối, mâu thuẫn trong lời khai.
    Giải thích việc này, KSV Tân: “Ông Đại là nhân chứng đặc biệt, không phải là công dân bình thường, có quan hệ đồng nghiệp với các bị cáo, có am hiểu pháp luật. Lời khai nhân chứng Đại và một số nhân chứng khác tại tòa là tự nguyện, không ép buộc hay dụ dỗ. Riêng nhân chứng Đại cũng khai tại tòa, “Ban đầu không muốn dây vào việc này, có né tránh, nhưng sau đó thấy trách nhiệm của mình nên đã khai chính xác, chỉ có thiếu sót là lúc đầu không báo cáo việc thấy bị cáo Thành đánh anh Kiều. Anh Đại là điều tra viên cấp tỉnh, sao có thể bị mớm lời được!”
    Mặt khác, LS Thắng cũng đề nghị làm rõ lời khai của ông Đại là nhìn thấy các đồng nghiệp đánh anh Kiều nhưng không can ngăn vì cho rằng không có nhiệm vụ và không thể căn ngăn.
     “Sau này, điều tra của Viện KSND tối cao vào làm việc thì người ta xác định lại tư cách và trách nhiệm của mình với bằng chứng tội phạm nên họ thay đổi lời khai của mình chó đúng hơn”. Vì thế, theo nhận định của đại diện VKS là không có chứng cứ để khởi tố tội khai báo gian dối hoặc tội cung cấp tài liệu sai sự thật”, KSV Tân, đại diện VKS nói.
    Cũng theo KSV Tân, qua các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và lời khai tại tòa của các bị cáo khác và nhân chứng, biên bản giám định pháp y đã được lập đúng thủ tục, kết luận được nguyên nhân tử vong của anh Kiều, đủ điều kiện được sử dụng làm căn cứ pháp lý để truy tố bị cáo Thảo Thành. Nhất là lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại, đã nhìn thấy bị cáo Thảo Thành đánh nạn nhân Ngô Thanh Kiều.
    LS Thắng không phủ nhận việc nạn nhân Kiều chết là do chấn thương sọ não. Theo ông, khám nghiệm tử thi và giám định tử thi là hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau, nhưng trong vụ án này, hai hoạt động này hòa làm một, đây là điều rất sai. Mặt khác, chọn thu mẫu nào để giám định là quyền của cơ quan điều tra, giám định viên tự thu mẫu là không đúng, cũng không có biên bản niêm phong và biên bản mở niêm phong mẫu.
    Được cho phép tranh tụng, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng đề nghị HĐXX làm rõ vì sao tất cả các bị cáo tại ngoại, các nhân chứng đều thay đổi lời khai từ khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào làm việc, đến phiên tòa thì tất cả đều nói “không nhớ, không biết. Phải chăng họ đã thông cung.
    Tuy nhiên, đại diện VKS nhắc lại do khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào, các bị cáo tại ngoại, nhân chứng mới thấy trách nhiệm của mình nên mới khai lại nên không có cơ sở để nói thông cung, cũng như không có căn cứ để khởi tố vụ án khai báo không trung thực, làm sai lệch hồ sơ như đề nghị của luật sự.
    Ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Phú Yên nói, quá trình giám định pháp y thi thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều là khách quan, chính xác, đúng quy định. Toàn bộ trên thi thể của nạn nhân Ngô Thanh Kiều chỉ có 63 vết thương, trên vùng đầu chỉ có 3 vết thương. “Giám định đã làm rõ, có tổn thương nghiêm trọng ở não, bán cầu đại não phải tụ máu, nạn nhân chết do chấn thương sọ não là điều quá rõ ràng”, ông Thọ nói.
    LS Thắng cho rằng, cơ chế hình thành tụ máu não bán cầu trên đầu nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến giờ vẫn chưa được làm rõ, làm sao xác định nguyên nhân nạn nhân Kiều tử vong là do bị cáo Thành đánh. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án”, LS Thắng phân tích.
    Ngoài ra, LS Thắng cũng đề nghị khởi tố tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thì đại diện VKS nói: “Chứng cứ trong hồ sơ vụ án và lời khai tại tòa đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội dùng nhục hình”.
    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, LS Võ An Đôn và đại diện gia đình nạn nhân không chấp nhận xử tội dùng nhục hình mà yêu cầu truy tố, xét xử các bị cáo tội giết người. “Anh Kiều không phải là khách thể của tội dùng nhục hình do thời điểm bị các công an đánh chết anh Kiều không phải là bị can, bị cáo, không bị tạm giam, tạm giữ. Hành vi của các bị cáo là đánh vào các vùng nguy hiểm của nạn nhân, gây ra cái chết. Mặt khác, Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu rõ, nếu dùng nhục hình dẫn đến chết người thì truy tố tội giết người” - LS Đôn nói.
    Bà Ngô Thị Tuyết (chị của nạn nhân Kiều) đề nghị khởi tố những người trực tiếp bắt giữ, dẫn giải anh Kiều. Đại diện VKS bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của LS và gia đình bị hại với lý do các yêu cầu này không có căn cứ.
    Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đức Hoàn nói: “Qua mấy ngày xét xử, những sự việc cơ bản đã làm rõ. Bị cáo đã nhận thấy hành vi sai phạm của mình, mong gia đình tha thứ và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
    Vụ 4 công an dùng nhục hình đánh chết người ở Đông Anh
    Kim Thành(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nhom-cong-an-dung-nhuc-hinh-an-treo-cho-nguyen-pho-truong-cong-an-tptuy-hoa-a91135.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan