Vụ tấn công sào huyệt ma túy: Tài sản "ông trùm" tẩu tán cho người thân xử lý thế nào?


Thứ 2, 16/07/2018 | 23:48


Cùng sự kiện

Theo luật sư, nếu số tiền và tài sản của "ông trùm" ma túy ở Lóng Luông gửi về cho gia đình do phạm tội, buôn bán ma túy mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.

Theo luật sư, nếu số tiền và tài sản của "ông trùm" ma túy ở Lóng Luông gửi về cho gia đình do phạm tội, buôn bán ma túy mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tại buổi họp báo công bố kết quả triệt phá băng nhóm của hai trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận tại bản Tà Dê, Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) ngày 3/7 vừa qua, Đại tá Phùng Tiến Triển (Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La) cho hay, trong thời gian bị công an phong tỏa, Tuân và Thuận đã chủ động không cho kẻ nào chuyển ma tuý cho mình để tránh bị phát hiện, thu giữ rồi mất trắng. Tuân cho đệ tử chuyển đồ đạc tài sản cho gia đình mình, bí mật chuyển tiền cho vợ và gia đình. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhưng không can thiệp được vì liên quan đến ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, dư luận đặt ra câu hỏi: Số tài sản trùm ma túy Lóng Luông tẩu tán cho người thân bị xử lý thế nào?

Tịch thu tài sản, sung công quỹ Nhà nước

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Hùng, công ty Luật TNHH Poseidon Lawfirm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, cơ quan công an cần xác minh nguồn gốc số tài sản mà ông trùm ma túy bí mật tẩu tán cho gia đình. Luật sư Hùng chỉ ra 2 trường hợp.

Công an khám nghiệm nhà trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân - Ảnh: Công an Nhân dân

Thứ nhất, nếu số tiền và tài sản của ông trùm gửi về cho gia đình do phạm tội, buôn bán ma túy mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước, sung công quỹ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 46; Khoản 1, Điều 47, Bộ luật Hình sự 2015 theo quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Điều 45, Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách Nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Thứ hai, nếu có căn cứ cho rằng tiền và tài sản mà ông trùm đưa cho gia đình có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp thì các cơ quan chức năng không thể tịch thu.

Đối với các loại tang vật, tài sản của vụ án, luật sư Hùng cho rằng, sẽ được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật bởi đây là những vật chứng của vụ án. Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo luật sư Hùng, việc tịch thu sung công quỹ nộp vào ngân sách Nhà nước hay tiêu hủy tang vật do phạm tội mà có do các cơ quan có thẩm quyền quyết định ở các giai đoạn khác nhau theo quy định tại Điều 106, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Cụ thể, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Nhận tài sản của trùm ma túy có phạm tội?

Trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Văn Sơn) cho hay, theo luật hiện hành, người thân khi nhận các tài sản bị coi là do phạm tội mà có, nếu họ không biết thì không phạm tội. Tài sản ở đây bao gồm tiền, vàng, đồ vật do buôn bán ma túy mà có.

Ngược lại, nếu người nhân biết tài sản đó do phạm tội mà có mặc dù không hứa hẹn trước mà vẫn nhận, thì người nhận có thể bị truy cứu về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo điều này, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng; hoặc phạt đến 15 năm tù tùy theo giá trị tài sản đã nhận.

Nếu có sự hứa hẹn trước, tùy theo mức độ, hành vi mà người nhận tài sản có thể bị truy cứu vai trò đồng phạm với người phạm tội.

Theo luật sư, quá trình điều tra, xác minh sẽ làm rõ nguồn gốc tài sản của Nguyễn Thanh Tuân. Tuy nhiên, công việc này sẽ gặp khó khăn khi ông trùm ma túy đã bị cảnh sát tiêu diệt.

Trước đó, ngày 26-29/6, Công an tỉnh Sơn La và Bộ Công an huy động hàng trăm chiến sĩ và nhiều xe bọc thép tiến vào Tà Dê. Cảnh sát công bố Tuân, Thuận và hai tên khác đã bị tiêu diệt, ba người bị bắt.

Nhà chức trách thu 49 khẩu súng các loại (AK, AR15, Sămplêch, K54, K59, Colt…; có một số khẩu bị cháy); 17 quả lựu đạn; hơn 7.000 viên đạn các loại (chủ yếu đạn AK), 31 hộp tiếp đạn (có đạn), 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng; 3 ống nhòm; 11 căn xăng, dầu loại 20-30 lít; 23 bình gas loại 13kg, bộ máy ép thủy lực; hai ôtô, khoảng 25m3 gỗ, cùng nhiều tang vật khác...

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tan-cong-sao-huyet-ma-tuy-tai-san-ong-trum-tau-tan-cho-nguoi-than-xu-ly-the-nao-a236593.html