Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất


Thứ 5, 02/05/2019 | 13:12


(ĐS&PL) Tính đến thời điểm hiện tại, những người dân bị kết án đã thụ lý và trở về với cộng đồng. Tuy nhiên, lật lại hồ sơ vụ án cách đây gần 10 năm

(ĐS&PL) Tính đến thời điểm hiện tại, những người dân bị kết án đã thụ lý và trở về với cộng đồng. Tuy nhiên, lật lại hồ sơ vụ án cách đây gần 10 năm, nhận thấy còn rất nhiều vướng mắc chưa thỏa đáng.

“Của đau con xót”

Theo như nội dung đơn phản ánh của người dân tại thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh: Ngày 17/12/2008, Công ty TNHH xây dựng Đình Tổ làm đơn xin khảo sát mặt bằng đất thôn Đình Tổ để xây dựng nhà máy sản xuất gạch TUYNEL. Ngày 18/09/2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định số 1340/QĐ-UBND về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho công ty TNHH xây dựng Đình Tổ thuê để xây dựng nhà máy sản xuất gạch TUYNEL (đợt 1) tại thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ.

Xã hội - Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất

Ông Nguyễn Đức Ngư, Nguyễn Thị Hải và Trần Ngọc Huyên đang trao đổi với PV

Theo đó, ngày 28/09/2009, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị xác định mốc giới khu đất và bàn giao trên thực địa. Tổng diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng là 79.464,0m2.

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều người dân thôn Đình Tổ, họ không nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất nào từ UBND huyện Thuận Thành,  họ cho rằng họ bị “ép” nhận tiền trước khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Bắc Ninh?!

Người dân vẫn chưa đồng thuận với chủ trương thu hồi đất, tuy nhiên trong hai ngày 10/2/2010 và 11/02/2010 UBND huyện Thuận Thành đã tổ chức một lực lượng hùng hậu hàng trăm người với đầy đủ phương tiện, công cụ, vũ khí cùng công ty TNHH xây dựng Đình Tổ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, san lấp đất đai, phá hoại tài sản, hoa màu của người dân.

Xã hội - Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất (Hình 2).

Người dân không đồng thuận với chủ trưởng thu hồi đất

Nhận thấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm, người dân thôn Đình Tổ đã kéo nhau ra khu vực cưỡng chế để ngăn cản hoạt động san lấp đất, phá hoại tài sản, hoa màu của họ. Khi đó, giữa người dân và lực lượng bảo vệ đã xảy ra xô xát.

Người dân thôn Đình Tổ cho biết, trước sự phản đối quyết liệt của người dân, lực lượng cưỡng chế gồm công an, quân đội, dân quân và một số đối tượng “dân xã hội” đã tỏ thái độ hung hãn, tiếp tục chở đất cát đổ xuống ruộng đang vào vụ thu hoạch, thậm chí là máy xúc còn ủi tung cả các phần mộ gần đó.

Xã hội - Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất (Hình 3).

Phần hoa màu của người dân bị cày xới, đổ đất lên 

Cái giá quá đắt cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp?

Chính vì không nhận được quyết định thu hồi đất, nhiều người dân thôn Đình Tổ nghĩ rằng đất đai vẫn thuộc quyền sử dụng của họ. Do đó người dân đã có những động thái phản đối, ngăn cản hoạt động cưỡng chế, san lấp đất.

Tuy nhiên, trước hành động của người dân, chính quyền địa phương cho rằng hành vi của họ có dấu hiệu chống đối.

Cụ thể, gần 6 tháng sau, 6 người dân thôn Đình Tổ gồm ông Nguyễn Văn Hay, ông Trần Ngọc Huyên, bà Nguyễn Thị Hải, ông Hoàng Văn Các, ông Nguyễn Đức Ngư, và ông Trần Văn Nhắc đã nhận được quyết định khởi tố bị can về tội “chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257 Bộ Luật Hình sự.

Xã hội - Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất (Hình 4).

2 bản án xét xử sơ thẩm của TAND huyện Thuận Thành và phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh

Theo cáo trạng của VKSND huyện Thuận Thành, thời điểm đó ông Trần Ngọc Huyên (SN 1956) cùng ông Nguyễn Văn Hay (SN 1953) đi lên khu vực san lấp. Khi lên tới nơi, lực lượng bảo vệ đã rút hết, chỉ còn khoảng 50 người dân.

