Ám ảnh những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội


Chủ nhật, 17/03/2019 | 03:40


Trên mạng xã hội ngày nay, dù có muốn hay không thì chúng ta vẫn phải bị “tra tấn tinh thần" bởi những hình ảnh, dòng tin, video đầy tính bạo lực.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, một thế giới thông tin rộng lớn được truyền tải mỗi ngày trên thế giới ảo. Dù có muốn hay không thì chúng ta vẫn phải bị “tra tấn tinh thần” bởi những hình ảnh, dòng tin, video đầy tính bạo lực.

Xã hội - Ám ảnh những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội
Người dân xung quanh thản nhiên đứng quay clip và livestream mặc cho người bị nạn trong cơn nguy kịch.

Càng bạo lực, ghê rợn càng thu hút

Bất cứ ai dùng các mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… đều không còn xa lạ với những cái giật tít “chém nhau kinh hoàng”; “tai nạn đẫm máu”, “đánh nhau toác đầu”... Những cụm từ mô tả đầy rùng rợn, bạo lực xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội của chúng ta đang dùng. 

Trên một nhóm cộng đồng facebook có tên: “Ký sự đường phố”, nhóm này có tới 879.862 thành viên. Hàng ngày, đăng tải hàng chục vụ tai nạn, cướp, giết người với đủ câu từ gây ám ảnh về độ dã man của vụ việc.

Một tài khoản facebook L.T đăng tải: “Chém nhau chết người nghe đâu chỉ vì một ánh mắt không có sự thân thiện với nhau. Các anh đã chọn cho mình giải pháp là giết người diệt khẩu. Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng”.

Chỉ vài dòng tin ngắn kèm hình ảnh người bị nạn máu me lênh láng trên đường đã thu hút hơn 2300 lượt like (thích), hàng trăm lượt share (chia sẻ), kèm nhiều bình luận, tranh cãi, đoán già đoán non sự việc.

Xã hội - Ám ảnh những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội (Hình 2).
Hàng ngày, trên mạng xã hội những hình ảnh bạo lực vẫn đều đặn được đăng tải.

Mỗi ngày, hàng trăm hội nhóm, tài khoản facebook đều đặn bày biện lên thế giới ảo những “ám ảnh” kinh hoàng bởi máu me, bạo lực. “Ngã tư Gia Lễ - Thái Bình vừa xong. Thật sự may bảy đời nhà bác, chậm một giây nữa thôi thì đã nát hết cả rồi”.

Hình ảnh người đàn ông đang hoảng sợ, mặt tím tái vì bị kẹt vào bánh xe công. Nhưng xung quanh mọi người vẫn thản nhiên livestram (phát trực tiếp), chụp ảnh, quay video mặc cho người bị nạn yếu ớt kêu cứu với ánh mắt tuyệt vọng. Còn cư dân mạng trực chờ dưới mỗi dòng trạng thái lại được phen bình phẩm sau tai nạn không khác những  “bình luận trận đấu” gay cấn trên sân cỏ.

“Biến căng, chém nhau ở Triều Khúc - Hà Nội. Khoảng 2 giờ sáng nay, gần 20 thanh niên tay dao, tay kiếm đánh 1 người rơi xuống hồ Triều Khúc, đến bây giờ mới phát hiện xác chết nổi trên mặt hồ. Hiện tại, công an đã có mặt tại hiện trường. Nạn nhân được xác định quê Thanh Hoá”.

Chỉ chưa đầy 1giờ đăng tải, dòng trạng thái này thu hút lượng khủng like và bình luận với hơn 9,2K người khác, 6,8K bình luận, 355 lượt chia sẻ.

Không những vậy, dưới mỗi dòng trạng thái là những cuộc tranh cãi, bình luận khiếm nhã, thậm chí miệt thị vùng miền của các cư dân mạng. Phải chăng, xu hướng bạo lực hóa trên mạng xã hội đang là nam châm thu hút nhiều người dùng facebook, zalo, youtube…                                   

Khi có một quy luật bất thành văn để được nhiều người theo dõi: Càng bạo lực, càng ghê rợn lại càng kích thích tâm lý tò mò và thu hút đám đông.

Cuộc chiến nảy lửa từ bàn phím đến đời thường

Sự hung hãn của một bộ phận cư dân mạng khiến những cuộc “chiến” không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn xảy ra nảy lửa ngoài đời thường. Không ít vụ hỗn chiến, thanh toán, trả thù bắt nguồn từ facebook, zalo…

Chỉ một lời bình luận, một cái phẫn nộ hay một dòng trạng thái cũng có thể “châm ngòi” cho những cuộc chiến từ thế giới ảo đến đời thực. Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ xô xát bắt nguồn từ mạng xã hội có xu hướng tăng về số lượng và giảm về độ tuổi. 

Ngày 8/10/2018, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng xét xử 13 bị cáo thuộc 2 nhóm thanh, thiếu niên ở huyện An Dương về tội “Cố ý gây thương tích”. Được biết, vụ án từ mâu thuẫn liên quan đến việc đăng tải hình ảnh, bình luận trên mạng xã hội nên hẹn nhau ra một địa điểm để “gây chiến”. Vụ hỗn chiến  khiến các thanh niên tham gia bị thương nặng, giảm 51% sức khỏe.

