Bảo tồn di sản đô thị: Cơ hội và thách thức - Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển


Thứ 5, 23/05/2019 | 15:06


(ĐS&PL) Khoảng hai thập niên trở lại đây, di sản đô thị ở Việt Nam đã được giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn dù chưa trọn vẹn.

(ĐS&PL) Khoảng hai thập niên trở lại đây, di sản đô thị ở Việt Nam đã được giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn dù chưa trọn vẹn. Có một thực tế là, di sản đô thị đang phải chịu cảnh “lép vế” so với các di tích, di sản văn hóa khác bởi trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến khái niệm di sản đô thị cũng như hành lang pháp lý bảo vệ loại hình di sản này. 

Xã hội - Bảo tồn di sản đô thị: Cơ hội và thách thức - Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô mang phong cách kiến trúc tiêu biểu của Liên Xô (cũ).

Thực tế đó đòi hỏi di sản đô thị cần phải được quan tâm nhiều hơn, phải được đặt đúng vị trí để có những biện pháp bảo vệ trước khi những di sản này bị biến dạng, xuống cấp hay biến mất hoàn toàn.

Nhận diện di sản đô thị

Cho đến nay, giới kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam vẫn chưa tìm được sự thống nhất về khái niệm di sản đô thị. Theo quan điểm của kiến trúc sư (KTS) Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội thì “Di sản đô thị bao gồm các công trình mang tính tượng đài và các yếu tố kiến trúc thông thường, tạo thành một chỉnh thể thống nhất hoặc một cấu trúc không gian đô thị thống nhất, thể hiện qua các đặc tính chung, phong thái quy hoạch, công năng đặc thù hoặc dấu ấn của một giai đoạn”.

Khái niệm di sản đô thị được KTS người Italia Gustato Giovannoni đề cập lần đầu tiên từ thập niên 30 của thế kỷ trước, cho thấy sự thay đổi trong khái niệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị, đó là không chỉ quan tâm đến một công trình riêng lẻ mà bao gồm cả những yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị, bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản. Từ đó, di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc và giàu văn hóa.

Tại Hà Nội, di sản đô thị có thể được hiểu là các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc với khu phố cũ, biệt thự cũ, các bảo tàng, nhà hát, bệnh viện, trường học... còn bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị kiến trúc và không gian xung quanh. Ngoài ra, không thể không kể đến hệ thống các công trình nhà ở, khu tập thể, công viên, công trình công cộng được xây dựng thời kỳ những năm 1960 - 1990 với phong cách kiến trúc tiêu biểu của Liên Xô (cũ). Những di sản đô thị này theo thời gian đều đã khẳng định được giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Quan trọng là các di sản này đã và đang tiếp tục đóng góp vào việc tạo nên bản sắc đô thị và góp phần nhận diện Thủ đô Hà Nội.

Ứng xử với di sản đô thị

Mặc dù mang không ít dấu vết của thời gian, lịch sử, phản ánh các lớp lang văn hóa nhưng di sản đô thị chưa bao giờ được chính thức công nhận là một loại hình di sản văn hóa. Chính vì thế, các di sản đô thị không được xếp hạng, đồng thời không được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Thách thức lớn nhất mà di sản đô thị hiện đang phải đối mặt là nguy cơ bị biến dạng, xuống cấp hoặc rất có thể bị kéo đổ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, các di sản đô thị thường nằm ở những vị trí “đất vàng” tại các khu vực trung tâm thành phố nên khả năng bị “thôn tính” càng cao hơn. Không khó để nhận ra sự biến mất nhanh chóng của nhiều biệt thự cũ trên các khu phố Pháp và các tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm những năm gần đây, bị thay thế bởi các tòa nhà văn phòng, cao ốc hiện đại hoặc trở thành bãi đất trống “nằm chờ” dự án, hay sự “thế chân” dần dần các khu tập thể cũ ở Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ (quận Đống Đa) bằng những chung cư hiện đại. Ngược lại, không ít công trình bị rơi vào quên lãng, không ai ngó ngàng suốt vài thập niên qua như biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), tòa nhà công vụ 300 Kim Mã (quận Ba Đình)...

Một thách thức khác mà di sản đô thị phải đối mặt, đó là sự phá vỡ không gian cảnh quan xung quanh di sản. Lối kiến trúc đặc trưng của biệt thự Pháp luôn có không gian cây xanh, khuôn viên, hàng rào bao quanh. Rộng hơn nữa là cảnh quan của những con phố xung quanh. Cách đây khoảng vài chục năm, thanh niên Hà Nội thường có thói quen thong thả đạp xe trên những con phố thơ mộng, hai bên là những dãy nhà biệt thự nép mình dưới những hàng cây rợp bóng, như phố Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu..., nhưng nay những hình ảnh đó đã trở nên xa vời. Không gian di sản mất đi cũng có nghĩa đô thị mất đi một phần bản sắc văn hóa.

Không chỉ đối diện với những thách thức trực tiếp nêu trên, công tác bảo tồn di sản đô thị ở Hà Nội còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Đó là sự buông lỏng quản lý, hoặc ngược lại là sự cứng nhắc trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Chúng ta đang khá cứng nhắc khi phân loại và tiếp cận di sản. Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn. Nếu nhìn nhận giá trị di sản chỉ dựa trên phương diện hành chính (xếp hạng) sẽ dễ dẫn đến cực đoan”.

