+Aa-
    Zalo

    “Vùng cấm” ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dẹp bỏ cà phê đường tàu trải qua nhiều khó khăn và thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật. Hà cớ gì, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại tự tạo “vùng cấm” cho riêng mình?

    Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từng “tiên phong” đề xuất các cơ quan TP.Hà Nội xử lý dứt điểm cà phê đường tàu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt.

    Đến nay, chính VNR lại mở Hỏa Xa Café trên một vị trí đắc địa của ga Long Biên (Hà Nội). Với mong muốn phục vụ hành khách và trở thành một điểm đến chính quy, văn hóa, an toàn.

    picture3

    Sự khác biệt thấy rõ ở khu vực Hỏa Xa Café trước và sau khi báo chí phản ánh.

    Ghi nhận tại đây cho thấy, mặc dù đã có biển cảnh báo, thế nhưng du khách vẫn có thể tự do băng qua đường sắt, đứng giữa đường sắt để chụp ảnh hay thậm chí thoải mái đi lại qua đầu tàu trong lúc tàu vẫn đang nổ máy.

    Nếu không có dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, hình ảnh những nam thanh nữ tú đang tuổi tò mò trải nghiệm cố lách người qua đoàn hành khách để check-in, thậm chí cả bao em bé được bố mẹ cho xuống giữa đường ray tìm kiếm vài khung hình “độc đáo” sẽ tiếp diễn đến bao giờ?

    Liệu tấm biển vô hồn với dòng cảnh báo “Lối vào ga, chú ý tàu hỏa” có đủ sức mạnh để ngăn lại những sự háo hức, phấn khích đó không? Khi mà chỉ vài bước chân thôi, khách đã có thể lao ra đường tàu chụp chụp quay quay và mải miết với những cảm xúc của riêng mình.

    Ở tầm “an toàn” hơn, một vài nhân viên bảo vệ được tăng cường có kịp thẩm thấu tinh thần “lấp lỗ châu mai” để mà băng mình cứu trợ lúc bất chợt có vị khách quá phấn khích hoặc “quên hồn nhiên” rồi lao ra, sà xuống vị trí tiếp giáp giữa quán cà phê và đường sắt hay không?

    Trao đổi với báo chí nhằm làm rõ vấn đề Hỏa Xa Cafe có hay không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, ông Nguyễn Tất Thương - Giám đốc chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội trả lời: “Các điểm cafe đường tàu trước đây được người dân mở tự phát không kiểm soát được công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, còn tại điểm ga Long Biên được triển khai rất tốt”.

    Còn nhớ, nhiều năm trước, xung quanh “cà phê đường tàu”, rất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách – kể cả việc rào chắn, dựng barie, trực gác,… nhưng chốt lại, việc dẹp bỏ loại hình kinh doanh này đã thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật và chính bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ điều này.

    Vậy hà cớ gì, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại tự tạo “vùng cấm” cho riêng mình, như lời ông Thương nói?

    Được biết, vị trí của quán cà phê Hỏa Xa trước đây là khu nhà cấp 4 và là phòng làm việc cho công nhân. Do công trình này đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên vào tháng 4/2023, VNR có văn bản xin được cải tạo, sửa chữa nguyên trạng công trình.

    Trong nội dung phê duyệt cải tạo, sửa chữa đó, có góc nào cho quán cà phê hay không?

    Chưa kể, những nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt hiện hữu khi bên kia đường ray, đối diện với quán cả phê là hàng rào sắt cao, ngăn cách rạch ròi giữa đường tàu với đường dân sinh. Còn phía bên này, cũng khoảng cách tương tự ấy lại chình ình một không gian “check-in” với đoạn rào chắn lửng đến một đứa trẻ con cũng có thể dễ dàng trèo qua được.  

    Trả lời báo chí những ngày qua, đại diện VNR nói rằng quán cà phê này là một phòng đợi tàu, hỗ trợ và phục vụ hành khách đi tàu.

    Lạ thật, phòng đợi tàu là một trong những công trình thuộc ga đường sắt, là hạng mục trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách. Đã gọi là phòng đợi tàu thì phải trực tiếp phục vụ cho công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách chứ? Sao bỗng dưng lại hóa “cà phê check-in đường tàu”?

    Có sự nhầm lẫn nào trong khái niệm hay cố tình đánh tráo khái niệm thì có lẽ chỉ người trong cuộc mới tỏ tường.

    Nhưng có một điều khác hiển nhiên là luật thì không có vùng cấm với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, càng không thể tuỳ tiện áp dụng một cách mấp mô như đường ray được. Là cơ quan Nhà nước được trao quyền và thực thi pháp luật thì càng cần thượng tôn pháp luật.

    Nếu đã là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt (tất nhiên chỉ có cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể kết luận rõ điều này) thì mọi công trình đều cần bị dỡ bỏ ngay.

    Đành rằng, ngành đường sắt đang gặp rất nhiều khó khăn và cần có những lối đi tạo bứt phá cho sự phát triển; đành rằng sự sáng tạo, đổi mới là rất đáng hoan nghênh, rất đáng khích lệ, nhưng kinh doanh trên nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người khác thì khó có thể chấp nhận được.

    Nếu cứ “duy ý chí”, chủ quan thì biến cố xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

    hieuunganhcom64901d9da7465

    Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng quyết liệt để góp phần “khai tử” cà phê đường tàu.

    Còn nhớ, thời điểm năm 2019, chính vị Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khi đó là ông Vũ Anh Minh từng nêu quan điểm phản đối cà phê đường tàu, kể cả khi những chủ hộ kinh doanh ở xóm đường Tàu (chắn 5 Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) cam kết có những biện pháp phòng tránh tai nạn đường sắt.

    Ông Minh đặt câu hỏi: “Khi mở lại cửa hàng, nếu hành khách, trẻ con chạy ra thì ai dám đảm bảo chủ quán cà phê đó ngăn chặn được hoàn toàn, nếu không ngăn chặn được hành vi đó dẫn đến chết người thì có làm sống lại được không?”.

    Xin được đặt lại câu hỏi này với người kế nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện nay là ông Đặng Sỹ Mạnh về trường hợp Hỏa Xa Café tại ga Long Biên: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với bất cứ rủi ro gì xảy ra trong tương lai?

    D.Thu

    *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vung-cam-o-tong-cong-ty-duong-sat-viet-nam-a579507.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan