+Aa-
    Zalo

    WeFit tuyên bố phá sản, khách hàng có thể đòi lại tiền?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - WeFit tuyên bố phá sản. Khách hàng bỏ tiền đăng ký gói tập của Wefit đang thắc mắc liệu công ty sẽ hoàn tiền hoặc các dịch vụ này liệu có thể tiếp tục sử dụng hay không?

    WeFit tuyên bố phá sản. Hàng loạt khách hàng bỏ tiền đăng ký gói tập của Wefit đang thắc mắc liệu công ty sẽ hoàn tiền hoặc các dịch vụ này liệu có thể tiếp tục sử dụng hay không?

    Khách hàng hoang mang trước tin phá sản

    Ứng dụng kết nối phòng gym và spa WeFit phá sản sau thời gian bị tố nợ tiền nhà cung cấp và vướng thêm khó khăn vì dịch bệnh.

    Sáng 11/5, công ty Công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit sau được đổi tên thành WeWow, gửi email thông báo cho khách hàng về việc phá sản. Công ty đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty công nghệ Onaclover tại TAND TP.Hà Nội từ ngày 29/4.

    Nhiều khách hàng đã bỏ tiền đăng ký gói tập của Wefit trị giá vài triệu đồng. Giờ đây, họ rất hoang mang khi nhận được thông báo công ty phá sản. Đến nay, Wefit vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể về hướng giải quyết cho khách hàng.

    Ứng dụng kết nối phòng tập gym và spa WeFit lúc còn đang hoạt động. (Ảnh: WeFit).

    Trước tình hình này, nhiều người đặt câu hỏi, liệu quyền lợi của họ sẽ được giải quyết như thế nào? Công ty sẽ hoàn tiền hoặc các dịch vụ này có được tiếp tục sử dụng hay không?

    Để tìm hiểu những vẫn đề pháp lý xung quanh vụ việc trên, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá - Công ty luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

     Rủi ro của khách hàng rất cao 

    Luật sư Bá phân tích, theo quy định luật pPhá sản 2014, phá sản được hiểu là tình trạng của doanh nghiệp, mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản. Do đó, doanh nghiệp chỉ được xem là phá sản khi có quyết định tuyên bố phá sản của tòa án theo quy định. Như vậy, hiện nay công ty Công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit mới nộp đơn yêu cầu mở thục phá sản ra TAND TP.Hà Nội mà chưa có quyết định tuyên bố phá sản.

    Tuy nhiên, luật phá sản cũng quy định rõ trong trường hợp tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

    Về quyền lợi của các khách hàng của doanh nghiệp trong thời gian giải quyết thủ tục phá sản, theo quy định tại Điều 62, luật Phá sản, khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp.

    Nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán.

    Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.

    Như vậy, các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được xem là các chủ nợ không có bảo đảm khi hợp đồng không được thực hiện hoặc bị đình chỉ thực hiện.

    Để đảm bảo quyền lợi, các khách hàng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

    Nội dung giấy đòi nợ phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2, Điều 66, luật Phá sản. Đồng thời có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một só biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp như: Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp; phong tỏa tài khoản…

    Luật sư Vũ Quang Bá.

    Về việc thanh toán nợ, theo quy định luật Phá sản đối với các khoản nợ có bảo đảm thì sẽ được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó.

    Đối với các khoản nợ không có bảo đảm thì chỉ được thanh toán sau khi tài sản còn lại của doanh nghiệp đã được thanh toán cho chi phí phá sản, khoản nợ lương, BHXH, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động, các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

    "Như vậy, theo quy định luật phá sản dù doanh nghiệp có được tuyên bố phá sản nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách hàng được loại trừ. Tuy nhiên, phạm vi nghĩa vụ của doanh nghiệp lại chỉ xem xét trong phạm vi tài sản còn lại của doanh nghiệp.

    Là những khách hàng không có bảo đảm, không thuộc trường hợp được ưu tiên khi thanh toán nên rủi ro khách hàng không thu hồi được khoản nợ là rất cao và có nguy cơ mất trắng khi doanh nghiệp không còn tài sản để thanh lý hoặc không đủ để các khoản nợ", luật sư Bá cho hay.

    Doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm bồi thường

    Tuy nhiên, vị luật sư cũng nhấn mạnh, theo luật, nếu doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán mà người đại diện theo pháp luật công ty vẫn cố tình không làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường.

    Như vậy, nếu có căn cứ xác định người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cố ý không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dù doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán để ký kết các giao dịch, hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho khách hàng, đối tác thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.

    Việt Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/wefit-tuyen-bo-pha-san-khach-hang-co-the-doi-lai-tien-a323074.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan