Bí ẩn ngàn đời trong "túi phép" của các thầy mo xứ Mường


Thứ 7, 29/03/2014 | 14:12


Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví văn hóa dân tộc Mường là kho tàng những điều thần bí, thậm chí ma mị đến khó tin.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví văn hóa dân tộc Mường là kho tàng những điều thần bí, thậm chí ma mị đến khó tin.

Trong những chiếc túi kì bí của các thày mo xứ Mường, không phải ai cũng biết được trong đó có những gì...

"Có “Mo” thì mới có Mường"?

Người Mường luôn tự hào với cách ví von nếu “không có mo thì không có người Mường" cũng giống như không có làng xã thì không có huyện, tỉnh. "Mo" là phạm trù văn hóa rất rộng, là một hình thức diễn xướng văn hóa dân gian đặc biệt trong đám tang của người Mường. "Mo" là đại diện duy nhất có thể giao tiếp với người đã chết và dẫn hồn người chết đi khắp nơi trong thế giới bên kia.

Người Mường quan niệm chết không phải đã là hết. Bởi thế, "trần sao âm vậy", người chết cũng phải có trâu, bò, gà, lợn làm vốn "mưu sinh" ở thế giới khác. Họ mổ các con vật nuôi trong nhà, mời thầy mo làm lễ cúng tế, dâng cho người thân. Trong "mo" cúng thường nhắc đi nhắc lại một điều: "Mua đừng bán, bạn đừng cho", ý dặn "vong" phải giữ lấy những vật cúng tế để làm vốn liếng làm ăn ở thế giới của mình. Đừng cho ai, đừng bán đi kẻo thành ma đói, lang thang tội nghiệp.

Làm thầy mo phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe. Người khỏe mạnh, không đui, chột, què quặt, không nói ngọng và có uy tín trong làng bản mới được lựa chọn. Thông thường, "mo" có tính chất gia truyền và không phải ai cũng có thể "hành nghề". Đặc biệt, thầy mo phải có bản lĩnh hơn người, trong lúc tang gia bối rối vừa là niềm tin của người sống, vừa làm chỗ dựa cho linh hồn người chết.

Tin tức - Bí ẩn ngàn đời trong 'túi phép' của các thầy mo xứ Mường
Thầy mo nổi tiếng khắp vùng Lạc Sơn Bùi Văn Chuẩn.

Khám phá túi "khót" thần kỳ

Phong tục lạ

Người Mường không có tục thờ cúng tổ tiên trong nhà. Chỉ ngày 30 Tết, họ làm mâm cơm mời người đã mất về nhà rồi chiều mùng 1 lại làm cơm tiễn về trời đất. Tuy nhiên, riêng trong nhà thầy mo, quanh năm có một ban thờ nhỏ để thờ người truyền nghề cho mình.

Những con đường đá sỏi vòng vèo dẫn vào thôn Vín Thượng, Hương Nhượng, Lạc Sơn. Hễ ngồi ở quán nước nào hay trò chuyện với bác xe ôm dọc đường đầu thị trấn thì đều nghe nhắc nhiều đến thầy mo Bùi Văn Chuẩn, khiến chúng tôi hết sức tò mò.

"Mo" Chuẩn năm nay đã 87 tuổi nhưng minh mẫn và mạnh khỏe. Bắn một điếu thuốc lào thật dài và bằng tiếng Kinh lưu loát, ông cười hiền hậu, tâm sự: "Nhờ nghề "mo" mà tôi khỏe mạnh. Làm "mo" phải có tâm, không giữ được đạo đức mà làm sai lệnh đấng linh thiêng thì bị giày vò cho đói khổ, bệnh tật, ốm đau đến chết".

Đến bây giờ, ông cũng không nhớ nổi gia đình mình đã có nghề "mo" từ đời nào. Chỉ biết rằng khi người cha mất đi, ông được chọn nối nghề. Rời chức cán bộ mặt trận Tổ quốc xã về hưu, ông chuyên tâm làm "mo", cúng đưa tiễn bao con người ở khắp vùng về với trời đất. Ai ai cũng biết đến "mo" Chuẩn vì ông cúng rất giỏi. Hơn nữa, ông luôn sống giản dị và hướng dẫn bà con dân bản theo "mo" một cách lành mạnh, không lợi dụng, biến tướng thành mê tín dị đoan.

Qua "mo" Chuẩn, được biết: "Khót" là túi đồ nghề cực kỳ quý hiếm của mỗi thầy mo xứ Mường. Trong đó, có rất nhiều đồ vật chuyên dụng, nhưng có thể chia thành 4 nhóm chính: Nhóm xương răng động vật, đồ kim khí, đá và các loại củ quả. Nhìn qua thì chúng là những vật dụng bình thường nhưng lại mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Mỗi bộ phận trên cơ thể động vật như nanh hổ, nanh báo, sừng tê giác, ngà voi... đều đại diện cho con vật ấy hình thành "đội quân tinh nhuệ, hộ vệ" thầy mo đi trấn yểm khắp nơi. Người ta phải vào rừng, tìm những con vật chết hoang và quan niệm đó là những cái chết linh thiêng, sẽ ứng nghiệm với nghề. Đá quý được lấy trong tự nhiên, gọi chung là cang cầm. Đồ kim khí thường là một lưỡi rìu có từ thời Đông Sơn, có người gọi là lưỡi tầm sét hay kẹo lẹt ma ươi.