Một số người dân đã nhờ ông Trần Ngọc Huyên viết biên bản về sự việc xảy ra (do trưởng thôn là ông Hoàng Văn Soạn không chịu lập biên bản). Nội dung biên bản là do một số người dân đọc, ông Huyên chỉ viết lại do thời điểm trước đó, ông cũng không có mặt.

Vụ án đã được đem ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, cả 6 người dân đều bị tuyên án “Chống người thi hành công vụ” theo bản án sơ thẩm số 18/2011/HSST ngày 28/4/2011 của TAND huyện Thuận Thành. Các bị cáo đều phải chịu mức án phạt tù.

Ngay sau đó, các bị cáo đã gửi đơn kháng cáo. Ngày 2/8/2011, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã bác bỏ kháng cáo của các bị cáo. Duy có ông Hoàng Văn Các đã được HĐXX xem xét cho hưởng án treo bởi các tình tiết giảm nhẹ.

Cái lý cái tình

Qua tìm hiểu vụ việc, được biết tại thời điểm đó, trả lời báo chí, thanh tra huyện Thuận Thành đã thừa nhận: Dự án này không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, còn quyết định thu hồi đất tổng thể thì trên này (thanh tra huyện) không có.

Ngoài ra, vị này còn khẳng định: Trình tự thủ tục có khi chưa được chặt chẽ nên dự án này đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh đình chỉ bằng văn bản số 80/TB-UBND ra ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo dừng triển khai xây dựng nhà máy sản xuất gạch TUYNEL tại xã Đình Tổ; giao UBND huyện Thuận Thành làm việc với chủ đầu tư và đề xuất phương án đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai khác thay thế cho nhà máy sản xuất gạch TUYNEL…

Còn về kết luận định tội “chống người thi hành công vụ” đối với một số người dân có thực sự thỏa đáng. Người dân không tấc sắt trong tay, họ chỉ có tiếng nói và sức mạnh đoàn kết nhưng phải đối diện với một bên là đội cưỡng chế của công ty TNHH xây dựng Đình Tổ và các lực lượng bảo vệ được trang bị đầy đủ vũ khí, lá chắn, công cụ hỗ trợ. 

Xã hội - Bắc Ninh: Bản án oan sai của những người dân liều mình giữ đất (Hình 5).

Lực lượng bảo vệ với đầy đủ công cụ hỗ trợ 

Tại phiên tòa xét xử, bào chữa cho các bị cáo là 2 luật sư Nguyễn Quang Bắc và Nguyễn Trọng Quyết chỉ rõ: Các hộ gia đình ở thôn Đình Tổ không chuyển nhượng quyền sử dụng đất được giao ổn định, UBND huyện Thuận Thành cũng không ban hành quyết định thu hồi đất tới từng hộ dân. Dẫn tới việc san lấp mặt bằng của doanh nghiệp là không đúng pháp luật. Từ đó, lực lượng hỗ trợ giúp công ty xây dựng Đình Tổ san lấp mặt bằng không phải “thi hành công vụ”. Do đó không có căn cứ buộc tội.

Tuy nhiên, những căn cứ pháp lý luật sư đưa ra không được HĐXX chấp thuận .

Như vậy một vụ án kết thúc với 6 người bị kết án, người cao tuổi nhất SN 1940, phải chịu mức án tù giam từ 2-3 năm tù. Một bản án đã khiến cả trăm người dân thôn Đình Tổ không “tâm phục khẩu phục”.

Một câu hỏi lớn đặt ra, tại thời điểm VKSND đưa ra bản cáo trạng, rồi lần lượt các bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND các cấp được tuyên, thì các cơ quan chức năng có biết rằng dự án mà người dân phản đối đã bị đình chỉ thực hiện?

Lúc đó, có một phiên tòa nào suy xét tính đúng sai trong trình tự thu hồi đất của người dân hay không? Khi thực hiện hoạt động cưỡng chế, đất thuộc sở hữu của người dân hay về chủ đầu tư? Liệu hành vi hung hãn san lấp mặt bằng, phá hoại hoa màu tài sản, mồ mả… của người dân có vi phạm pháp luật hay không?

Thiết nghĩ, trong sự việc này, các nhà chức trách đã quá cứng nhắc, áp dụng luật một cách chủ quan, không nhìn nhận đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Hay phải chăng đằng sau đó còn có những vướng mắc chưa được tháo gỡ.

PV/Sức Khỏe 365

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-ninh-ban-an-oan-sai-cua-nhung-nguoi-dan-lieu-minh-giu-dat-a273528.html