Không ai nghĩ rằng những chàng thanh niên chỉ mới 16,17 tuổi, chỉ vì mâu thuẫn trên thế giới ảo mà sẵn sàng “xử nhau” ở thế giới thật. Ranh giới giữa thế giới thật và ảo chỉ được giải quyết bằng một “nhát dao”.

Xã hội - Ám ảnh những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội (Hình 3).
Nhóm thanh niên hẹn chém nhau tại phiên tòa xét xử ở TP Hải Phòng.

Gần đây nhất,  ngày 20/2 /2019, hai nhóm thanh thiếu niên tại Hải Dương cũng diễn ra vụ việc tương tự. Những thanh, thiếu niên cấp 2, cấp 3 sẵn sàng hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn trên facebook bằng bạo lực. Sự nóng nảy từ hai phía lao vào hỗn chiến đã khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương nghiêm trọng.

Những cuộc “hẹn hò” gặp nhau nói chuyện luôn kích thích nhiều người như xem những bộ phim hành động ngoài đời thực. Khi họ tò mò theo dõi từng diễn biến được ghi lại trực tiếp tại hiện trường đầy chân thực và sinh động. 

Sự “bạo lực hóa” trên mạng xã hội dường như đang là một thú vui của một bộ phận cư dân mạng. Khi họ ngày càng cổ súy các hành động bạo lực, man rợ nhằm thỏa sự tò mò của bản thân bằng cách chia sẻ các hình ảnh thanh toán, xô xát lẫn nhau. Mặt khác, một số tài khoản nhằm tăng tương tác, câu like để bán hàng online, bán quảng cáo nên không ngừng chia sẻ những hình ảnh bạo lực để phục vụ các công chúng thế giới ảo. 

Ám ảnh và bất an

Mỗi ngày lướt qua mạng xã hội, dù có muốn hay không thì người dùng facebook vẫn bị “tra tấn” bởi những hình ảnh bạo lực, đâm chém, tai nạn. Sự rùng rợn và bạo lực đang biến mạng xã hội không còn là thế giới kết nối, giải trí đơn thuần mà là nơi đầy rẫy những tiêu cực.

Chị Nguyễn Thị Huế (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con nhà mình lên facebook khá nhiều, nhiều lần xem được những hình ảnh máu me, bạo lực. Vô tình khiến con mình bị ám ảnh, mất ngủ nhiều đêm liền và hay giật mình. Mình đã phải cách ly facebook và đưa con mình đi bác sĩ tâm lý. Thực sự, nhìn những hình ảnh đó rất ám ảnh, mình là người lớn còn thấy rùng mình chứ chưa nói là thanh niên hay trẻ em”.

Những hành vi tàn độc, côn đồ diễn ra đã và đang đi ngược với những giá trị con người và lối sống nhân văn, tình nghĩa từ xưa đến nay của nhân dân ta. Đáng lo ngại, đa số những hình ảnh, video được phát tán hay những người tạo ra “bạo lực” lại ở nhóm tuổi còn rất trẻ.

Khi ở độ tuổi đang lớn, rất dễ tác động đến tâm lý thanh, thiếu niên học và làm theo. Cùng với đó, sự lan truyền của mạng xã hội rất nhanh, số lượng người tiếp cận lớn khiến những hình ảnh bạo lực càng dễ phổ biến.

Bạn Cao Thị Duyên (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Công việc của mình buộc mình phải truy cập mạng xã hội liên tục. Tuy nhiên, mỗi ngày lên facebook hay youtube vô tình thấy các hình ảnh chém, giết rất ghê rợn.

Có những người đăng tải không che mờ, mà để nguyên phần cơ thể đứt lìa khiến mình cũng phải rùng mình. Mình thực sự bất an  khi tiếp xúc quá nhiều với hình ảnh bạo lực tiêu cực đến như vậy. Nó như một kiểu tra tấn”.

Chính những hành vi bạo lực và những hình ảnh bạo lực được tung lên mạng xã hội đang dần vượt ra khỏi vòng kiểm soát của chế tài luật pháp, đã và đang gây bất an trong dư luận xã hội. Đối với một số người sử dụng mạng xã hội tích cực thì những dạng thông tin này không khác một dạng bạo lực tinh thần.

Theo quy định của mạng xã hội facebook, những video có dấu hiệu: bạo lực, chết chóc, sex… chỉ được gỡ bỏ khi có người dùng báo cáo (report) và được facebook xem xét, chấp nhận do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Tuy nhiên, số trường hợp bị gỡ bỏ vẫn chưa thấm vào đâu so với số lượng những thông tin, hình ảnh bạo lực tồn tại trên mạng xã hội mỗi ngày. Đều đặn mỗi ngày, một bộ phận người dùng lên mạng để xem: Hôm nay có tai nạn không, có vụ chém giết nào không? Có cướp giật gì không?

Việc đưa những thông tin thất thiệt, những hình ảnh bạo lực dã man dù vô tình hay cố ý đã và đang cổ súy cho những vấn đề tiêu cực, cổ vũ những hành vi bạo lực và ghê rợn. Danh sách những thanh, thiếu niên thanh toán, thậm chí phạm tội giết người cứ dài theo năm tháng. Vô hình trung những cái xấu đã được nâng lên thành “văn hóa bạo lực” ở Việt Nam. 

Minh Hải/ Pháp luật Plus

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-anh-nhung-hinh-anh-bao-luc-tren-mang-xa-hoi-a266865.html