Giải bài toán giữa “đọng” và “chảy”

Xã hội - Bảo tồn di sản đô thị: Cơ hội và thách thức - Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển (Hình 2).

Để bảo vệ di sản đô thị, việc cần làm đầu tiên là trả hệ thống di sản này về đúng với vị trí của nó, tức là cần phải ứng xử một cách khách quan, công bằng và phù hợp như với hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Để làm được điều đó, cần nhận diện loại hình di sản đô thị như những di sản văn hóa khác để từ đó có cơ chế bảo vệ, bảo tồn xứng đáng căn cứ theo Luật Di sản văn hóa. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các ban, ngành liên quan phải tìm được tiếng nói đồng thuận trong công tác bảo tồn di sản, tránh việc di sản “kêu cứu” nhưng nhà quản lý thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc cứng nhắc trong việc xử lý.

Khác với các loại hình di sản văn hóa khác, di sản đô thị có thể phát huy giá trị tốt hơn bởi nó thực sự là di sản “sống”, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân. Nhưng cũng chính vì thế, người dân cần phải được tuyên truyền, nâng cao nhận thức để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hiện nay, tại các đô thị châu Á đang lan tỏa xu hướng “quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng” có nguồn gốc từ Nhật Bản. Theo xu hướng mới này, người dân sẽ tham gia vào công tác bảo tồn cùng các nhà chuyên môn và chính quyền ngay từ khâu đầu tiên, được nói lên tiếng nói của mình nên bảo tồn cái gì, loại bỏ cái gì và được học cách ứng xử với công trình như thế nào. Mô hình này hiện rất thành công và lan rộng ở các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Để di sản đô thị có cơ hội phát huy giá trị của mình, cần gắn với việc phát triển du lịch. Hà Nội hoàn toàn có thể khai thác di sản đô thị để phát triển du lịch thông qua các tour tham quan kiến trúc. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc - Công trình (Trường Đại học Phương Đông) cho rằng: Có thể thiết kế các tour du lịch chuyên biệt về tham quan, tìm hiểu kiến trúc Đông Dương hay các công trình kiến trúc Pháp cho những đối tượng khách có nhu cầu tìm hiểu sâu. 

Theo KTS Nguyễn Quốc Tuân, loại hình du lịch tham quan này hiện rất phát triển ở nước ngoài với chi phí không hề rẻ. Các nước đã kết hợp tour này theo hình thức du lịch thông minh, sử dụng các ứng dụng hiện đại để thu hút những đối tượng khách đặc biệt. Tuy nhiên, KTS Nguyễn Quốc Tuân cũng lưu ý rằng, không nên phát triển du lịch di sản đô thị quá ngưỡng bởi sẽ dễ xảy ra phản ứng ngược. Đó là hiện tượng “rỗng” văn hóa trong các di sản, tương tự như trường hợp của đô thị cổ Hội An hiện nay, khi mà đô thị này đang mất dần tính văn hóa bản địa và sự cố kết cộng đồng trước xu thế thương mại hóa quá mức.

Phát triển kinh tế cũng là một đặc tính của di sản đô thị, nhưng phải hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển để công tác bảo tồn di sản thực sự bền vững. Đó là cách để giải quyết bài toán giữa “đọng” và “chảy”, sao cho những giá trị của di sản vẫn “đọng” lại, không bị mất đi trước dòng “chảy” của cuộc sống.

Để xây dựng mới một công trình kiến trúc hiện đại, có thể cần nhiều tiền, nhưng để có được một di sản đô thị, ngoài tiền thì còn cần có những thứ không thể mua được. Đó là thời gian, là niên đại, là lịch sử, là ký ức và kỷ niệm...

Ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam:
Quy hoạch phát triển phải thúc đẩy các tài sản văn hóa “sống” trong thành phố

Tại Hà Nội, chúng ta không cần nhìn đi đâu xa để có thể cảm nhận được sự phát triển năng động của các công trình văn hóa, di sản và truyền thống. Hà Nội mang trong mình một nền văn hóa được kế thừa từ truyền thống lịch sử lâu đời. Điều này đã khiến Hà Nội chuyển mình thành một trong những thành phố hấp dẫn nhất châu Á, nơi mà lịch sử lâu đời và các công trình văn hóa kết nối trực tiếp với sự phát triển của kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nếu được quản lý một cách hiệu quả, đây sẽ là một tiềm năng tuyệt vời cho tương lai thành phố. Quy hoạch phát triển phải kết hợp các hành động để bảo tồn và thúc đẩy các tài sản văn hóa “sống” trong các thành phố, vì chúng giúp định hình bản sắc của thành phố với sự sáng tạo và bền vững.

ThS.KTS Đỗ Hà Thanh, Ban Quản lý dự án quận Ba Đình: 
Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giữa bản sắc, hiện đại và tiện ích

Cần tăng tính nhận diện để tái định vị giá trị di sản trong tiến trình phát triển của đô thị. Với tư cách là một nguồn lực phát triển, cần tạo lập sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giữa bản sắc, hiện đại và tiện ích. Xây dựng các cơ chế quản lý mềm dẻo đối với di sản đô thị để không chỉ là các công trình khô cứng mà đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư đô thị bản địa, hạn chế sự mai một và biến dạng của các di sản đô thị.

Bảo Khánh

Theo HNMO

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-ton-di-san-do-thi-co-hoi-va-thach-thuc---hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien-a276807.html