Trước khi vào đám ma, thầy mo sẽ khấn thức gọi hồn tất cả các con vật dậy để cùng góp sức mạnh dẫn hồn người chết và cũng là để bảo vệ cho chính thầy mo. Trong quan niệm của người Mường, mỗi cái chết đều có lý do riêng và thường có những ẩn ức, oan khuất. Do vậy, hồn ma không cam chịu đi một mình, sẽ tìm cách quay về "vật" người sống (?!). Thầy mo phải nhờ đến những con vật dữ tợn kia bảo vệ. Khi đi cúng, bên cạnh túi "khót", mỗi thầy mo sẽ mang theo khánh và một con dao dài bên cạnh.

Theo lời ông Chuẩn: "Bây giờ thầy cúng nhiều, "mo" cũng nhiều kiểu loại. Ở mỗi xóm bản đều có người hành nghề cúng bái để mưu sinh. Những thầy mo chuẩn như tôi còn rất ít nên được nhiều người trọng vọng. Vì thế, các "mo" địa bàn sẽ không hài lòng, sinh đố kỵ từ thói ghen ăn, tức ở. Cho rằng mình bị "cướp cơm", họ sẵn sàng đọc "tiếng" (một loại bùa độc trong quan niệm người Mường - PV) để gieo bùa ốm đau, bệnh tật lên "kẻ thù". Có dao sẽ giúp tránh được tà ma, bùa chú hiểm ác". Dao cũng là vật dụng giúp thầy mo mở đường sang thế giới hồn ma mông muội. Khắp cùng trời cuối đất, có rất nhiều nơi kinh khủng chỉ có "mo" mới có thể biết và dẫn người chết đi được.

Túi "khót" không phải ai cũng được cầm đến. Tất cả con cháu trong gia đình ông Chuẩn đều tuyệt đối tuân theo lời nguyền: "Tự nhiên lấy túi "khót" sẽ bị trời đánh, thánh vật". Do đó, nơi để túi "khót" rất trang trọng, chỉ mình ông Chuẩn lui tới. Mỗi lần đi cúng đám, ông Chuẩn phải đọc thần chú và làm các thủ tục xin phép cẩn thận mới được mang theo.

Tin tức - Bí ẩn ngàn đời trong 'túi phép' của các thầy mo xứ Mường (Hình 2).
Một thầy mo đang chuẩn bị cúng. Ảnh: Bùi Huy Vọng.

Lo ngại biến tướng gây nhiễu loạn

Trong thế giới thầy cúng của người Mường có 3 dòng chính là "mo", mỡi và trượng (tiếng Mường gọi là K-Lượng, Tr-Lượng - PV). Lời "mo" luôn dạy cho con người lẽ sống nhân văn, không ăn trộm ăn cắp, không làm điều xằng bậy. "Mo" là ứng xử cuối cùng của con cháu đối với người đã khuất. Bởi thế, bản thân "mo" Mường hết sức nhân văn, yếu tố mê tín dị đoan hầu như là không có. Chỉ có những biến tướng từ mỡi và trượng là rất đáng lo ngại. Nó khiến xã hội trở nên nhiễu loạn. Mỡi là một hình thức như bà đồng, cốt của người Kinh, chuyên cúng cầu an chữa bệnh cho người sống. Trượng có thể vừa cúng vừa chữa bệnh. Ở những thời điểm khó khăn trước đây, con người có sinh mà không có dưỡng, bệnh tật, đói khổ, họa thú dữ, hổ báo quanh sườn. "Mo", mỡi và trượng trở thành điểm tựa tâm linh cho con người vượt qua những sự biến khốn cùng của đời sống.

Tuy nhiên, nhiều mỡi và trượng đã lợi dụng cúng bái để làm kinh tế, biến niềm tin tâm linh của con người thành mê tín dị đoan. Vấn đề này cho đến nay vẫn tồn tại trong các bản làng người Mường trên khắp vùng cao Tây Bắc. Nếu như các cơ quan chức năng không kiên quyết vào cuộc thì không chỉ nguy hại đến đời sống của bà con người Mường nói riêng mà còn ảnh hưởng xấu đến văn hóa của dân tộc Mường nói chung.

Nhiều người vẫn giữ thói quen quy nạp tất cả mỡi, trượng là "mo" thì thực sự không công bằng!

Nét văn hóa tâm linh âm -  dương của xứ Mường

Ông Bùi Huy Vọng, người chuyên nghiên cứu văn hóa tộc Mường cho biết:"Để kể hết "mo" phải có từ 13 - 15 đêm. Năm 1942, gia đình quý tộc đời nhà Lang đã từng ghi kỷ lục tới 13 đêm "mo". Thầy mo luôn có những ứng xử đặc biệt với túi phép của mình. Mỗi năm vào ngày 27 tháng Chạp, túi "khót" được chủ nhân mang ra rửa sạch bằng rượu và phơi khô để cầu mong những ứng nghiệm linh thiêng trong năm mới".

Trưởng bản Vín Thượng, ông Bùi Văn Bé cho biết: "Theo nếp sống văn hóa mới hiện nay, "mo" vẫn còn nhưng thông thường chỉ kể từ 1 - 2 đêm. Trước đây, nếu gia đình nghèo không nuôi được gia súc gia cầm, thầy mo có quyền không cho cái xác được địa táng mà phải phơi xác. Tuy nhiên, hủ tục đã dần được loại bỏ. Người Mường bây giờ tổ chức đám tang gọn nhẹ, tiết kiệm. Gia đình đông con có thể cúng tế chung, tránh lãng phí, không phải chuẩn bị riêng đồ lễ như trước đây".

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-ngan-doi-trong-tui-phep-cua-cac-thay-mo-xu-muong-a27226.html